Theo nghị định 49/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, ngoài chứng minh nhân dân, người dùng di động còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu SIM điện thoại hợp pháp.
Đối với các chủ thuê bao đã đăng ký và sử dụng dịch vụ di động, nếu không bổ sung ảnh chân dung trong vòng 15 ngày sau khi có thông báo, sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều và sau 30 ngày sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.
Theo nhiều chuyên gia, mục đích đặt ra điều luật này có thể là tốt, nhưng cách thực hiện còn nhiều bất cập.
Đã có CMND, sao phải nộp ảnh?
Theo đánh giá của luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định trên là thừa trong bối cảnh người dân khi đăng ký SIM đã phải xuất trình CMND, căn cước công dân hoặc hộ chiếu có ảnh chân dung.
Thêm vào đó, theo LS Huỳnh Phước Hiệp, quy định này còn trái với Bộ luật Dân sự hiện hành về quyền giữ bí mật hình ảnh của công dân.
Cụ thể hơn, căn cứ theo Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015, hình ảnh của mỗi công dân mang tính chất cá nhân, riêng tư. Việc cung cấp hình ảnh phải do họ tự nguyện, không thể ép buộc công dân cung cấp hình ảnh cho công ty dịch vụ. Công ty dịch vụ cũng không có quyền lưu trữ hình ảnh cá nhân của công dân nếu không có sự cho phép của họ.
“Nhà nước không nên can thiệp vào mối quan hệ bình đẳng và tự nguyện giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ”, LS Hiệp nêu ý kiến.
Theo quy định mới, chủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ viễn thông. Ảnh: Ngô Minh. |
Ở một hướng khác, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quy định trên đưa ra có mục đích tốt, giúp hạn chế SIM rác, quản lý thông tin của chủ thuê bao, khi xảy ra tình huống bảo mật có thể dễ dàng xử lý.
Trên thực tế, rất nhiều nước tiến tiến trên thế giới… cũng buộc người mua SIM phải chụp hình chân dung vì mục đích bảo mật.
Tuy nhiên, theo LS Thế Trạch, chỉ nên áp dụng quy định này với chủ thuê bao mới. Không nên ép buộc người đã đăng ký SIM bằng CMND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu chụp thêm hình vì điều này là không cần thiết.
Đồng tình với ý kiến trên, LS Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu chủ của hàng trăm triệu thuê bao hoạt động ổn định trên cả nước đều phải tốn thời gian, công sức đi chụp lại hình thì lãng phí xã hội là không hề nhỏ.
Có nhiều cách để xác minh thuê bao
Theo LS Trần Ngọc Quý, thay vì quản lý người sử dụng dịch vụ, nhà nước nên giám sát, quản lý các đại lý bán SIM và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chặt chẽ hơn, đồng thời có cơ chế xử phạt mang tính răn đe đối với những sai phạm.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, cho rằng trong vấn đề quản lý dịch vụ viễn thông, Nhà nước không nên đẩy khó khăn về phía người dân.
“Vấn nạn SIM rác xuất phát từ việc nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phát hành SIM hàng loạt, sau đó đưa về các đại lý kích hoạt vô tội vạ, rồi tung ra thị trường. Để hạn chế tình trạng này, nên giới hạn số lượng SIM nhà cung cấp có thể sản xuất, hoặc quản lý chặt chẽ hơn ở các đại lý bán SIM”, ông Thắng đề xuất.
Theo các chuyên gia, trong vấn đề quản lý dịch vụ viễn thông, nhà nước không nên đẩy khó khăn về phía người dân. Ảnh: Ngô Minh. |
Ngoài ra, ông Võ Đỗ Thắng cho rằng có nhiều cách để xác minh một thuê bao có được dùng với mục đích trái pháp luật hay không, chẳng hạn như theo dõi cước phát sinh hàng tháng.
Chỉ nên kiểm tra các thuê bao chưa đăng ký hoặc có cước phát sinh bất thường, không nên yêu cầu chủ thuê bao đã sử dụng dịch vụ ổn định trong nhiều năm phải thực hiện thêm thủ tục rườm rà, rắc rối.