Vị đậm đà của nước dùng, vị chua của nước me hòa lẫn với vị béo, bùi của đậu phộng rang, tương xay, dừa khô nạo cùng với vị ngọt những con tôm đất đỏ au khiến thực khách khó có thể quên dù chỉ thưởng thức một lần.
"Mỹ Xuyên có bún gỏi dà / Dùng qua sẽ thấy đậm đà hương quê" đây là hai câu dân gian truyền miệng nhau về nguồn gốc của bún gỏi dà. Theo đó, món ăn này xuất phát từ huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Theo một số tư liệu, ngày xưa món bún gỏi dà là món gỏi cuốn, sau đó người ăn không cuốn nữa mà cho bún vào tô, thêm thịt, tép, rau và tương xay trộn đều để ăn bằng cách “và” như cơm. Do cách phát âm nên người miền Tây gọi thành “dà”. Mãi sau này các bà nội trợ mới có sáng kiến cho thêm nước súp vào tô thành món bún gỏi dà như hiện nay.
Nguyên liệu để làm bún gỏi dà khá đơn giản, gồm: rau, giá, bún, nước dùng, đậu phộng rang, tương xay, dừa khô nạo, nước me, mắm nêm, ngò gai, thịt heo ba rọi và tép bạc. Nước dùng được xem là quyết định chất lượng của món ăn này. Nước dùng phải hầm bằng xương heo với tép và thịt ba rọi, nêm ít đường và ít nước me chua,…
Món bún gỏi dà bắt mắt với sợi bún trắng ngần, dừa khô nạo trắng đục, tép luộc chín đỏ au cộng thêm màu trắng ngà của thịt luộc, màu xanh của các loại rau, màu đỏ tươi của ớt. Rồi mùi thơm của mắm nêm hòa quyện với mùi hương thoang thoảng của me, ngò gai làm cho món bún gỏi dà không thể lẫn với bất kỳ món ăn nào khác.
Đây là món ăn dân dã, không đắt, không kén người ăn lại đậm đà hương vị miền Tây.