Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buộc trẻ em xem phim, ảnh sex, sẽ bị tội?

Nhiều chuyên gia ủng hộ việc dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung tội danh mới để xử lý các hành vi ép buộc trẻ em biểu diễn khiêu dâm, đóng phim, chụp ảnh hoặc xem phim, ảnh khiêu dâm.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung một tội danh mới là tội Khiêu dâm trẻ em (Điều 146). Theo đó, người nào đã thành niên mà sử dụng trẻ em tham gia hoặc thực hiện các hành vi khiêu dâm dưới mọi hình thức thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

Phạm tội có tổ chức, phạm tội từ hai lần trở lên, phạm tội với từ hai trẻ em trở lên, phạm tội với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh… là những tình tiết tăng nặng định khung. Hình phạt cao nhất của tội này là 5 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Chỉ xử hành vi dâm ô là chưa đủ

Theo ban soạn thảo, Điều 117 Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành có quy định về tội Dâm ô đối với trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy không chỉ bị xâm hại bởi hành vi dâm ô, trẻ em còn bị xâm hại bởi nhiều dạng hành vi khác trong thời gian qua.

Theo cách hiểu hiện nay, hành vi dâm ô đối với trẻ em được coi là hành vi đụng chạm vào những bộ phận cơ thể nhạy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải đụng chạm vào những bộ phận cơ thể nhạy cảm của người phạm tội (đã thành niên). Người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô để thỏa mãn dục vọng nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân (nếu có ý định này thì tùy trường hợp mà người phạm tội có thể bị xử lý về các tội hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em hoặc giao cấu với trẻ em).

Trong thực tiễn vẫn có những trường hợp người đã thành niên ép buộc trẻ em phải biểu diễn các hành vi khiêu dâm, đóng phim, chụp ảnh khiêu dâm hoặc buộc trẻ em phải xem phim,  ảnh khiêu dâm... 

Những hành vi này không tác động trực tiếp trên cơ thể trẻ nhưng ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, gây ra nhận thức lệch lạc về tình dục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bình thường, lành mạnh của trẻ nhưng nếu xử lý thủ phạm về các tội xâm hại tình dục trẻ em có sẵn trong BLHS hiện hành thì không phù hợp. Do đó, cần bổ sung tội danh mới này nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Cần thiết bổ sung tội mới

Trao đổi với Pháp luật TP HCM, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận xét hiện nay Internet, mạng xã hội đang là công cụ truyền bá thông tin nhanh chóng nên các hành vi khiêu dâm trẻ em như ép buộc trẻ em chụp ảnh, đóng phim khiêu dâm… lại càng thêm nguy hiểm. Việc bổ sung vào BLHS tội khiêu dâm trẻ em phù hợp với xu hướng chung của thế giới bởi rất nhiều quốc gia đã quy định về tội danh này.

“Các hành vi khiêu dâm rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến lứa tuổi, tâm hồn trong sáng của trẻ em, làm xói mòn những giá trị tốt đẹp. Trẻ em là nhóm yếu thế trong xã hội, là tương lai của đất nước, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Do đó, tôi ủng hộ việc hình sự hóa hành vi khiêu dâm trẻ em” - luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nói.

Trong khi đó, giảng viên Lưu Đức Quang (Trường ĐH Luật TP HCM) và một số chuyên gia khác thì băn khoăn: “Dự thảo cần phải định nghĩa cụ thể chứ cứ chung chung là “thực hiện các hành vi khiêu dâm dưới mọi hình thức” thì quá rộng, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ khó đánh giá, áp dụng”.

Theo các ý kiến này, nếu không quy định cụ thể thì việc chứng minh hành vi khiêu dâm trẻ em theo quy định ở Điều 146 dự thảo còn khó hơn chứng minh hành vi dâm ô đối với trẻ em, dễ dẫn đến sự tùy tiện, suy diễn, áp đặt từ phía cơ quan tố tụng. Ngoài ra, cũng cần làm rõ cấu thành tội phạm của tội khiêu dâm trẻ em để tránh bị trùng với cấu thành của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy…

Nhức nhối vấn nạn khiêu dâm trẻ em

Khiêu dâm trẻ em đang là vấn đề nhức nhối mà các nước trên thế giới phải đối mặt.

Gần đây nhất, đầu tháng 8/2015, tại Pakistan, Cục Bảo vệ trẻ em Punjab đã tiết lộ băng nhóm mua bán dâm trẻ em lớn nhất nước này. Nhóm này đã tấn công tình dục hàng trăm trẻ em trong ba làng, tống tiền gia đình các em và bán các video quay lại cho người nước ngoài. Một số bị bắt đã bị kết án tù.

Ở Mỹ, năm 2014 giới chức Mỹ thông báo đã triệt phá một đường dây ấu dâm quy mô lớn với 251 nạn nhân ở nhiều quốc gia. 14 nghi can đã bị bắt. Trước đó, hồi đầu năm 2001, Mỹ đã “kết liễu” ổ mại dâm trẻ em qua mạng lớn nhất sau hai năm điều tra, bắt 100 người dính líu đến khiêu dâm trẻ em đa quốc gia qua mạng Internet.

Ở Nga, từ đầu năm 2013 đến nay đã có hơn 90 trang web bị đóng cửa do có chứa hình ảnh khiêu dâm trẻ em. 

Tại Úc, tháng 12/2011, một người đàn ông được cho là có liên quan với cảnh sát Liên bang Úc đã bị bắt khi đang tàng trữ 35.000 hình ảnh khiêu dâm trẻ em cùng 800 đoạn video tại nhà riêng ở Sydney.

Nhiều nước đã ban hành luật đối với vấn nạn này, điển hình là Nhật. Giữa năm 2014, Nhật đã trở thành quốc gia cuối cùng trong nhóm 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cấm sở hữu các hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. Bộ luật mới ra đời quy định phạt tù tối đa một năm hoặc phạt tối đa 10.000 USD cho những ai sở hữu các hình ảnh khiêu dâm trẻ em (quy định này không áp dụng cho phim hoạt hình hoặc truyện tranh, còn gọi là manga).

Bộ luật mới cho phép những người còn sở hữu các hình ảnh khiêu dâm trẻ em thời gian một năm để tiêu hủy. Trước đó, Nhật đã cấm việc sản xuất, phân phối các sản phẩm khiêu dâm trẻ em từ năm 1999 (hiện có trên 70 nước cấm phim khiêu dâm trẻ em).

Hàng ngàn vụ xâm hại trẻ mỗi năm

Tại một hội thảo bàn về việc sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS và Bộ luật tố tụng hình sự về xâm hại tình dục trẻ em do Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 1.500 vụ xâm hại trẻ em với hơn 1.500 em bị xâm hại, 2/3 trong số này (1.000 em) bị xâm hại tình dục. Trong khi đó, theo đại diện Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao, nếu cộng cơ học thì mỗi năm ngành tòa án xét xử khoảng 2.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự, những năm gần đây đã xuất hiện nạn “du lịch tình dục trẻ em”, thể hiện dưới một số hình thức: Khách du lịch tự tìm kiếm hoặc thông qua môi giới để mua dâm, mua trinh, giao cấu, dâm ô với trẻ em nơi họ đến du lịch. 

Có một số cá nhân, tổ chức mua bán trẻ em để phục vụ dịch vụ sextour hoặc cung cấp các dịch vụ tình dục cho khách du lịch trong, ngoài nước. Hoặc khách du lịch dùng tiền để quay phim, chụp ảnh các hình ảnh khỏa thân, khiêu dâm trẻ em nhằm tàng trữ, phát tán văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em…

http://phapluattp.vn/phap-luat/buoc-tre-em-xem-phim-anh-sex-se-bi-toi-577383.html

Theo Phương Loan - Bảo Anh/Pháp luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm