Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bước vào nghề giáo, không phải đi làm chỉ để kiếm sống'

"Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích, không phải chỉ làm công. Chúng ta làm thầy", trích cuốn sách "Nghề thầy" của Hoàng Đạo Thúy.

Anh em ạ! Chúng ta mà muốn thì chúng ta có thể có một công nghiệp không rực rỡ lòe mắt, nhưng bền vững sâu xa. Chúng ta mà muốn thì chúng ta bất tử, bất tử ở cái kết quả nó bền với non sông, bất tử vì chúng ta chết đi rồi, còn sống lại ở môn đệ, môn tôn, con cháu của tinh thần chúng ta.

Chúng ta mà muốn...

Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được.

Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: Không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta "làm thầy".

Cái huy hiệu bao nhiêu vinh hạnh thanh cao. Nhưng nó chỉ có được, khi chúng ta biết cả trách nhiệm nặng nề cho mình quan hệ (quan trọng, hệ trọng) cho Tổ quốc.

Chúng ta không phàn nàn vì người bạc đãi, hãy xét mình đã: Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm trí, thân thế vào đó chưa? Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa? Anh em Tráng sinh nhà giáo kỳ ba chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau giảng cứu hai câu đó.

Câu trên thì mỗi người trong chúng ta trả lời lấy. Về câu dưới, tôi xin khởi bàn ở sau này, mong anh em cũng nói vào. Anh em ạ! Thanh niên hư hại, rồi quốc dân kém sút, chúng ta cùng suy xét xem như thế thì nhà giáo có thể tránh được tội với Tổ quốc không?

Khổng Tử dạy rằng: "Thấy người ta hơn mình thì nghĩ cố sức làm cho bằng người, thấy người ta không hiền thì xét trong mình có phạm điều gì giống người ta không. Người hay kẻ dở cũng đều làm gương khuyên răn cho mình được vậy".

Buoc vao nghe giao anh 1

Cuốn Nghề thầy là những suy ngẫm của nhà giáo dục Hoàng Đạo Thúy về công việc dạy học.

Giáo dục phải để tâm đến Đức, Chí, Thể, Trí, Công

Mục đích của chúng ta là đem lũ trẻ con người ta trao cho, mè rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất.

Trong một thời gian khá dài, người ta đã chỉ trọng mỗi việc học, nói rằng "đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng".

Vì hiểu như vậy mà làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản thì nguy lắm.

Việc sửa soạn thi các văn bằng dù người ta coi đó làm thước đo ông thầy, chúng ta chỉ nên coi nó làm một cách thử sức thôi. Lúc bảo học không cần để tâm đến việc thi. Không bị kỳ thi dọa nạt thì khỏi nô lệ cái học, trí dễ mở, dễ hấp thụ.

Nếu tìm được cách làm cho học trò ham học, học cho biết, học vì thích, các môn học sẽ thấm thía sâu, ở bền trong óc. Sức đã có, thì tất được. Nếu bị dọa mà học thì phải vội vàng, chỉ sợ học nó lọt ra; rồi nó sẽ lọt ra vì nó đã vào một cách hấp tấp.

Lại còn nên nhớ rằng học môn gì trong trường sơ đẳng, học cho biết chỉ là một phần, nhưng còn một phần quan trọng nữa: Thao luyện lấy một cách xem xét và làm việc để dùng sau này.

Đức dục hãy để lên đầu, như xưa kia, là phải lắm. Trí dục cần, là việc tất phải thế rồi. Thêm với Thể dục thì dễ hiểu lắm. Song chỉ bộ ba Đức, Trí, Thể dục không thì với cái trách nhiệm làm người, khó mà làm đủ được. Cần thêm Chí dục nữa mới được.

Có Chí thời mới đủ gan để theo con đường của Đức vạch ra, mới đủ sức mà dùng các phương pháp của Trí chỉ vẽ. Lại nên thêm một thứ nữa là Công dục. Có quan tay làm việc thì các công trình mới mong có được kết quả tốt. Một việc làm ăn là việc rất cần để mà sống, sao nhãng khoản ấy thì nguy hiểm vô cùng.

Có đạo đức để làm việc đời, không phải là để đi ẩn. Rồi phải nhận một trách nhiệm ở đời. Giữ đạo đức ấy bằng cái chí không gì lay chuyển được, một cái trí đã luyện cho đủ tài năng, bằng những tay chân thạo việc và quen làm, dùng sức một cái thân có sức bền và mạnh.

Vậy năm chỗ nhà giáo dục phải làm để tâm đến phải là Đức, Chí, Thể, Trí, Công.

Đức đã. Rồi phải cần ngay đến Chí. Vì không có sẵn một Chí vững vàng thì sao bền gan mà tập cho Thể mạnh, mã học cho Trí mở, mà luyện cho Công đến chỗ khéo, chỗ quen được.

Đức luyện cái Tâm. Giữ cho tâm còn được cái thiện mà từ lúc sinh ra đã có. Lại vun tưới cho nó cứng cáp, không phải nghiêng đỏ vì các điều gặp gỡ.

Việc này phải bắt đầu nhờ ở bà mẹ, nhờ ở người làm cha, cẩn thận ở cách nuôi nấng, dạy bảo, từ lúc mới đẻ một ngày cho đến lúc cho ra theo thầy, rồi cùng thầy cộng tác cho đến lúc con lớn.

Rèn được Chí là một công cuộc lâu dài. Cha mẹ đừng làm cho cái mầm Chí trong đứa bé nó nhụt đi. Thầy lại theo đó mà rèn giũa, mà vun, mà nuôi thêm, trong tất cả dịp có được.

Về Thể thì cha mẹ mang cái trách nhiệm từ lúc con chưa sinh ra. "Mình mẩy tóc da, của cha mẹ để lại". Cha mẹ hãy giữ gìn sao cho không có bệnh hoàn, để rồi để cho con mình một cái thân thể không vì mầm bệnh mà gầy yếu.

Đẻ ra rồi, lại phải đừng bó buộc quá cho con nảy nở dễ, giữ vệ sinh và nuôi đúng phép cho con mạnh. Lúc trao con cho thầy thì thầy mới nhân cái chất tốt mà cho hưởng được cả các ích dụng về thập luyện, mà không bị vì nỗi sức không đủ, ngăn trở.

Cây gì cũng thế, hạt giống đã chọn kỹ, chăm nom từ lúc non nớt thì sức sẵn có nó mạnh lên dễ lắm.

Trí khôn là thứ nhiều người có khác nhau, nhưng dạy phải phép, phải lúc, từ nhỏ phần nhiều đều có thể đến được chỗ hiểu biết.

Có làm thời mới có ăn, thế mà lâu nay Công vẫn ít được chú ý đến: đó là việc đáng lo. Thế mà thủ công không những làm cho người ta sống dễ, còn có cái công dụng làm cho Thể và Trí được thăng bằng, luyện cho Chí bền vững, giúp được Đức khi vì thiếu thốn mà suy. Cái điểm thứ năm này thật cũng quan trọng lắm.

Phát khóc vì áp lực giảm tải chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ trong quá trình lấy ý kiến cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một số thành viên đã khóc vì áp lực phải hạ yêu cầu cần đạt đối với học sinh.

Hoàng Đạo Thúy / Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam

SÁCH HAY