Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bữa ăn bán trú tùy thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của hiệu trưởng'

Phụ huynh Thu Phương cho rằng việc giám sát bữa ăn chỉ diễn ra vài lần, có thể dẫn đến cách làm đối phó. Điều quan trọng vẫn là lương tâm, trách nhiệm của hiệu trưởng.

Phụ huynh này cũng bày tỏ lo ngại cho sức khỏe của trẻ nhỏ nếu bữa trưa - bữa chính trong ngày - nghèo dinh dưỡng đến vậy. Chị khẳng định nếu bữa ăn như vậy xuất hiện tại trường nơi con trai theo học, dù chỉ một lần, chị sẽ cho con dừng ăn bán trú.

"Như vậy, cả ba mẹ và con sẽ vất vả hơn nhưng vẫn đành phải thu xếp để con ăn cơm nhà. Sức khỏe, an toàn của con là quan trọng nhất", chị Mai Liên khẳng định.

Bua trua ban tru anh 1

Bữa trưa chỉ có cơm, trứng, canh và chuối tráng miệng của học sinh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi khiến nhiều phụ huynh đau lòng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Thấp thỏm khi cho con ăn bán trú

Nhìn bữa cơm giá gần 30.000 đồng nhưng chỉ có miếng trứng rán, canh chủ yếu là nước cùng với cơm trắng, chị Liên thừa nhận dù không phải là phụ huynh trực tiếp, chị vẫn thấy đau lòng.

Chị cho rằng để học trò phải ăn bữa cơm như vậy, hiệu trưởng rất đáng trách. Nữ phụ huynh chỉ trích những người "bị tiền làm mờ mắt" dẫn đến hành vi thiếu lương tâm như cắt xén bữa cơm của trẻ nhỏ.

Bà mẹ có con học THCS ở Nam Từ Liêm nhấn mạnh tuyệt đối không chấp nhận bữa cơm của con chỉ có trứng và canh. Nếu có chuyện như vậy, dù không thể làm căng vì lo con bị trù dập, vợ chồng chị sẽ cố gắng sắp xếp để tự lo bữa trưa cho con.

Thực tế, trong năm đầu tiên cho con ăn bán trú ở trường, chị Mai Liên thấp thỏm nhiều điều. Một bữa có giá 30.000 đồng. Chị tin với số tiền như vậy, bếp ăn của trường hoàn toàn có thể lên thực đơn để đảm bảo dinh dưỡng.

Hơn nữa, bếp ăn của trường con trai chị mới đi vào hoạt động, mọi thứ còn mới. Đầu năm học, chị tự đến xem rồi mới quyết định cho con ăn trưa ở trường. Do đó, hiện tại, chị Liên tương đối yên tâm.

Dù vậy, với hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến suất ăn bán trú, gần nhất là vụ việc ở trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, chị Mai Liên thỉnh thoảng lại hỏi han con để nắm con được ăn gì, sạch sẽ không.

Ngoài ra, chị còn cho con học đi xe đạp. Nếu phát hiện bếp ăn không đảm bảo, vợ chồng chị có thể để con tự về nhà mỗi trưa để ăn cơm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có phương án dự phòng như gia đình chị Mai Liên. Đặc biệt, nếu con còn nhỏ, phụ huynh càng khó xử hơn.

Chị Phương Thúy, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, thông tin cả hai con của chị đều ăn bán trú ở trường với chi phí là 25.000 đồng/bữa hoặc 30.000 đồng nếu muốn thêm bữa xế.

Trường có bảng ghi thực đơn trước cửa nhà ăn. Thông thường, mỗi bữa có cơm cùng 4 món. Thứ 6, nhà bếp đổi sang bún, phở hoặc mì Ý. Các con khen cơm ở trường ngon.

Dù vậy, phụ huynh này còn quan tâm đến dinh dưỡng và nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm. Nếu phát hiện điều bất ổn, chị không thể làm gì khác ngoài việc cùng phụ huynh đấu tranh để trường thay đổi và cha mẹ có thể tiếp tục cho con ăn ở trường.

Cùng quan điểm, chị Thu Phương, Hà Đông, Hà Nội, lựa chọn làm việc với hiệu trưởng để đảm bảo chất lượng bữa ăn của con.

Bà mẹ có con học lớp 1 cho biết bữa ăn bán trú tại trường con trai chị có giá 28.000 đồng. Trường không có thực đơn cụ thể nhưng con chị kể thường có 4 món, cơm sạch và "ngon hơn mẹ nấu".

"Con ăn ngon nhưng cần đủ chất. Dù sao, tôi vẫn phải cho con ăn ở trường vì không sắp xếp công việc đón con buổi trưa được. Hơn nữa, con nên bán trú để còn có thời gian nghỉ trưa", chị Phương nói.

Bua trua ban tru anh 2

Phụ huynh cho rằng chất lượng bữa ăn bán trú tùy thuộc rất lớn vào lương tâm hiệu trưởng. Ảnh: PA.

Mong hiệu trưởng có lương tâm, trách nhiệm

Bữa cơm bán trú được coi là giải pháp tốt cho những phụ huynh bận rộn. Do đó, các bậc cha mẹ mong muốn nhà bếp cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh cho con mình.

Chị Thu Phương cho hay nhà trường cho phép phụ huynh giám sát bữa ăn của con. Họ có thể vào trường lúc con đang ăn trưa để biết khẩu phần ăn của con có những gì. Song chị không rõ cha mẹ học sinh có được vào nhà bếp để quan sát quy trình nấu ăn, kiểm tra thực phẩm hay không.

"Nhưng giám sát cũng chỉ một vài lần thôi. Người ta có thể làm đối phó. Quan trọng vẫn là lương tâm, trách nhiệm của hiệu trưởng và nhà bếp", chị Phương nêu quan điểm.

Đây cũng là cái nhìn của chị Phương Thúy. Theo phụ huynh này, ban đại diện cha mẹ học sinh có thể giám sát bữa ăn bán trú nhưng họ không đủ điều kiện để thực hiện thường xuyên.

Nếu chỉ hỏi con, người lớn nắm được con có thích ăn không song không biết dinh dưỡng, an toàn thực phẩm ra sao. Vì thế, chị Phương Thúy cho rằng phụ huynh chỉ có thể phó thác cho hiệu trưởng.

Chị Mai Liên có quan điểm tương tự dù hiện tại, chị cho rằng chất lượng bữa trưa bán trú tại trường con trai học vẫn ổn.

Phụ huynh này nói thêm do số lượng đăng ký bán trú không lớn, ban đại diện cha mẹ học sinh không tham gia giám sát. Do đó, chị chỉ có thể tự quan sát, hỏi han con và hy vọng mọi chuyện ổn thỏa.

"Nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra cho thấy ở một số trường, hiệu trưởng không có đức, vô trách nhiệm. Tôi mong sao quản lý trường con mình không nằm trong số đó", chị Liên chia sẻ.

Trong khi đó, chị Hồng Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định cho con gái theo học trường tư thục từ đầu để có thể lựa chọn nơi mà bữa ăn đảm bảo và hiệu trưởng tử tế, thật sự yêu thương học trò.

Nữ phụ huynh cho hay phần lớn thực phẩm dùng cho học sinh được nuôi, trồng ở trường, đảm bảo đồ ăn sạch. Đây là điểm cộng khi chọn trường cho con vì chị Hồng Anh không muốn con ăn đồ chế biến sẵn như sữa hộp, phô mai, váng sữa, bánh kẹo.

Sau hai năm cho con học tại trường, chị vẫn hài lòng vì trường chỉ dùng nước hoa quả, sữa hạt, thực phẩm theo phương châm mùa nào thức nấy.

Ngoài ra, tất cả học sinh, giáo viên, ban lãnh đạo cùng ngồi ăn chung, tạo không khí gần gũi, đồng thời giúp phụ huynh tin tưởng hơn vào chất lượng bữa ăn do khó có chuyện người đứng đầu trường lại cho nấu và tự ăn thức ăn không đảm bảo.

"Do đó, tôi vẫn tin tưởng dù trường không gửi ảnh món con ăn hàng ngày, không có thực đơn. Hơn nữa, bất cứ khi nào phụ huynh quan tâm về bữa ăn của con, họ đều có thể liên hệ trường, tham gia ăn cùng bữa với các con", chị Hồng Anh nói thêm về ngôi trường mà chị cho rằng bữa trưa được đảm bảo bằng lương tâm, trách nhiệm của hiệu trưởng tử tế.

Trẻ tiểu học ở Pháp ăn gì trong bữa trưa?

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, các trường học còn chú trọng hướng dẫn trẻ ăn đúng cách và tập thể dục cải thiện sức khỏe.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm