Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BTV Trần Thảo Linh bất ngờ khi được giải quốc tế

Trần Thảo Linh - BTV được giải thưởng của Cộng đồng Khí tượng châu Âu - chia sẻ, dù dự báo thời tiết là một ngành khoa học lớn song vẫn có những tình huống thay đổi bất ngờ.

Vừa qua, Trần Thảo Linh - biên tập viên của Trung tâm truyền hình thời tiết và cảnh báo thiên tai, Đài Truyền hình Việt Nam - đã trở thành người đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng Dự báo Thời tiết Truyền hình EMS 2014 của Cộng đồng khí tượng châu Âu (EMS). Giải thưởng thường niên này được trao cho cá nhân có thành tích tốt nhất trong lĩnh vực truyền thông khí tượng.

Năm nay, chương trình mang tên Bản tin khẩn cấp về cơn bão Haiyan sắp đổ bộ vào Việt Nam do Trần Thảo Linh làm tổ chức sản xuất đã vượt qua 9 tác phẩm khác và giành giải Tác phẩm xuất sắc. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 7/10 tại Prague, Cộng hòa Czech. Sự kiện thuộc khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 14 của EMS và Hội thảo châu Âu lần thứ 10 về khí hậu học ứng dụng (ECAC), diễn ra từ ngày 6 - 10/10.

Thạc sĩ khí tượng học Trần Thảo Linh hiện đang là phó trưởng phòng phụ trách phòng khí tượng, Trung tâm truyền hình thời tiết và cảnh báo Thiên tai (WDB), Đài Truyền hình Việt Nam.
Thạc sĩ khí tượng học Trần Thảo Linh hiện đang là Phó phòng phụ trách phòng Khí tượng, Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo Thiên tai (WDB), Đài Truyền hình Việt Nam.

Quá bất ngờ khi biết tin được giải

Tới thăm trung tâm dự báo thời tiết vào một buổi sáng cuối tuần, không khí làm việc tại nơi đây vẫn rất nhộn nhịp với guồng quay hối hả, bận rộn. Tìm hỏi tới BTV thời tiết vừa nhận được giải - Trần Thảo Linh, các thành viên trong trung tâm cho biết, chị đang thực hiện bản tin.

Sau khi xong công việc, Thảo Linh vui vẻ chia sẻ với phóng viên, bản tin vừa hoàn thiện là một bản tin đặc biệt sẽ được phát cho Liên hiệp quốc. Theo đó, Liên hiệp quốc đang thực hiện một chiến dịch truyền thông trên toàn cầu kêu gọi đài truyền hình của các quốc gia thực hiện chuỗi chương trình làm về biến đổi khí hậu nhằm nâng cao ý thức của người dân và những bản tin này sẽ được đưa ra toàn cầu.

Khi nhận được lời khen vì lối dẫn sắc nét, mạch lạc nhưng không kém phần thu hút, BTV Thảo Linh thú nhận, trước đây chị vốn hay ngại và nhát nhưng qua thời gian dài được tôi luyện, va vấp, giờ đã bản lĩnh và tự tin hơn rất nhiều. Thảo Linh không phải là người thường xuyên xuất hiện trong các bản tin dẫn, chỉ khi có những sự kiện đặc biệt và cần một phân tích chuyên sâu hơn, chị mới thực hiện những bản tin và chịu toàn bộ trách nhiệm với thông tin khoa học trong đó.

BTV Thảo Linh và các đồng nghiệp đang thực hiện quay bản tin thời tiết theo công nghệ phông xanh để lồng ghép các hình ảnh, đồ họa. Ngoài vai trò một người dẫn, truyền tải thông tin, bản thân chị còn là người chịu trách nhiệm về các kiến thức khoa học của bản tin.
BTV Thảo Linh và các đồng nghiệp đang thực hiện quay bản tin thời tiết theo công nghệ phông xanh để lồng ghép các hình ảnh, đồ họa.

Nói về giải thưởng Dự báo Thời tiết Truyền hình EMS 2014 của Cộng đồng khí tượng châu Âu (EMS),  Thảo Linh chia sẻ, chị quá bất ngờ khi biết tin. Tuy là giải thưởng cá nhân nhưng để có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo và định hướng sát của lãnh đạo đài, lãnh đạo trung tâm và sự góp sức của tập thể biên tập viên, phóng viên, đồ họa, kĩ thuật của Trung tâm truyền hình thời tiết và cảnh báo thiên tai đài THVN. Đây không chỉ là niềm vui của cá nhân chị mà còn là niềm vui chung của cả một ê-kíp và đó cũng là thách thức và áp lực đối với những người làm chương trình để có thể sáng tạo và thực hiện những bản tin chất lượng dành cho khán giả.  

Chia sẻ về công việc, thạc sĩ cho biết: "Dự báo thời tiết là cả một ngành khoa học lớn, có cả một tổ chức khí tượng, thủy văn thế giới để hỗ trợ lẫn nhau trong các nước và rất nhiều yếu tố có thể thay đổi, tác động. Có những lúc kết quả đúng tới 90 - 95% nhưng có những lúc chỉ đúng được 30 - 40%, nhưng rõ ràng là chúng ta biết trước được thông tin, dù chỉ là ở chừng mực có thể, cũng rất là quý và hữu ích để chuẩn bị cho các kế hoạch. Đương nhiên, sẽ có nhiều lúc bất ngờ trước những sự thay đổi nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra một cách rất dị thường".    

Một bản tin thời tiết cần tới sự vận dụng và huy động của cả một tập thể. Ví dụ như bản tin về biến đổi khí hậu, một vấn đề trìu tượng, nhiệm vụ của người BTV là phải làm sao để biến nó thành một câu chuyện, giúp khán giả cảm nhận, nhìn thấy và hình dung ra ngay những gì sẽ diễn ra. Từ những thông tin khoa học, thông số, dự báo ở dạng đồ thị, bản đồ của thế giới, những biên tập viên có chuyên môn sẽ đọc, phân tích và làm việc cùng với các chuyên gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam để đưa ra những thông tin cụ thể tại từng khu vực trong cả nước. Làm sao để truyền đạt thông tin chính xác nhất nhưng cũng gần gũi và dễ hiểu nhất tới với người dân chính là một thách thức đối với không chỉ một biên tập viên mà với cả ê-kíp thực hiện.

Việc chuyển thể từ những từ ngữ chuyên ngành, mang đậm tính khoa học thành những thông tin gần gũi với khán giả như một câu chuyện đời thường của chính họ là điều mỗi người làm chương trình luôn trăn trở. Phải tự tìm tòi, khám phá để thực hiện được nhiệm vụ.  

Ngoài vai trò một người dẫn, truyền tải thông tin, bản thân chị còn là người chịu trách nhiệm về các kiến thức khoa học của bản tin.

Mải tác nghiệp tới mức bị bỏng lạnh

Theo chia sẻ của BTV Thảo Linh, với những bản tin thời tiết, công việc của chị và cả ê-kíp khó khăn gấp đôi. Các bản tin này có tần suất dày, được thực hiện theo một quy trình khép kín. Mỗi một ê-kíp, một bộ phận sau khi hoàn thành khối công việc của mình sẽ được ráp nối lại với nhau từ việc nhận tin, khai thác tin, liên hệ tới các địa phương để xác nhận thông tin cho tới phát hiện ra vấn đề để lên ý tưởng cho kịch bản, biên tập rồi lựa chọn hình ảnh thực hiện. Người tổ chức sản xuất sẽ là người định hướng và duyệt cuối cùng. 

Chị cho rằng, truyền hình rất trực quan vì thế khán giả không chỉ được nghe thông tin mà còn được theo dõi hình ảnh, cách thể hiện của người dẫn, phối hợp với đồ họa. Đôi khi chỉ cần nhìn, khán giả có thể hình dung được ngay đó là sức mạnh của hình ảnh.

"Từ những con số rất phức tạp của khí tượng thủy văn, chúng tôi phải chuyển hóa thành một bản tin mang tính truyền hình một cách nhanh chóng. Mỗi sản phẩm ra đời là thành quả của cả một bộ máy chuyên nghiệp" - Trần Thảo Linh chia sẻ.  

Là một BTV thời tiết, Thảo Linh thường xuyên tác nghiệp tại hiện trường và có những kỷ niệm đáng nhớ. Chị kể, tới giờ vẫn nhớ như in sự kiện năm 2008, khi đi đưa tin về trận rét kỷ lục tại Hà Nội, nhiệt độ xuống còn khoảng 7,7 độ C. Sau khi quay hình xong tại bệnh viện Nhi Trung ương, chị nhanh chóng chuẩn bị để tiếp tục di chuyển sang các địa điểm khác nhưng không thể bắt được taxi vì trời vừa mưa vừa rét căm căm. Làm việc liên tục ngoài trời dưới cái rét lạnh buốt và đứng hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không có xe, Thảo Linh cảm giác cả người tê cứng. Lạnh buốt là thế nhưng tay lại cảm thấy như bị bỏng lửa, nóng rát. Sau này tìm hiểu, Thảo Linh mới biết đó là hiện tượng bỏng lạnh.

Còn về những lần đi đưa tin về bão ở Quảng Ninh, Thảo Linh cười nói, đúng là chỉ có tình yêu với nghề mới cho chị động lực, sức khỏe để thực hiện công việc. Bởi chị vốn là người rất say xe nhưng trong những lúc đó, tinh thần và nghị lực không cho phép chị được nghỉ ngơi bất cứ giây phút để có thể kịp lên sóng. Chưa kể những nguy hiểm, khó khăn mỗi đợt bão lớn hay việc thức khuya, dậy sớm, tá túc ở nơi làm việc mỗi khi bão về.

Trước khi đi làm bão, người BTV như chị phải hình dung trước các tình huống, chuẩn bị các phương án để tác nghiệp hiện trường, kết hợp với các cơ quan, đoàn thể và người dân địa phương để nhanh chóng nắm bắt tình hình và có được những thông tin chính xác, đắt giá nhất.

Không phủ nhận những gấp gáp, khó khăn, áp lực và thách thức trong công việc song Trần Thảo Linh chia sẻ, chị tìm thấy niềm vui khi được cống hiến hết mình với đam mê. Rất may, chị luôn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ những người đồng nghiệp trong một ê-kíp chuyên nghiệp và sự ủng hộ của gia đình, chồng con.

Bản tin khẩn cấp về cơn bão Haiyan sắp đổ bộ vào Việt Nam là một trong rất nhiều bản tin được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào ngày 9/11/2013, khi siêu bão Haiyan đã đi qua Philippines và tiến gần đến Việt Nam. Những bản tin khẩn cấp này đã giúp khán giả cả nước nhận thức được tầm cỡ của cơn bão khi đưa những hình ảnh về sự tàn phá khủng khiếp của nó ở Philippines và so sánh cường độ với các cơn bão mạnh khác. 

Đánh giá về tác phẩm, Hội đồng trao giải cho rằng: Bản tin khẩn cấp về cơn bão Haiyan sắp đổ bộ vào Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa dự báo chi tiết và thông tin thực tế khi siêu bão Haiyan tiến gần đến Việt Nam. Nắm chắc chuyên môn khí tượng đã được đào tạo cũng như nghiệp vụ báo chí, biên tập viên Trần Thảo Linh xuất sắc trong việc truyền tải thông tin, giải thích những thông tin khoa học về cơn bão và diễn đạt những thông tin này một cách gần gũi, dễ hiểu với công chúng. Những thông số của cơn bão và đường đi dự báo được đưa ra với giọng bình tĩnh nhưng đầy quyết đoán. Chương trình cũng đưa thông tin để người dân biết cần phải chuẩn bị gì trước khi bão đổ bộ.

Tiểu Uyên

Ảnh: Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm