![]() |
Lê Linh là một trong những người đau đầu khi bạn học lạm dụng AI. Ảnh: NVCC. |
“Hồi năm nhất mình gặp hoài luôn. Là trưởng nhóm, mình nhắc nhở, yêu cầu làm lại nhưng các bạn vẫn sao chép nguyên nội dung do AI đưa ra và nộp lại”, Lê Linh, sinh viên năm hai tại Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Các công cụ AI ngày càng được sinh viên sử dụng phổ biến trong học tập, nghiên cứu, song không ít người lạm dụng, coi đây là công cụ để giải hộ bài tập, viết hộ tiểu luận.
Đau đầu vì bạn lạm dụng AI
Năm nhất đại học, khi học môn Pháp luật đại cương, Lê Linh được các bạn tin tưởng bầu làm trưởng nhóm khi được giảng viên giao làm bài chung để lấy điểm chuyên cần. Phân công công việc cho từng thành viên, nữ sinh chắc mẩm các bạn sẽ sớm hoàn thành tốt các yêu cầu.
Thế nhưng, gần sát hạn nộp, Linh mới nhận được bản thảo của các bạn. Nhưng bất ngờ, khi đọc lại nội dung để tổng hợp, nữ sinh phát hiện 3/4 thành viên sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Gemini… để làm bài tập.
“Cách diễn đạt mượt mà quá mức, sử dụng từ ngữ hoặc cấu trúc không phù hợp với cách viết thông thường của các bạn, thậm chí có những đoạn nội dung trùng lặp”, Linh mô tả về những dấu hiệu khiến cô nghi ngờ nội dung do AI tạo ra.
Để chắc chắn hơn, nữ sinh sử dụng công cụ kiểm tra và phát hiện tỷ lệ nội dung do AI làm lên tới 70-80%. Thậm chí, một bạn gửi nội dung y hệt như AI làm, không chỉnh sửa chút nào; một bạn khác “có thay đổi nhưng không đáng kể, 90% nội dung do AI viết”.
“Mình bực bội, khó chịu vì các bạn không nghiêm túc, chỉ làm cho có”, Linh nói.
Với vai trò là nhóm trưởng, nữ sinh bày tỏ sự không hài lòng, yêu cầu các thành viên làm lại. Nhưng tới lần thứ 3, bài làm vẫn không cải thiện, thậm chí dở hơn cả lúc đầu, “các bạn còn không kiểm tra nguồn thông tin mà AI đưa ra”.
Bất lực, lại sắp trễ hạn, Linh đành tự sửa lại bài của toàn bộ 3 thành viên. Vì dựa trên thông tin các bạn đã làm nên nữ sinh mất nguyên một ngày chỉ để kiểm tra nguồn chính xác, đảm bảo nội dung đúng.
Linh kể nội dung do AI đưa ra khá nhiều, vượt cả phạm vi bài học và kiến thức mà giảng viên yêu cầu. Có những nội dung, nữ sinh “không biết lấy ở đâu ra”, giáo trình cũng không đề cập. Cô cố gắng đọc kỹ, hiểu nội dung từ giáo trình, tra soát lại nội dung do AI viết và diễn đạt lại theo cách của mình để bài tự nhiên hơn.
“Mình thực sự lo ngại việc giảng viên phát hiện nội dung do AI làm, chắc chắn cả nhóm sẽ bị điểm thấp”, Linh nói may mắn khi lần đó đạt 8,5 điểm, khá cao. Song nữ sinh cảm thấy bất công vì cô phải làm gần hết, trong khi những thành viên khác chỉ việc nhờ AI làm bài. Không riêng lần này, cô gặp tình trạng tương tự ở cả môn học khác.
Giống như Linh, “đọc bài mà muốn xỉu” là những gì mà Đặng Kiệt (sinh viên năm nhất, Đại học Cần Thơ) cảm thấy khi tổng hợp nội dung bài tập nhóm do 2 thành viên còn lại gửi khi học môn Triết học Mác - Lênin.
Kiệt cho hay mỗi bạn gửi lại tới 3-4 trang nội dung, nhưng 100% là sao chép từ ChatGPT. Điều này chỉ được mọi người thú nhận khi nam sinh đã nộp bài nhóm cho giảng viên.
![]() |
Cũng là người dùng chatbot AI để làm bài tập, nhưng Phạm Phương thấy mệt mỏi với những người bạn quá lạm dụng, chỉ biết copy nội dung của AI như một cái máy. Ảnh: NVCC. |
Nam sinh cho hay ban đầu, khi đọc sơ qua, cậu đã phát hiện nội dung do AI viết bởi cách hành văn công nghiệp, không cảm xúc, chỗ thì lủng củng, chỗ lại dài lê thê.
Tương tự Linh, cũng bực bội, song các bạn viện lý do bận nên nam sinh đành tự mình làm lại để đỡ mất thời gian, thay vì yêu cầu mọi người sửa.
Phạm Phương, sinh viên tại Hà Nội, cũng nhiều lần gặp “kiếp nạn” vì bạn cùng lớp quá lạm dụng AI.
Nữ sinh cho biết mỗi lần làm bài tập nhóm, trong nhóm sẽ có ít nhất một thành viên không chịu tìm tài liệu, viết nội dung tử tế, mà theo thói quen mở ChatGPT rồi lấy toàn bộ nội dung nhận được, sau đó gửi cho trưởng nhóm. Những người bạn này cũng không ngại thừa nhận mình dùng AI cho nhanh.
Nữ sinh kể một lần, khi được giao tìm số liệu và báo cáo kinh doanh của một thương hiệu đồ uống, thay vì lên các trang web uy tín để tìm số liệu chính xác, bạn cùng nhóm của Phương lại tìm đến ChatGPT.
Điều đáng nói là nội dung người bạn này gửi không được trau chuốt lại, không dẫn link nguồn nên khiến cả nhóm phải khốn đốn vì mất thời gian chỉnh sửa. May mắn là kịp thời xử lý nên điểm số của cả nhóm không bị ảnh hưởng.
“Các bạn lạm dụng AI nhiều đến mức mình quen luôn. Một, hai lần đầu, mình còn bực bội, nhưng những lần sau nếu bị xếp chung nhóm, mình xác định tự làm luôn cho nhanh”, Phương nói.
Không nhẹ tay với người lạm dụng AI
Sau những lần mệt mỏi vì chung nhóm với người lạm dụng AI, Phạm Phương rút kinh nghiệm, quán triệt ngay từ đầu với từng thành viên là phải nghiên cứu tài liệu nghiêm túc, tự viết nội dung thay vì “mượn tay” các công cụ AI.
Đối với nữ sinh, việc dùng AI không xấu, nhưng lạm dụng đến mức ảnh hưởng đến các thành viên khác thì cần phải chấn chỉnh để tránh ảnh hưởng lẫn nhau.
Nhóm của nữ sinh cũng thường áp dụng quy tắc trừ điểm, nghĩa là thành viên nào chỉ gửi nội dung do AI viết, thành viên đó sẽ bị trừ điểm cá nhân, hoặc nhận luôn điểm 0. Quy tắc này được đưa ra làm thỏa thuận chung nên tất cả thành viên đều tuân theo. Cũng nhờ đó, tình trạng nộp nội dung AI giảm hẳn, cả nhóm cũng làm bài tập nghiêm túc hơn.
![]() |
Các công cụ AI ngày càng được sinh viên sử dụng phổ biến trong học tập. Ảnh: dpa. |
Nhóm của Lê An, sinh viên tại Đà Nẵng, cũng áp dụng cách tương tự. Bản thân An và những người bạn khác trong nhóm không muốn đôi co nên không góp ý gay gắt, chỉ trừ điểm cá nhân của người làm bài thiếu trách nhiệm, thường xuyên lạm dụng AI. Thế nhưng, một thành viên lại phản ứng vì bản thân bị điểm thấp, dù vi phạm.
“Một lần, nhóm mình cãi nhau to. Những lần sau, người bạn đó vẫn tiếp tục dùng AI, nhóm mình vẫn tiếp tục trừ điểm, nhưng bạn ấy tự biết mình sai nên không dám nói gì nữa”, nữ sinh kể lại.
Về phía Lê Linh, sau vài lần, nữ sinh nhận ra khi làm trưởng nhóm, bản thân không nên cả nể, phải phân công công việc ngay từ đầu, mọi cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao.
Nếu ai ỷ lại, làm việc cho có, Linh thẳng thắn góp ý, sẵn sàng trừ điểm nếu không hợp tác. Nữ sinh cũng lưu ý các thành viên về việc sử dụng các công cụ như ChatGPT, Google, Gemini… cần đảm bảo liêm chính trong học thuật.
“Mình luôn xem AI như công cụ hỗ trợ, không phải người làm bài thay mình”, Linh cho biết thường dùng AI để tìm ý tưởng hoặc tham khảo cách diễn đạt, nhưng nội dung chính thì vẫn tự viết và chỉnh sửa theo phong cách của mình.
Cô cũng cẩn thận kiểm tra lại thông tin mà AI đưa ra, đảm bảo nó đúng và phù hợp với bài học. Quan trọng nhất, nữ sinh luôn cố gắng làm bài theo cách hiểu của mình, để kiến thức là của bản thân chứ không phải dựa vào chatbot.
Theo Linh, ngoài những lợi ích rõ ràng như giúp sinh viên tìm kiếm thông tin nhanh, gợi ý tưởng…, AI cũng mang lại nhiều hệ lụy. Trong đó bao gồm việc giảm sự sáng tạo và tư duy, nếu lạm dụng quá mức, nhiều sinh viên sẽ bị phụ thuộc vào nó, không chịu tự suy nghĩ. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập cũng như công việc tương lai.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.