Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bước qua 'ác mộng' tiểu dầm

Tiểu dầm là bệnh gây phiền toái, khiến trẻ tự ti, thậm chí là cơn ác mộng hằng đêm của trẻ. Bài viết này cung cấp những thông tin y học thường thức để phụ huynh bớt lo lắng.

Tiểu dầm là gì?

Tiểu dầm là hiện tượng thoát nước tiểu không tự chủ khi trẻ ngủ, thường vào ban đêm, xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (khoảng bốn đến sáu tuổi).

Kiểm soát việc tiểu tiện là một quá trình phụ thuộc nhiều yếu tố: nhận thức được cảm giác đầy bàng quang (dân gian gọi là bọng đái), khả năng trữ nước tiểu của bàng quang, khả năng kiểm soát tự chủ cơ thắt cổ bàng quang, nhu cầu tâm lý kiểm soát việc tiểu tiện và việc trải qua sự huấn luyện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiểu dầm có thể xuất hiện ngay lúc đầu (tiểu dầm nguyên phát) hoặc sau một thời gian trên sáu tháng không tiểu dầm (tiểu dầm thứ phát). Ða số trẻ tiểu dầm thường xảy ra lúc ngủ, nhưng cũng có thể kết hợp với các triệu chứng khác của bàng quang (tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, rối loạn chức năng đi tiểu) vào lúc thức. Phần lớn các trường hợp tiểu dầm được cha mẹ để ý khi trẻ đến tuổi đi học, năm đến sáu tuổi.

Do đâu trẻ tiểu dầm?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng tiểu dầm: di truyền, rối loạn nhận thức lúc ngủ, ức chế việc kiểm soát khi ngủ say, tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm, tăng hoạt động cơ bàng quang, rối loạn động học bàng quang, uống nhiều nước trước khi đi ngủ, thể tích bàng quang nhỏ, các yếu tố tâm lý và sự chậm trưởng thành. Chậm trưởng thành chức năng bàng quang là nguyên nhân được các chuyên gia y tế chấp nhận nhiều nhất trong các yếu tố ảnh hưởng đến tiểu dầm. Vì khi lớn thêm một vài tuổi, trẻ sẽ hết bị tiểu dầm nhờ chức năng bàng quang và hệ thống thần kinh điều khiển bàng quang hoàn chỉnh. Một trẻ tiểu dầm thường có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng cùng lúc.

Những điều tối kỵ ở phụ huynh

Dù phụ huynh cũng gánh chịu áp lực tâm lý và rất vất vả trong việc khắc phục hậu quả sau “lũ”, nhưng cần cố gắng kiềm chế cảm xúc, không được hăm dọa, đánh đòn, bắt phạt trẻ vì “tội” tiểu dầm. Tránh chê bai, trêu chọc, bêu xấu trẻ trước mặt những người khác, nhất là với trẻ lớn. Tâm lý mặc cảm, lo sợ, hoang mang không chỉ khiến trẻ tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần mà có thể làm bệnh càng nặng. Phụ huynh cũng không nên đối phó bằng cách cho trẻ mặc tã thường xuyên hay tự ý mua thuốc cho trẻ uống.

Đưa trẻ đi khám

Thầy thuốc cần biết tiền sử huấn luyện trẻ đi tiểu, tiền sử tiểu dầm trong gia đình, thời điểm khởi phát tiểu dầm, thói quen đi tiểu, giấc ngủ, tình trạng dùng thuốc, các triệu chứng của đường tiểu vào ban ngày, thói quen đại tiện và các yếu tố tâm lý. Bệnh sử đầy đủ giúp thầy thuốc phân biệt những trường hợp tiểu dầm có tổn thương thực thể với phần lớn các trường hợp tiểu dầm vô căn. Các nguyên nhân thực thể của tiểu dầm có thể được phát hiện nhờ bệnh sử tiểu khó (nhiễm trùng tiểu), uống nhiều và tiểu nhiều (tiểu đường hoặc tiểu nhạt), bất thường dòng nước tiểu (tắt nghẽn đường tiểu dưới), các rối loạn tư thế (bệnh lý tủy sống), ngủ ngáy (phì đại VA và amiđan).

Trẻ tiểu dầm sẽ được thầy thuốc thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm nước tiểu thông thường. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm hoặc soi bàng quang là không cần thiết ở trẻ tiểu dầm đơn thuần, không kèm các triệu chứng bàng quang khác. Ngoài ra, còn có kỹ thuật đo niệu động học giúp xác định được nguyên nhân gây rối loạn đi tiểu là do bàng quang, niệu đạo, cơ thắt cổ bàng quang hay do sự hoạt động không đồng bộ của các cơ quan này. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh lý cụ thể.

Các phương pháp trị tiểu dầm

* Phương pháp không dùng thuốc:

- Ðiều trị “tác động”: Khuyến khích trẻ không uống nước hai giờ trước khi đi ngủ, khuyến khích trẻ tiểu hoàn toàn trước giờ ngủ, hướng dẫn trẻ tự dọn dẹp giường vào buổi sáng sau khi tiểu dầm, lập biểu đồ theo dõi diễn tiến và khen thưởng trẻ mỗi đêm không tiểu dầm. Phương pháp điều trị ban đầu hợp lý, đặc biệt áp dụng với các trẻ nhỏ. Tỷ lệ ngưng tiểu dầm hoàn toàn là khoảng 25%. Khi đạt được tình trạng ngưng tiểu dầm kéo dài, tỷ lệ tái phát thấp.

- Ðiều trị “hành vi”: giúp trẻ tự thức dậy để đi tiểu, huấn luyện đi tiểu ban đêm (đánh thức trẻ với khoảng thời gian giảm dần trong vài đêm để trẻ tự đi tiểu hoặc giúp trẻ tự thay áo quần khi tiểu dầm), sử dụng dụng cụ báo động tiểu dầm (dụng cụ nhỏ, được mặc trực tiếp vào quần của trẻ và phát ra báo động bằng âm thanh hoặc rung động khi nước tiểu được cảm nhận ở quần lót). Có thể ngưng mang dụng cụ khi trẻ không tiểu dầm ít nhất ba tuần liên tiếp. Tỷ lệ ngưng tiểu dầm lâu dài là 70%. Hiệu quả nhất khi kết hợp với các phương pháp điều trị hành vi khác hoặc phương pháp dùng thuốc.

* Phương pháp dùng thuốc:

Không phải là chọn lựa ban đầu trong điều trị tiểu dầm và hiếm khi được sử dụng trước tám tuổi. Có ba loại thuốc để điều trị tiểu dầm: Imipramine, DDAVP và Oxybutynin. Chỉ định, liều lượng, thời gian sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trẻ tuổi nào cần “cắt lũ”?

Tỷ lệ tiểu dầm tự hết khoảng 15% mỗi năm, khoảng 1% trẻ 15 tuổi vẫn còn tiểu dầm. Quyết định điều trị và chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào tuổi của trẻ, ảnh hưởng của tiểu dầm tới lòng tự trọng của trẻ và chức năng của gia đình.

Trẻ dưới tám tuổi: quan trọng nhất là phải trấn an, giáo dục trẻ và gia đình về tiểu dầm. Phụ huynh cần hiểu tiểu dầm không phải là lỗi của trẻ, không được trêu chọc trẻ. Bằng phương pháp điều trị “tác động” và điều trị “hành vi”, phụ huynh giúp trẻ thức dậy đi tiểu và khen thưởng là phù hợp nhất. Với trẻ từ 8 đến 11 tuổi, dụng cụ báo động tiểu dầm cho kết quả tốt nhất. Có thể sử dụng kết hợp gián đoạn với thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ trong những tình huống đặc biệt như qua đêm ở nhà bạn hoặc khi cắm trại. Trẻ trên 12 tuổi cần được điều trị tích cực do bệnh ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ. Nếu dụng cụ báo động không làm giảm hoặc ngưng các đợt tiểu dầm, trẻ cần được kết hợp điều trị liên tục bằng thuốc. Sau hai tháng ngưng tiểu dầm, thuốc sẽ được giảm dần trong khi vẫn sử dụng dụng cụ báo động.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/be-lon-tung-ngay/buoc-qua-ac-mong-tieu-dam/a130170.html

Theo BS Nguyễn Minh Tiến/ Phụ nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm