Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức xúc vì giáo viên chủ nhiệm tư vấn con không thi lớp 10

Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập hàng năm ở Hà Nội, năm nào phụ huynh cũng phản ánh tình trạng giáo viên chủ nhiệm tìm cách "ép" học sinh học trung bình, yếu không được thi.

Trường THCS Kim Giang, nơi xảy ra vụ việc "ép" học sinh học lực trung bình, yếu không thi vào 10. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Phản ánh tới Tiền Phong, nhóm phụ huynh lớp 9A4, trường THCS Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết kết thúc buổi họp phụ huynh cuối tuần qua, có một số phụ huynh của lớp được giáo viên chủ nhiệm mời ở lại. Tuy nhiên, câu chuyện nếu chỉ dừng lại ở việc tư vấn chọn trường cho con, phụ huynh không bức xúc, băn khoăn.

Bảng điểm biến mất bất thường

Một phụ huynh trong nhóm xin được giấu tên cho biết tại cuộc họp kéo dài đó, giáo viên chủ nhiệm gần như một hình thức "ép" khi biết nhóm phụ huynh cố tình cho con đi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay.

Ban đầu, cô tư vấn cho những phụ huynh được mời ở lại nên đăng ký cho con vào học tại trường trung cấp. Trước đó, trường trung cấp đến trường để phát tờ rơi, làm công tác tư vấn tuyển sinh. Cả buổi họp, cô nhấn mạnh nhiều lần việc học sinh phải vào trường đó, không thi vì các con không thể thi được. Tuy nhiên, nhóm phụ huynh không đồng ý.

Theo vị phụ huynh này, lúc đó cách nói của cô giống như một sự đe dọa.

"Cô dùng các từ như 'sẽ kiểm tra sức khỏe các con, nhà trường sẽ phải test sức khỏe các con. Các con đủ sức khỏe các con mới lao được ra biển lớn, các con có đủ sức khỏe các con mới thi được' và dùng từ một cụm từ tôi thấy rất nguy hiểm là 'nhập điểm'. Theo cách hiểu của chúng tôi, các cô sẽ nhập điểm thật của các con lên hệ thống, nếu các con không đủ điều kiện sẽ phải ở lại không lên được lớp, các con sẽ không được thi nữa và cánh cửa trường ngoài công lập cũng đóng lại. Thế có nghĩa là gì? Nếu chúng tôi cố tình cho các con thi, các con sẽ đúp, không được tốt nghiệp sao", phụ huynh bức xúc.

Đồng thời, phụ huynh cho biết sau đó, họ đã truy cập vào hệ thống sổ liên lạc điện tử, thấy phần điểm lớp 9 của các con trống trơn. Trong khi đó, muốn đăng ký dự thi cho con phải khai điểm học tập của các con qua các năm học. Trước đó, trên sổ liên lạc điện tử có cập nhật điểm học kỳ I, còn có một số điểm của học kỳ II. Phụ huynh cho rằng đây chính là một sự bất thường và có cảm giác là con mình đang gặp nguy hiểm.

Vị phụ huynh này chia sẻ thêm sau buổi họp phụ huynh có về nhà trao đổi với con và được biết hàng ngày các con phải chịu áp lực này tương đối lâu.

"Thật nguy hiểm nếu phụ huynh không hiểu con, tạo thêm áp lực nữa cho con, đã có nhiều tình huống đau lòng xảy ra. Tôi mong muốn lấy lại sự công bằng cho các con. Các con có thể học kém hơn, hiếu động hơn, nhưng có quyền được thi, dù chỉ một tia hy vọng nhỏ, các con đều có quyền", vị phụ huynh này nói.

Một phụ huynh khác cũng phản ánh nghe cô tư vấn trên lớp con rất buồn, lực học sa sút.

"Mong muốn lớn nhất của các con là thi, các cô nên động viên cho con thử sức để các con chứng minh bản thân. Cô giáo không nên tạo áp lực như thế để sau này trở thành vết hằn trong các con", phụ huynh chia sẻ.

Sau buổi làm việc, chiều qua, các phụ huynh cho hay sổ liên lạc điện tử đã có điểm lớp 9 của học sinh.

Xử lý nghiêm giáo viên chủ nhiệm nếu tư vấn không thi

Sáng 25/4, trao đổi với phóng viên, bà Phạm Xuân Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang, cho biết sẽ gặp gỡ cha mẹ học sinh để lắng nghe ý kiến. UBND, Phòng GD&ĐT quận không bao giờ yêu cầu phân luồng hay ép học sinh không thi.

Nhà trường, trong các cuộc họp, đều quán triệt tinh thần giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh về lực học của con để chọn trường chính xác.

ep hoc sinh khong thi anh 1

Bà Phạm Xuân Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang. Ảnh: Báo Tiền Phong.

"Tôi tuyệt đối không bao giờ ủng hộ việc thầy cô giáo ép học sinh không được đi thi. Nhiệm vụ của giáo viên tư vấn. Tư vấn ở đây là không phải tư vấn cho một đối tượng học sinh cụ thể mà có nhiệm vụ tư vấn cho tất cả đối tượng học sinh cần đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình. Hơn ai hết, giáo viên nắm bắt được lực học chính xác nhất", bà Oanh nói.

Đồng thời, bà cho biết sau khi làm việc trực tiếp được với phụ huynh để tìm hiểu câu chuyện, bất kỳ thầy cô giáo nào làm không đúng với quan điểm chỉ đạo của nhà trường, trường sẽ có biện pháp xử lý tùy theo mức độ. Theo bà Oanh, là giáo viên khó nhất không phải dạy học sinh kiến thức mà là làm một nhà tâm lý chia sẻ với học sinh, cha mẹ học sinh.

"Tôi không bao giờ cho phép giáo viên được làm tổn thương học sinh. Ai làm sai sẽ bị phê bình và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước nhà trường" bà Oanh khẳng định, đồng thời cho hay nhiều khi cũng cho cách tư vấn của thầy cô không tinh tế, khéo léo dẫn đến những hiểu lầm.

Đối với bảng điểm của học sinh trên sổ liên lạc điện tử, bà Oanh cho biết sẽ kiểm tra lại bộ phận quản lý. Vị Hiệu trưởng này cũng cho hay tỷ lệ học sinh trúng tuyển lớp 10 không phải là tiêu chí thi đua của nhà trường.

Hai năm qua, dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng tới sức học của học sinh, đặc biệt ảnh hưởng tới tâm sinh lý của học sinh nếu tạo áp lực quá sẽ không tốt cho tâm lý các em.

Bà Oanh cũng chia sẻ quan điểm của nhà trường là không chạy theo thành tích nhưng cũng động viên các con vì lứa học sinh này cũng thiệt thòi. Do đó, các thầy cô động viên các con để các con có được kết quả tốt nghiệp và lựa chọn những trường phù hợp với năng lực.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ

không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Các trường y của Mỹ khiến sinh viên ít đồng cảm hơn

Nghiên cứu cho thấy quá trình thực hành lâm sàng tại trường y có thể khiến sinh viên trở nên hoài nghi, xa cách về mặt cảm xúc và vô cảm đối với bệnh nhân của họ.

https://tienphong.vn/buc-xuc-vi-giao-vien-chu-nhiem-tu-van-con-khong-thi-lop-10-post1529358.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm