Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bước tới đèo Ngang...

Tôi đỗ xe trên đỉnh đèo Ngang, sau lưng là địa phận Quảng Bình, phía trước là Hà Tĩnh. Mặt trời đứng bóng, chiều chưa kịp xế tà, bước tới đèo Ngang.

Xe chạy bon bon trên con đường đèo quanh co vắng bóng xe cộ. Núi xanh rì, cỏ cây rậm rạp. Nắng gay gắt trong không gian tĩnh lặng. Thoáng cái đã thấy leo lên đến đỉnh đèo, nhấn thêm chút ga là địa phận Quảng Bình đã ở phía sau lưng.

Tiếng bạn vọng qua điện thoại, đi về phía Hà Tĩnh độ vài phút chạy xe sẽ thấy Hoành Sơn Quan nép mình trên núi.

Trên đỉnh Hoành Sơn

Hoành Sơn Quan nằm khá khuất nẻo cách đỉnh đèo không xa, một tấm biển hoen gỉ, những bậc đá cỏ dại len cao, ngổn ngang giấy phướn nhiều màu ai đó đã cúng tiến mà không hóa.

Chuyện kể rằng Nguyễn Hoàng trước khi làm nên nghiệp lớn ở đất Thuận Hóa đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắn nhủ một câu nổi tiếng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn dại dung thân” với ý nghĩa “Với một dải Hoành Sơn hiểm trở thì có thể yên thân đến muôn đời”.

Bước tới đèo Ngang... - Ảnh: Đức Hùng.
Bước tới đèo Ngang. Ảnh: Đức Hùng.

Xứ Thuận Hóa xưa, nay thuộc địa phận Quảng Bình - Thừa Thiên - Huế có địa thế vô cùng đặc biệt với nhiều dãy núi liền kề liên tiếp chạy theo hướng tây bắc đông nam, phía bắc có dãy Hoành Sơn đâm ngang chạy ra sát biển, phía nam có dãy Bạch Mã.

Với địa hình này, để ra Bắc vào Nam tất cả phương tiện giao thông trước đây đều phải vượt qua đèo Ngang trên dãy Hoành Sơn và đèo Hải Vân phía dãy Bạch Mã.

Ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên qua các dãy núi trên để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và tiết kiệm thời gian phải di chuyển qua những con đèo hiểm trở. Cả đèo Ngang và đèo Hải Vân vì thế lại trở thành điểm khám phá thú vị của dân đi.

Những tưởng tượng về đèo Ngang với tôi, hôm nay đã thật sự bước ra từ trang sách. Chúng tôi dừng lại khi thấy một dãy bậc thang bằng đá không quá dễ để nhìn ra dẫn lên trên đỉnh núi.

Tấm biển gỉ sét với dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn Quan” có gì đó như u buồn và gợi nhớ về quá khứ, một quá khứ bi tráng, hào hùng và mãnh liệt về nơi từng là cửa ải biên cương, là điểm xung yếu chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài.

Năm 1833, vua Minh Mạng đã cho xây dựng lên cửa Hoành Sơn trên đỉnh đèo Ngang cao hơn 4 m, hai bên có hàng ngàn bậc thang được đào vào núi.

Dãy Hoành Sơn có độ dài khoảng 50 km, chạy từ phía tây dãy Trường Sơn ra Biển Đông, trong lịch sử là biên giới tự nhiên giữa hai nước Đại Việt và Champa.

Đèo Ngang được nhiều người biết đến qua bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” ngày nay được tính từ chân núi thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vắt qua dãy Hoành Sơn sang đến địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Di tích Hoành Sơn Quan ngày nay tuy không còn nguyên vẹn nhưng vẫn mang trên mình vẻ phong trần khiến lãng khách không khỏi bâng khuâng và lắng mình vào dòng hồi tưởng.

Cô độc và lặng lẽ. Hẳn là cũng vắng vẻ. Bây giờ người ta đi hầm nhiều, ít ai qua đèo Ngang để dừng lại ghé thăm chốn này.

Dễ đến cả trăm bậc đá xám rộng chừng 1,2 m, dài 6 m, tuy không đều nhau ở phía bắc cửa thành đưa chúng tôi lên đến Cổng Trời, những bậc đá mang trên mình sức nặng thời gian, cỏ dại len mình trong từng khe đất hẹp, vướng vào chân, mắc vào gấu quần, đâu đó hoa dại biêng biếc tím.

Một cái cây tỏa bóng trước vòng cung cổng thành, không biết cây bao nhiêu tuổi, chỉ biết lớp vữa tróc mẻ kia không thể làm cổng thành bớt đi vẻ sừng sững và uy nghi. 

Hoành Sơn Quan - Ảnh: Thủy Trần
Hoành Sơn Quan. Ảnh: Thủy Trần.

Hoang sơ biển Hoành Sơn

Chúng tôi rời Cổng Trời trên đỉnh đèo Ngang, đã ở trên đất Hà Tĩnh. Dưới chân đèo có một bãi biển từng hút mắt chúng tôi khi chạy từ Bắc vào Nam. Biển Hoành Sơn.

Loay hoay tìm đường vào làng chài thì ngay bên đường có hẳn một khu du lịch, thấy có nhà lầu, có cả xe hơi. Dịch vụ ở khu vực biển Hoành Sơn không có nhiều do bãi biển khá ngắn, nhưng xem ra rất ổn cho những ai ưa thích khám phá và trải nghiệm.

Chúng tôi hạ đồ tự chuẩn bị bữa trưa do đã quá giờ ăn nên nhà hàng nghỉ, lều bên cạnh thấy có mấy vị khách người nước ngoài đang thảnh thơi thư giãn, chuyện trò.

Trời khá nắng, nhiều mây. Bãi biển không một bóng người. Cảm giác như đang ngồi trong lòng cánh cung của một vầng trăng khuyết được bao bọc bởi dãy Hoành Sơn hoang sơ và xanh rì cây cỏ.

Cuối cánh cung phía bắc là một bãi đá nhảy lao ra biển, nhấp nhô tựa như một trận đồ. Cát vàng và mịn, sóng xô khá nhiều vỏ ốc vương rải rác trên triền cát thênh thang. 

Biển Hoành Sơn hoang sơ và bình yên - Ảnh: Đức Hùng
Biển Hoành Sơn hoang sơ và bình yên.  Ảnh: Đức Hùng.

Chiều xuống. Bắt đầu xuất hiện những vị khách đầu tiên, vốn là dân bản địa, lao ra biển nhảy sóng, bơi lội, chơi đùa. Số ít trong đó có chúng tôi là khách du lịch cũng hối hả thay đồ để được đắm mình vào làn nước biển trong vắt kia.

Biển khá dốc, chỉ ra cách mép nước 1-2 m là chân đã không chạm đất, tuy nhiên sóng khá lặng, nhẹ nhàng, rất dễ cho mấy đứa trẻ tập nổi. Bãi cát là khu vực tuyệt vời để nằm tắm nắng, đón gió hay đào cát chơi trò xây thành, xây lũy.

Vẻ hoang sơ và yên ả của Hoành Sơn khiến chúng tôi say mê và thấy thật may mắn vì mình đã ghé qua đây.

Tôi nhìn xuyên suốt về cuối bờ cát, thầm ước giá có một chiếc lều dựng lên cuối bờ biển kia để sớm mai đón bình minh rực rỡ, sau lưng là dải Hoành Sơn vững chãi với bao câu chuyện thăng trầm của lịch sử, hẳn mình có thể tin vào một ngày được “vạn đại dung thân”.

Những công trình làm nhái như thật ở Mỹ

Người Mỹ không cần đi đâu xa vẫn có thể được chiêm ngưỡng tháp nghiêng Pisa, tháp Eiffel, hay đền thờ thần Parthenon ở chính nước mình.

http://dulich.tuoitre.vn/tin/20150828/buoc-toi-deo-ngang/960003.html

Theo Thủy Trần/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm