Ngày đầu tiên, chúng tôi đi tham quan thị trấn Sa Pa, quảng trường, nhà thờ đá, núi Hàm Rồng, bản Tả Van, Tả Phìn... Ấn tượng của tôi là núi non trùng điệp, hùng vĩ vô cùng, vì địa hình núi cao là đặc trưng của vùng Tây Bắc. Đặc biệt nhất là được thưởng thức thắng cố (lẩu ruột ngựa), một món đặc sản ở vùng này, rất ngon. Ngày đầu tiên là ngày chỉ ăn với chơi.
Hôm sau, đoàn chúng tôi chia làm 2 nhóm: nhóm leo Fansipan gồm 9 người (có tôi trong đó) và nhóm còn lại sẽ tham quan thác Tình Yêu, thác Bạc, bản Cát Cát, ngắm hoa tam giác mạch...
Giấc mơ chinh phục
Tôi ấp ủ giấc mơ này từ chuyến đi Quy Nhơn hồi tháng 7. Khi đó, một anh trong đoàn kể về những kỷ niệm chinh phục Fansipan của anh. Tôi cũng cảm thấy háo hức và hy vọng lắm, nghĩ không biết lúc mình đứng trên đỉnh Fansipan, nơi mà người ta thường gọi là nóc nhà Đông Dương, thì sẽ thật tuyệt vời.
Và rồi cơ hội đã đến.
9h30, ngày 17/10, nhóm bắt đầu xuất phát từ khu du lịch thác Tình Yêu.
12h đến trạm 1 (độ cao 2.200 m).
14h52 đến trạm 2 (độ cao 2.800 m).
15h30 từ trạm 2 lên đỉnh Fan. Đây là chặng đường phải thể hiện nhiều quyết tâm nhất, vì sắp đạt được mục tiêu và cũng rất khó khăn, phải trượt xuống thung lũng vài chục mét, rồi mới lên đỉnh Fan được. Nhóm dự kiến 17h30 sẽ chinh phục được Fan, rồi quay về và nghỉ ngơi ở trạm 2 trong ngày.
Cả chặng đường leo núi có nhiều dốc đá, cứ dốc này đến dốc khác, thiệt tình là dễ lung lay ý chí. Hai chân đuối, tôi chỉ mong đến đoạn tương đối bằng phẳng để nghỉ chân vài phút, rồi đi tiếp. Nhưng cảnh đẹp vô cùng, nhiều đoạn như tiên cảnh. Đoàn cũng may mắn vì trời đẹp, không mưa. Nếu trời mưa, không biết khó khăn đến mức nào.
Thế nhưng đến 17h, chỉ còn khoảng 20 phút nữa là lên tới đỉnh, nhóm được thông báo không thể đi tiếp, do đang thi công công trình cáp treo từ Trạm Tôn lên đỉnh Fan, phải cho nổ mìn. Kế hoạch chinh phục Fan trong ngày của chúng tôi bị vỡ. Thế là tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện "có khi nào phải quay lại trạm 2, rồi sáng hôm sau leo lên lại không, vì không thể ngủ lại nơi này".
Nhưng lo lắng đó nhanh chóng qua đi khi đoàn gặp các anh công nhân hiếu khách và nhiệt tình. Mấy anh dẫn nhóm lên lán để nghỉ ngơi, còn cho tụi tôi ăn mì gói, ăn cơm, uống nước để lấy lại sức. Trong quá trình leo núi, cơ thể luôn rơi vào tình trạng đói và mất nước vì quá mệt mỏi. Đó là bữa ăn ý nghĩa nhất cuộc đời tôi, gói mì ngon nhất mà tôi từng ăn.
Các anh còn bố trí chỗ ngủ cho cả nhóm. Lại một trải nghiệm vô cùng đặc biệt nữa - ngủ ở độ cao gần 3.100 m (tức là cao gấp gần 20 lần núi Hải Đăng ở Vũng Tàu). Nhiệt độ bên ngoài khoảng 10 độ C, khá lạnh và không dễ quen với người từ miền Nam như chúng tôi.
Không thể chinh phục Fan trong ngày theo đúng kế hoạch không ngờ lại là một điều rất tuyệt vời. Trong đêm, tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện ngắm bình minh trên đỉnh Fansipan, nơi cao nhất 3 nước Đông Dương (Việt Nan, Lào, Campuchia ). Thật tuyệt vời!
5h10 ngày 18/10, nhóm chúng tôi chính thức chinh phục Fansipan - nóc nhà Đông Dương (nhóm đầu tiên chinh phục trong ngày nữa). Lúc này, mệt mỏi đều tan biến hết. Ngẩng mặt lên nhìn bầu trời đầy sao, cảm giác như chỉ cần nhón chân lên là có thể với được vậy. Bất chợt tôi nghĩ đến câu "Đầu súng trăng treo" và mới hiểu được ý nghĩa của câu thơ đó! Xung quanh tôi là biển mây và chóp đỉnh của những ngọn núi cao trên dưới 3.000 m. Cảm giác đứng trên cả mây thật tuyệt, như kiểu chuẩn bị đi dự hội Bàn Đào trong Tây Du Ký.
Mặt trời đi lên ở phía xa xa chân trời. Nhìn qua hình đã thấy đẹp, nhưng tận mắt chứng kiến cái cảnh đó còn đã hơn nhiều. Đây chắc chắn là nơi ngắm bình minh đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Còn sau này may mắn được chinh phục Kinabalu, Kilimanjaro hay Everest thì tính sau, không ai đánh thuế giấc mơ cả!
Về thời gian, chúng tôi mất 8 tiếng để leo lên đỉnh, còn quay về chỉ 5 tiếng. Tuy lúc về nhanh hơn, không cần nghỉ ngơi nhiều như lúc lên, nhưng khá nguy hiểm, vì có thể bị trật chân và lao xuống dốc, xuống vực bất cứ lúc nào.
Đường lên Fansipan chỉ có một con đường mòn nhỏ, nhiều dốc đá cheo leo, nhỏ đến mức 2 người phải nép nhường đường nhau mới có thể qua được. Có đoạn nhiều dốc đá rất trơn, phải dùng tay bám vào đá, dùng chân và mông giữ cho cơ thể không bị lao xuống vực. Nguy hiểm nhất là đoạn cách đỉnh khoảng 45 phút, chỉ dài tầm 7 m, phải nép sát thì mới có thể qua, vì đây là sườn núi, một bên là vách đá, sau lưng là vực.
Lần này leo núi này, cùng với nhóm chúng tôi, còn có khá nhiều du khách, cả người nước ngoài lẫn người Việt leo núi. Thỉnh thoảng dừng chân nghỉ ngơi cùng nhau, họ kể cho chúng tôi nghe về nơi họ sống, về đất nước của họ. Tôi cũng không ngại chia sẻ về bản thân.
Suốt chặng đường cả lên và xuống, tôi không hề có chút rụt rè, sợ sệt, có lẽ là nhờ quyết tâm cao. Thế nhưng lúc xuống, đoạn đường chỉ còn cách nơi xuất phát khoảng 20 phút thực sự làm tôi sợ. Đó là sợ bị lạc, bởi vì đi một mình xuống. Một mình giữa núi cao, rừng sâu, cảm thấy cô độc lắm. Lâu lâu gặp được người, mừng lắm.
Tôi đi hết suối rồi lại lên rừng, băng qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, ngọn núi này đến ngọn núi khác trong dãy Hoàng Liên Sơn. Đi mãi mà chẳng thấy đường ra, cũng chẳng thấy ai, chỉ biết đi theo đường mòn và dấu chân mờ mờ của những người đi trước, cứ thế mà tiếp tục thôi. Cho đến khi tôi nghe thấy tiếng còi xe ôtô, vui lắm, tự tin hơn hẳn vì biết mình đã ở rất gần đường rồi.
Tôi đi cũng nhiều nơi, cả trong nước và nước ngoài. Chỉ lần đi Sa Pa - chinh phục Fansipan này là khiến tôi có cảm giác muốn viết ngay một bài để chia sẻ với mọi người.
Đến giờ, tôi cũng không tin là mình có thể chinh phục ngọn núi cao nhất 3 nước Đông Dương. Tôi có quyết tâm, nhưng lại lo không đủ sức khỏe để có thể chinh phục, vì biết là rất khó khăn. Từ nhỏ đến giờ, tôi có biết leo núi là gì đâu. Chinh phục được là rất tự hào rồi.
Bạn là người đam mê du lịch, từng được khám phá nhiều vùng đất của Việt Nam? Bạn có những trải nghiệm thú vị muốn chia sẻ cùng mọi người? Hãy gửi bài viết của bạn về địa chỉ toasoan@zing.vn, đặt tiêu đề mail "Cuộc thi bạn đọc chia sẻ du lịch".
Mỗi tuần, 1 bài viết được nhiều người đọc nhất trong vòng 48 tiếng sau khi đăng, 1 bài được ban biên tập lựa chọn sẽ nhận được nhuận bút 500.000 đồng. Quyết định của ban biên tập là quyết định cuối cùng.