|
Nhiều quán ăn ở TP.HCM thông báo điều chỉnh giá bán khi chi phí nguyên vật liệu và chiết khấu trên các ứng dụng thương mại điện tử tăng. Ảnh: Hồng Anh. |
“Tụi mình xin phép tăng giá mỗi món nước trên app từ ngày 1/7, mong quý khách thông cảm”, một quán matcha thông báo trên ứng dụng ShopeeFood.
“Do chính sách mới của sàn thương mại điện tử, cộng với việc giá nguyên vật liệu tăng, mình xin điều chỉnh lại giá các món nước trên app”, một quán cà phê khác chia sẻ.
“Gần đây, chi phí nguyên vật liệu, vận hành và nhân công có biến động. Với mong muốn giữ vững chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho quý khách, chúng tôi xin thông báo sẽ có một số điều chỉnh về giá đối với sản phẩm/dịch vụ, bắt đầu từ 1/7”, một quán bít tết thông báo trên fanpage.
Gần đây, hàng loạt quán ăn, tiệm cà phê đồng loạt tăng giá trên các nền tảng giao hàng. Có nơi lựa chọn lên giá nhẹ nhàng, nơi thì dè dặt cắt giảm khẩu phần, thậm chí cân nhắc rút khỏi kênh bán online.
Tăng giá, dừng bán
Ông Thái Châu, chủ quán Bún bò 14B (phường Vĩnh Hội, TP.HCM) được Michelin đề cử lần thứ hai liên tiếp, cho biết đang xem xét khả năng tạm dừng bán hàng qua các ứng dụng giao đồ ăn. Quán hiện vẫn có mặt trên một số nền tảng với mức chiết khấu 25% cộng 4,5% thuế.
![]() |
Ông Châu vừa tăng 5% giá của mỗi phần ăn trên các ứng dụng giao hàng. Ảnh: Michelin Guide. |
“Bán một phần ăn 100.000 đồng, trừ phí mất 29.500 đồng. Tính thêm nguyên liệu, chi phí vận hành, tôi còn lời khoảng 29.000-30.000 đồng”, ông nói.
Để bù lại phần chi phí tăng, gần đây, ông Châu tăng thêm 5% giá món ăn trên ứng dụng so với mức niêm yết tại quán. Đây là cách duy nhất hiện tại để giữ biên lợi nhuận không bị âm. Dù vậy, ông vẫn chưa dám tăng giá ăn tại chỗ vì sợ mất khách.
Bên cạnh đó, ông Châu cho biết quán cũng phụ thuộc vào các mã giảm giá và chương trình khuyến mãi của ứng dụng để có đơn hàng. “Tiếng Michelin cũng không cứu nổi miếng cơm”, ông nói.
Từng hợp tác với nhiều ứng dụng giao hàng, ông Triệu Thiên Thanh, chủ quán WHALE Napoli Pizza (Khánh Hòa), đã ngừng bán trên một ứng dụng chuyên giao đồ ăn vì hoạt động không còn hiệu quả. Hiện quán ông chỉ hợp tác với một ứng dụng và đang cân nhắc tạm ngưng.
“Trừ chiết khấu 25%, VAT, chi phí nguyên liệu, phần còn lại không còn bao nhiêu”, ông chia sẻ.
![]() |
Ông Thanh cho biết sẽ dừng hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn nếu khấu trừ lên đến 30%. Ảnh: NVCC. |
Theo ông Thanh, chiết khấu là khoản mà người bán bỏ ra để mua dịch vụ, nhưng hiện tại lại bị tính luôn vào doanh thu để thu thuế, dẫn đến việc bị tính thuế hai lần trên cùng một phần tiền.
Chủ quán pizza tính toán, nếu tổng phần chiết khấu và thuế vượt quá 30%, ông sẽ phải đóng kênh bán hàng trên ứng dụng còn lại vì không còn lợi nhuận.
Chung mối lo, chủ quán Bún Bò 14B cũng đang cân nhắc tạm dừng hoàn toàn bán hàng qua ứng dụng. Song ông cho biết mình “rất lăn tăn” bởi lượng khách hàng tại khu vực xung quanh không quá đông, chưa đủ để bù đắp nếu cắt kênh online.
Thực tế, từ đầu tháng 7, nhiều quán nước và cà phê tại TP.HCM cũng đã đăng thông báo tăng giá trên các nền tảng. Hầu hết dẫn lý do chi phí nguyên vật liệu tăng và chính sách mới từ ứng dụng.
“Đây là quyết định rất khó khăn, nhưng mình không còn cách nào khác”, một chủ quán cà phê viết trong thông báo tới khách hàng.
Không đặt trứng vào cùng giỏ
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment với 18 năm làm việc trong ngành F&B, một trong những sai lầm lớn nhất của các chủ quán hiện nay là đặt quá nhiều kỳ vọng vào các ứng dụng giao hàng, xem đây như nguồn thu chính thay vì một kênh tiếp cận khách hàng.
“Họ mở gian hàng, đăng món ăn rồi ngồi chờ đơn, mong app ‘tự động đẻ đơn’ mà không có bất kỳ chiến lược vận hành, chăm sóc hay quảng bá nào. Tâm thế đó là sai ngay từ đầu”, ông nhấn mạnh.
![]() |
Ông Hoàng Tùng nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh để hạn chế rủi ro khi kinh doanh F&B. Ảnh: NVCC. |
Ông Tùng cho rằng mức chiết khấu 25%, cộng thêm thuế VAT và các chi phí khuyến mãi, khiến phần lợi nhuận còn lại không đáng kể. Nếu chỉ dựa vào nền tảng để sống, gần như không thể trụ lâu.
“Tôi biết nhiều quán gần như không còn gì cả sau khi trừ hết chi phí. Mức đó không đủ để tái đầu tư, cải thiện chất lượng hay trả lương nhân viên. Nếu chỉ phụ thuộc vào ứng dụng bán hàng thì quán sớm muộn gì cũng phải đóng cửa”, ông nói.
Ông Tùng cho biết các nền tảng đều có chu kỳ phát triển. Giai đoạn đầu sẽ “đốt tiền” mạnh, hỗ trợ cả người bán lẫn người mua. Nhưng khi thị trường bão hòa, nền tảng buộc phải siết khuyến mãi và tăng chiết khấu để tối ưu lợi nhuận.
“Nếu không chuyên nghiệp, không tối ưu mô hình kinh doanh, quán rất dễ bị đào thải”, ông cảnh báo.
Ngoài việc hiểu app, các chủ quán cần mở rộng dòng tiền từ nhiều kênh: khách đến ăn tại chỗ, đặt mang đi, tự xây app, nhận đơn qua Facebook/Zalo, hợp tác với cộng đồng.
“Chúng ta không thể đặt toàn bộ trứng vào một giỏ. App là một trong những chiến lược bán hàng đa kênh, nhưng không thể là duy nhất”, chuyên gia F&B nói.
Theo ông Tùng, khi đặt đúng tâm thế, hiểu rõ cuộc chơi và chuyên nghiệp hóa mô hình vận hành, việc tồn tại và tăng trưởng trên nền tảng vẫn là khả thi. Ngược lại, nếu tiếp tục bị động và phó thác cho nền tảng, việc bị loại khỏi cuộc chơi chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.