Thực khách dùng bữa trên vũ trụ sẽ được ngắm bình minh trên tầng bình lưu. Ảnh: Space Perspective. |
SpaceVIP, một công ty du lịch vũ trụ, đã thuê một đầu bếp làm việc ở nhà hàng được gắn sao Michelin cho chuyến du hành bằng khinh khí cầu công nghệ cao kéo dài 6 giờ.
Chi tiết về bữa ăn nửa triệu đô
Dự kiến, bữa ăn nửa triệu đô được phục vụ ở độ cao 30 km so với mực nước biển vào năm 2025. Chưa đầy 24 giờ sau khi dịch vụ ra mắt, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự quan tâm.
Theo công ty, số tiền thu được sẽ được quyên góp cho Quỹ Giải thưởng Không gian với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ.
“Đã có hàng chục người đủ điều kiện bày tỏ sự quan tâm đến trải nghiệm ăn trên vũ trụ này. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể phục vụ 6 thực khách để đảm bảo an toàn cho mọi người”, Roman Chiporukha, người sáng lập SpaceVIP, cho biết.
Rasmus Munk điều hành nhà hàng Alchemist được gắn sao Michelin ở Copenhagen. Ảnh: Jonathan Hedrick. |
Theo Chiporukha, đầu bếp của bữa tiệc sẽ phục vụ những món ăn được “lấy cảm hứng từ vai trò của việc khám phá không gian trong 60 năm qua của lịch sử loài người và tác động của nó đối với xã hội - cả về mặt khoa học lẫn triết học”.
Ramus Munk, đầu bếp của bữa tiệc, sẽ lên thực đơn để sáu vị khách thưởng thức ẩm thực giữa độ cao 30 km so với mực nước biển. Tại đây họ sẽ vừa dùng bữa vừa ngắm bình minh trên tầng bình lưu của Trái Đất. Wifi sẽ được cung cấp để các thực khách phát trực tiếp cho bạn bè ở nhà.
Trong buổi phỏng vấn với Bloomberg, Munk cho biết thực đơn vẫn chưa được hoàn thiện. Anh nói mình muốn các món ăn phải mới mẻ, sáng tạo giống như cuộc hành trình sắp tới. Theo nam đầu bếp 32 tuổi, các món ăn sẽ liên quan đến aerogel (một vật liệu siêu nhẹ và xốp) và hương thơm.
Hiện tại, Munk đang là đầu bếp tại nhà hàng Alchemist của Đan Mạch, thương hiệu đứng thứ năm trong danh sách 50 nhà hàng tốt nhất thế giới năm 2023.
Nâng cao nhận thức về vũ trụ
Bất chấp mức giá gần nửa triệu đô, Munk cho biết lượng người quan tâm đến chuyến đi hiện nay đã vượt qua số người mà họ có thể đưa lên tàu.
“Chúng tôi biết rằng đây là chuyến hành trình khá tốn kém. Tuy nhiên, dù sao đây cũng là lần đầu tiên một bữa ăn đẳng cấp Michelin được đưa lên vũ trụ”, Munk cho biết thêm anh cũng sẽ tự trải nghiệm chuyến đi này. Anh dự định tổ chức nhiều chuyến đi hơn và giảm giá để nhiều người có thể tận hưởng trải nghiệm ăn trên vũ trụ.
Thiết kế không gian dùng bữa của bữa tiệc 500.000 USD ở tầng bình lưu. Ảnh: Space Perspective. |
Theo một tuyên bố, tàu Space Perspective là tàu vũ trụ trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới và dự kiến phóng vào cuối năm 2025 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida. Con tàu có hình viên nang với khả năng điều hòa áp suất.
Dự kiến, Space Perspective được nâng lên bằng khinh khí cầu, một công nghệ do NASA phát triển, thay vì tên lửa. Các chuyến bay thử nghiệm sẽ được thực hiện vào tháng tới.
“Đây là chuyến thám hiểm đầu tiên trong chuỗi thám hiểm hợp tác với các nghệ sĩ hàng đầu để khai thác sức mạnh của công nghệ vũ trụ. Chúng tôi mong nâng cao nhận thức của con người và thúc đẩy sự hiểu biết trên toàn cầu về vũ trụ”, Chiporukha chia sẻ.
SpaceVIP không phải là doanh nghiệp đầu tiên mang đến cơ hội dùng bữa trong không gian. Năm 2023, công ty Zaphalto (Pháp) cũng tuyên bố rằng họ muốn mang đến trải nghiệm ăn giữa tầng bình lưu với giá ít nhất 132.000 USD cho khách hàng. Dịch vụ sẽ bắt đầu từ năm 2025.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.