Nhà dịch tễ học Indonesia Dicky Budiman ngày 1/11 cho biết việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Novavax là “bước đi quan trọng” đối với chương trình tiêm chủng của Indonesia.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu việc triển khai vaccine thành công, điều này có thể dẫn đến việc vaccine của Novavax được phê duyệt và sử dụng tại các quốc gia đang phát triển khác, theo AP.
Phù hợp với các quốc gia đang phát triển
Novavax hy vọng giới chức trách ở Ấn Độ, Philippines và các nước khác sẽ đưa ra quyết định về vaccine của hãng này trong vòng "vài tuần tới", Giám đốc điều hành của công ty - ông Stanley Erck nói với Reuters sau tin vui từ Indonesia.
Cổ phiếu của Novavax đã tăng khoảng 13% sau khi công ty công bố thông tin trên, đồng thời cho biết thêm họ cũng mới nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine tới Canada và Cơ quan Dược phẩm châu Âu.
Hồi tháng trước, đại diện Novavax khẳng định rằng hãng này sẽ tập trung cung ứng vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp trong giai đoạn đầu vì Mỹ và các nước phương Tây đã tiêm chủng cho phần lớn dân số, theo Reuters.
Trong lúc phần lớn các khu vực trên thế giới vẫn thiếu hụt vaccine ngừa Covid-19, Novavax có thể sẽ chứng tỏ sự quan trọng của mình trong tương lai gần. Hơn thế nữa, không giống Pfizer và Moderna, Novavax mang lại hy vọng về một loại vaccine với giá cả thân thiện, dễ dàng bảo quản và phân phối hơn.
Một hộp đựng vaccine Novavax. Ảnh: Wall Street Journal. |
Ông Budiman cho biết: “Loại vaccine này sẽ dễ vận chuyển, bảo quản và phân phối ở những nơi như Indonesia, vốn có địa lý đặc thù với nhiều hòn đảo”.
Khác với Pfizer và Moderna - sử dụng công nghệ mRNA - khiến việc sản xuất, phân phối trở nên khó khăn và đắt đỏ, vaccine do Novavax phát triển đang thể hiện những ưu thế vượt trội.
Vaccine này không yêu cầu trữ lạnh sâu như một số loại vaccine khác. Yêu cầu bảo quản đối với vaccine của Novavax tương đối dễ hơn so với một số loại vaccine Covid-19 khác, khi nó có thể được giữ trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường.
Điều này cho phép Novavax đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nguồn cung ở các nước thu nhập thấp hơn trên thế giới. Nếu được nhà quản lý cấp phép rộng rãi, vaccine của Novavax sẽ góp phần giải quyết tình trạng nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.
Nhu cầu về vaccine ngừa Covid-19 vẫn còn rất bức thiết ở những quốc gia như Indonesia. Theo chính phủ Indonesia, quốc gia này dự kiến nhận được 20 triệu liều vaccine Novavax trong năm nay.
Tại sao thế giới săn đón vaccine Novavax?
Dù chỉ mới được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Indonesia, vaccine Covid-19 của Novavax vẫn đang được nhiều nước săn đón vì mức độ tiềm năng của nó.
Dữ liệu tạm thời đã chỉ ra rằng vaccine của họ có hiệu quả cao hơn cả vaccine mRNA của Moderna và Pfizer-BioNTech, theo Financial Times.
Vaccine Covid-19 của Novavax chứa các protein gai được tạo ra bởi các tế bào bướm đêm bị nhiễm virus biến đổi gene. Các nhà khoa học “thu hoạch” và kết nối các protein gai này với hạt nano, tạo thành vaccine chống dịch.
Trong giai đoạn thử nghiệm, Novavax tạo ra ít tác dụng phụ hơn vaccine mRNA và vẫn có hiệu quả bảo vệ tương đương.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn III cho thấy Novavax có hiệu quả 90,4% trong việc ngăn ngừa ca mắc Covid-19 có triệu chứng. Đầu tháng 8, Novavax cho biết mũi tiêm tăng cường bằng vaccine của mình tạo ra số kháng thể chống biến chủng Delta nhiều gấp 6 lần so với hai mũi đầu.
Một người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 của Novavax tại Đại học Howard, Washington. Ảnh: New York Times. |
Ngoài ra, tác dụng phụ sau tiêm cũng được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy khoảng 40% những người tiêm mũi thứ 2 vaccine Novavax ghi nhận mệt mỏi, trong khi đó con số này ở người tiêm Moderna là 65% và hơn 55% với Pfizer.
Giám đốc điều hành Stanley Erck của Novavax cũng cho biết đến nay chưa có báo cáo nào về tình trạng máu đông hoặc vấn đề về tim. Trong khi đó, viêm cơ tim (còn gọi là myocarditis) và một rủi ro liên quan khác là viêm màng ngoài tim (pericarditis) từng được liên kết với hai loại vaccine Pfizer và Moderna, đặc biệt là ở nhóm nam thanh thiếu niên.
Bất chấp nguồn cung vaccine trên thế giới đang dần được cải thiện, sự xuất hiện của các biến chủng mới như Delta vẫn khiến nhu cầu về vaccine trên thế giới rất cao.
Sự cấp phép của vaccine Novavax sẽ giúp thế giới có thêm “vũ khí” để chống lại đại dịch, cũng như có thêm lựa chọn cho những người chưa hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ mới mRNA.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang xem xét hồ sơ xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của Novavax và hãng dược phẩm Mỹ hy vọng quyết định sẽ được đưa ra trong những tuần tới, CEO Stanley Erck nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 1/11.
Nếu thành công, Novavax sẽ là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên dùng công nghệ protein được WHO công nhận.
Chứng nhận sử dụng khẩn cấp từ WHO cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vaccine sang một số quốc gia dựa vào cơ chế COVAX, sáng kiến do Liên Hợp Quốc triển khai nhằm cung ứng vaccine Covid-19 đến các nước đang phát triển.
Phát biểu tại một hội nghị về chăm sóc sức khỏe của ngân hàng Morgan Stanley hồi tháng 9, đại diện Novavax cho biết hãng này có thể đưa ra thị trường khoảng 100 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi tháng vào cuối quý III và con số này sẽ tăng lên thành 150 triệu liều vào quý IV.
"Chúng tôi đã tham gia các cuộc đối thoại về việc tăng sản lượng cho nửa cuối năm 2022 - đầu năm 2023, đặc biệt là với tỷ lệ tiêm chủng hiện nay trên toàn thế giới", John Trizzino, giám đốc thương mại của Novavax, nói.
Trong những tháng gần đây, Novavax đã ký hợp đồng cung cấp vaccine trên phạm vi toàn cầu, bao gồm một thỏa thuận bán 200 triệu liều vaccine cho Ủy ban châu Âu (EC).
Bộ trưởng ứng phó Covid-19 của New Zealand Chris Hipkins ngày 8/9 xác nhận nước này sẽ dùng vaccine Novavax cho chương trình tiêm nhắc lại và hy vọng sẽ nhận được phần lớn trong số 5,36 triệu liều vaccine đã mua từ Novavax trong quý đầu tiên của năm tới.
Một ngày trước đó, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết Novavax đã ký hợp đồng cung cấp 150 triệu liều vaccine Covid-19 cho Nhật Bản trong năm 2022.