"Bố kính nhớ! Sau bao năm tháng xa cách, hôm nay con lại ghi thư về thăm bố. Vẫn biết rằng lá thư này bố của con không bao giờ đọc được nữa vì bố đã mãi mãi xa con, rời xa cuộc sống.
Những ân hận muộn màng của những nữ phạm nhân. |
Vậy mà trong sâu thẳm trái tim, con vẫn thấy bố luôn gần gũi bên con. Bố ơi, đã gần 7 năm trôi qua kể từ khi con rơi vào vòng lao lý bố vẫn chưa một lần tới thăm con. Tình cảm bố giành cho con chỉ qua những lá thư ngắn ngủi. Út của bố đã cạn nước mắt với những dòng thư đó, con gái yêu nhớ bố nhiều lắm. Vậy mà bố đã rời xa cuộc sống này để con gái của bố phải côi cút bơ vơ, sao lại thế hả bố? Mẹ đã bỏ con sang thế giới bên kia từ khi con mới lên 8 tuổi 3 ngày, bố là người mẹ hiền thứ hai trong lòng con, bố đã thay mẹ nuôi dạy anh chị em con khôn lớn.
Con gái chưa kịp báo đáp ơn nghĩa, công dưỡng dục nên người của bố. Con đã phạm sai lầm quá lớn trong cuộc đời mình để bố phải chịu khổ một mình mong ngày con trở về. Chính con đã làm bố suy sụp, tổn thọ để rồi không đủ sức chờ con, bố đã ra đi trong mùa đông giá lạnh, đem theo cả nỗi muộn phiền vì đứa con gái ngu dại không nghe lời bố.
Bố ạ, ngày bố mất mà Út của bố còn không biết, đến hôm được gọi điện để hỏi thăm bố thì chị Ty đã nói với con: "Minh ơi bố mất được 8 ngày rồi em ơi". Lúc đó con không thể nói được gì với chị nữa. Con không thể khóc gào lên mà chỉ khóc trong lòng mình thôi, con đau lòng lắm nhưng giá như con có thể gào khóc có lẽ con đã đỡ đau khổ hơn. Bố nói với con rằng sẽ sống khỏe mạnh chờ ngày con về nhưng bố lại không giữ lời hứa, bố bỏ con mà đi để cả đời này con phải hận chính mình.
Bố của con ở nơi vĩnh hằng được yên nghỉ thanh thản, con hứa sẽ cố gắng trong việc cải tạo, giữ gìn nội quy của trại giam, phục tùng mệnh lệnh của cán bộ để con được giảm án thật cao, sớm trở về quê hương thắp cho bố mẹ nén hương tạ lỗi. Ở nơi xa đó, bố có linh thiêng xin phù hộ cho các anh chị, các cháu được mạnh khỏe, bình an, xin hãy phù hộ cho út của bố có đầy nghị lực để mau trở về.
Hôm nay con viết tâm sự này để xin lỗi bố, cho dù bố không đọc được nhưng con tin bố sẽ nghe được những gì con nói. Khi anh cả nhận được thư này, con mong anh cả sẽ thắp hương đọc cho bố nghe được những tâm sự con gửi cho bố. Lời sau cùng này con muốn xin lỗi bố của con cùng gia đình rất nhiều, bởi vì con đã làm đảo lộn cuộc sống của mọi người. Con xin lỗi bố, mong bố tha thứ cho đứa con gái ngu dại của bố nhé.
T/b: Anh Loan à, sau bao đêm nằm suy nghĩ, em đã nhận ra lỗi lầm của mình. Em ân hận vì đã làm khổ bố, khổ các anh chị, khi anh nhận được thư này mong anh hãy đặt lá thư này lên bàn thờ bố, để em được gửi lời xin lỗi tới bố".
Người viết bức thư này là phạm nhân Trần Thị Minh, án 15 năm về tội Buôn bán trái phép chất ma túy hiện đang thụ án ở đội 18 phân trại số 5, Trại giam Tân Lập.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi trong một buổi chiều rét tê tái, nhắc lại chuyện quá khứ, thỉnh thoảng Minh lại cúi xuống, lấy tay gạt nước mắt. Năm nay đã bước sang tuổi 34, sau 7 năm ở tù, vẻ xuân sắc một thời của cô gái quê ngày nào đang dần phai, trên gương mặt đã xuất hiện những vết nám.
Nghe chúng tôi hỏi chồng con có hay lên thăm không, Minh cúi mặt bảo: "Em chưa có gia đình, trước lúc bị bắt em đã có người yêu. Bọn em yêu nhau 4 năm, đã định tổ chức cưới, nhưng sau ngày em bị bắt thì anh ấy bỏ luôn, chẳng thăm em lần nào. Người ta đi lấy vợ rồi".
Lá thư gửi bố của Trần Thị Minh. |
Là con út trong một gia đình có tới 8 người con ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái), Minh kể rằng mẹ mất từ khi cô mới 8 tuổi, vì thế cô lớn lên trong sự chăm sóc của bố. Học hết cấp 3, cô đã từng mơ sẽ được làm cô giáo tiểu học nên đã đi thi Trường trung cấp Sư phạm Yên Bái. Nhưng rồi, giấc mơ ấy đành gác lại vì nhà nghèo quá, bố thì đã già, các anh chị đều khó khăn nên chẳng ai có thể nuôi được đứa em út đi học.
Gác lại giấc mơ đèn sách, ở nhà làm ruộng vài năm vất vả quá mà cũng chẳng có tiền, Minh đi làm giúp việc cho gia đình Đinh Thị Hà là em dâu của chị gái Minh, bi kịch cũng bắt đầu từ đây khi Hà buôn ma túy. Minh bảo rằng ở nhà Hà một thời gian, cô biết Hà bán lẻ ma túy, nhưng cứ nghĩ đơn giản đấy là việc làm ăn của Hà, nên có lần thấy Hà nhờ cầm tiền đi "lấy hàng" giúp, cô cũng đi mà chẳng được chia đồng nào.
Chiều 8/10/2007, trong khi đang cùng em gái Hà là Đinh Thị Hương mang 8 gói heroin đi giao cho khách, Minh bị Công an Yên Bái bắt quả tang tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên và là một trong 13 bị can trong vụ án buôn bán trái phép ma túy.
Theo bản án của TAND tỉnh Yên Bái thì sáng 8/10/2007, Đinh Thị Hà điện thoại từ Hải Dương về cho Trần Thị Vinh thỏa thuận mua 8 chỉ heroin giá 17 triệu đồng. Hà điện thoại cho Trần Thị Minh, bảo Minh sang nhà Trần Thị Lâm lấy 17 triệu đi giao cho Vinh và nhận 8 chỉ heroin.
Sau khi mang heroin về, Minh gọi em gái Hà là Đinh Thị Hương sang nhà Hà chia nhỏ 21 gói, mỗi gói 5 phân và 4 tép nhỏ, sau đó cho tất cả vào túi nilon đưa cho con gái Lâm cầm về đưa cho Lâm cất giấu.
11h hôm đó, Hà lại điện thoại cho Hương bảo Hương sang nhà Lâm lấy 8 gói heroin để mang đi bán. Sau đó Hương lấy xe máy rủ Minh đi cùng và bị bắt quả tang.
Bản án của TAND tỉnh Yên Bái xác định: "Bị cáo Trần Thi Minh đã có hành vi 2 lần đi giao tiền và nhận ma túy về cho Hà. Lần 1 là 4 chỉ, lần 2 là 8 chỉ, tổng cộng 2 lần là 12 chỉ. Sau khi đi giao tiền và nhận ma túy về nhà Hà, bị cáo Minh còn gọi bị cáo Hương sang nhà Đinh Thị Hà và dùng cân tiểu ly chia nhỏ ra để bán. Minh đã 2 lần cùng Hương mang heroin từ nhà Hà đi giao cho Trần Công Tuấn theo sự chỉ đạo của Hà và Hương".
Với hành vi này, Minh bị kết án 15 năm tù. Minh kể rằng ngày nghe tuyên án, cô bị sốc nặng vì không ngờ mình bị án nặng thế.
Sau khi có bản án, tháng 9/2008, Minh về Trại Tân Lập thi hành án. Minh kể rằng hơn 6 năm ở trại, mỗi lần Tết đến hay có bạn tù hết án được trở về, cô lại thấy buồn. Buồn vì dù đông anh em nhưng ai cũng nghèo cả nên thỉnh thoảng anh chị mới đến trại thăm, ít được thăm nuôi nên mọi thứ cô đều nhờ chế độ của trại; còn mỗi khi thấy có người được trở về lại nghĩ còn mấy năm nữa mới tới ngày mình được tự do.
Nhắc tới lá thư gửi bố, giọng buồn buồn, Minh bảo rằng suốt 7 năm qua, người cô nghĩ đến nhiều nhất là bố bởi ông đã nuôi cô lớn lên trong nghèo khó; bố là chỗ dựa tinh thần để cô cố gắng cải tạo tốt mong sớm có ngày được trở về. Ngày ông còn sống, mỗi tháng khi được gọi điện về cho anh chị, người đầu tiên cô hỏi là bố. Vì vậy, cách đây 3 năm, khi gọi điện về cho chị gái, nghe chị nói bố đã mất một tuần rồi, cô chết lặng.
Ba năm qua, mỗi khi nghĩ về bố, cô luôn bị ám ảnh. Vì thế, khi trại tổ chức viết thư xin lỗi, người đầu tiên cô nghĩ tới để viết thư chính là bố, viết như một sự giải tỏa nỗi ám ảnh, dằn vặt mà cô đã đeo đẳng suốt hơn 3 năm qua.
Nghe chúng tôi nhắc chuyện tương lai, Minh bảo bây giờ chỉ cố gắng cải tạo tốt để được giảm án, sớm được trở về, rồi khoe đã được giảm án 18 tháng rồi, tết năm nay cô cũng có tên trong số phạm nhân được đề nghị giảm án.
Cũng bị kết án 8 năm vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, nhưng phạm nhân Bùi Thị Ngọc Nga, lại luôn lo lắng cho đứa con trai giờ đây đang phải gửi ông bà ngoại ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) chăm sóc.
Mới 27 tuổi nhưng Nga đã có đứa con trai 7 tuổi. Lấy chồng từ năm 18, chồng cũng chỉ hơn có 1 tuổi, nghề nghiệp không có, vì thế khi có thêm một đứa trẻ thì cái gia đình trẻ con lục đục rồi tan vỡ như một lẽ đương nhiên. Quay cuồng với đồng tiền với đủ thứ phải chi phí, cuối cùng Nga lao vào "nghề" bán lẻ ma túy.
Ngày 22/6/2012, Nga bị bắt rồi bị kết án 8 năm tù. Sau ngày vợ chồng ly thân, chồng Nga theo người nhà ra nước ngoài làm ăn, vì thế đứa con trai đành gửi ông bà ngoại nuôi. Nga bảo rằng đêm nào cô cũng nghĩ tới ngày về vẫn còn xa và lo lắng cho đứa con giờ đây vắng cả cha lẫn mẹ.
"Thỉnh thoảng, ông bà đưa con lên thăm, hai mẹ con gặp nhau, thằng bé chỉ nói với em mỗi câu con nhớ mẹ rồi ngồi im; hàng tháng em gọi điện về, nó cũng chỉ nói mỗi câu ấy rồi thôi", Nga kể.
Từ ngày biết cô bị bắt, chồng cô gửi tiền về cho ông bà ngoại nuôi con, nhưng cô chỉ lo thằng bé vắng bố mẹ sẽ sinh hư. Đã mấy năm rồi không liên lạc với nhau nhưng cô vẫn nuôi hy vọng là hai vợ chồng ly thân nhưng vẫn chưa ra tòa, chồng cô giờ đây đã sống trách nhiệm hơn nên sẽ có ngày hai vợ chồng cùng nghĩ tới con để đoàn tụ.
Trong lá thư có đầu đề "Gia đình nhỏ bé" mà người nhận chính là bố đẻ ở thị trấn Lâm Thao, Nga đã viết cho người chồng đã ly thân và đứa con trai rằng: “Sau những ngày tách biệt với gia đình, xã hội sống giữa bao người xa lạ, em thấy mình thật cô đơn đến lạnh lùng. Ân hận và day dứt đến tột cùng. Ngày anh, con và em cùng chung tiếng cười đã xa rồi, còn đây chỉ là tiếc nuối. Bóng đêm ập xuống, vạn vật im lìm, chỉ còn em với em, với những suy nghĩ, gặm nhấm trái tim, những lo lắng tràn về, những câu hỏi đặt ra: chồng và con đã ngủ chưa, có được ngon giấc không? Con em có bị bạn bè cùng trang lứa chê cười không? Có bị các bạn xa lánh không?
Phạm nhân nữ lao động trong xưởng may của Trại giam Tân Lập. |
Một ngàn câu hỏi đặt ra, lương tâm day dứt, sao ngày đó em không biết trân trọng những gì em có mà lại tham lam theo những đồng tiền bẩn (…). Em mong anh và con hãy tha thứ cho em dù lời xin lỗi của em là muộn màng nhưng em vẫn muốn “xin lỗi” và chờ sự tha thứ. Anh và con là niềm tin, niềm hy vọng cho em bấu víu vào để tiếp tục một kiếp làm người, làm vợ và hơn hết là làm mẹ. Bên bố con anh là lối em về”.
Không biết ở nơi xa xôi, chồng Nga có đọc được những dòng này không, nhưng chúng tôi cũng mong cái niềm hy vọng mong manh của Nga sẽ có ngày thành hiện thực.
Trong hàng chục bức thư của các phạm nhân nữ ở trại giam Tân Lập mà chúng tôi đã đọc, phần lớn đều có chung sự lo lắng cho tương lai của những đứa con. Có lẽ khi đã lâm vào vòng lao lý, cái bản năng của người mẹ lại càng khiến họ ân hận.
Chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi lá thư của phạm nhân Nguyễn Thị Hương gửi cho hai đứa con gái. “Đêm quá dài nơi đất khách quê xa. Đã 6 năm qua dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hạ, chưa giây phút nào mẹ thôi nhớ về các con, nỗi nhớ dày vò khiến mẹ nhiều đêm không ngủ được. Oanh - Trâm yêu quý của mẹ! Vẫn biết rằng phải ngủ để có sức khoẻ cho ngày mai, cho chặng đường phía trước. Phải quên đi để tiếp tục sống, nhưng các con cũng đã hiểu rằng không phải cứ muốn quên là quên được. Đúng không?
Người mẹ mà các con nhất mực yêu thương, kính trọng đã trở nên hoen ố, méo mó mất rồi. Mẹ ngàn lần xin lỗi 2 chị em con. Mẹ thật chẳng ra gì. Mẹ bỏ các con bơ vơ côi cút khi mà các con đang ở độ tuổi nhạy cảm nhất, cần mẹ nhiều nhất. Cún lúc đó vừa đỗ đại học, ngơ ngác giữa chốn phồn hoa đô thị đầy cạm bẫy, chông gai. Còn Trâm mới bắt đầu vào cấp III, chưa kịp quen thầy, quen bạn ...
Thú thật đã có lúc quẫn bách đến tột cùng, mẹ muốn đánh dấu chấm hết cho cái mà người ta gọi là cuộc đời này cho xong. Lúc đó mẹ chỉ nghĩ đơn giản rằng: Sống chả ích gì cho ai chi bằng kết thúc ở đây, như vậy, hồ sơ của con, phần khai về mẹ một chữ "chết" là xong! Thế nhưng mẹ đã không đủ can đảm để làm việc đó. Rồi mẹ lại tự nhủ rằng: Phải sống, phải đứng dậy, phải trở về để bù đắp cho các con, phải chịu trách nhiệm trước sai lầm của mình.
Cảm ơn các con đã biết thương yêu nhau, đã vượt qua những tháng ngày gian khổ nhất để có được như ngày hôm nay. Cảm ơn các con đã tiếp thêm nghị lực sống cho mẹ (...). Các con đã trưởng thành rồi, mẹ như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai, tiền đồ của các con. Rồi một ngày nào đó có bạn trai gia đình người ta sẽ nghĩ gì đây?... và ... mẹ thật sự không dám nghĩ tiếp đến những ê chề mà các con phải gánh chịu. Mẹ sẽ phải ân hận suốt đời thôi”.
Có rất nhiều lời "giá như" trong những bức thư ấy. Vâng, giá như ngày xưa họ biết nghĩ tới gia đình, chồng con, cha mẹ thì có lẽ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn nhiều…