Hai bị can Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tình đã sang tỉnh U Đom Xay (Lào) mua số vàng trị giá 16 tỷ đồng về bán trong nước. Trên đường vận chuyển, hai người này đã bị các chiến sĩ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy - công an tỉnh Điện Biên bắt giữ thu tang vật gồm 15 kg vàng thỏi.
Vụ án khi được các cơ quan báo chí phản ánh đã gây chú ý. Nhiều người rất ngạc nhiên, vàng hạ giá kỷ lục mà không ai mua, mang vàng lậu về làm gì? Nhưng với các chiến sĩ công an, đây không phải là vụ cá biệt. Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, lúc âm thầm lúc dữ dội. Và đây mới là điều đáng ngạc nhiên, lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy qua biên giới.
Mang 2 bánh heroin (1kg) qua biên giới có thể kiếm lãi khoảng 800 - 1.000 USD, nhưng mang 1kg vàng vào nội địa thời điểm này cũng kiếm được 150 triệu đồng, mà buôn vàng thì dễ hơn và nếu bị bắt, chịu án thấp hơn nhiều.
Buôn lậu vàng vẫn diễn biến phức tạp
Trong hơn hơn 2 năm qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước trực tiếp tham gia thị trường vàng, trong nhiều lần trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc độc quyền thương hiệu vàng miếng, độc quyền nhập - xuất khẩu vàng đã giúp hạn chế nạn buôn vàng lậu, dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ổn định ở mức cao từ 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục An ninh Tài chính Tiền tệ khẳng định, Bộ Công an vẫn chỉ đạo, xác lập kế hoạch kiểm soát buôn lậu vàng, và theo kế hoạch, các lực lượng công an liên tục trong 2 năm qua đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng lớn.
Theo Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư, thời gian gần đây, cơ quan này đã thụ lý nhiều vụ, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến vận chuyển tiền giả và buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2014, công an TP. Đà Nẵng cũng bắt giữ 2 nghi phạm cùng 11 thỏi vàng khối, trị giá 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác điều tra đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia…
Điển hình hơn cả là vụ phá vỡ đường dây của “trùm” buôn lậu vàng Nguyễn Thị Tuyết Vân với số tang vật thu giữ lên tới 336 kg. Tuy nhiên, trên thực tế số vàng thẩm lậu vào Việt Nam qua đường biên giới còn lớn hơn rất nhiều.
Ngày 29/4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Hường về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bị cáo Hường bị bắt giữ tại cửa khẩu Cha Lo với tang vật là 4kg vàng thỏi.
Ngày 14/7, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Lưu Tái Thải (48 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) 9 năm tù về tội buôn lậu; tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước 1.706,24 chỉ vàng do Thải buôn lậu.
Trong khi đó, công an TP.HCM cũng cho biết thời gian gần đây có hiện tượng các nhóm đối tượng cắt nhỏ vàng thỏi để nhập vào trong nước tiêu thụ nên rất khó phát hiện. Nóng nhất là vàng lậu tuồn qua đường bộ Châu Đốc (tỉnh An Giang), phân phối qua nhiều đầu mối liên quan đến vàng nên rất khó xử lý.
Đáng chú ý, các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, bắt quả tang vụ buôn lậu hàng chục kg vàng qua khu vực cửa khẩu này. Có thể thấy với chiều dài biên giới và sự phức tạp của địa hình sông nước miền Tây Nam bộ, việc chống buôn lậu rất khó khăn, nhất là buôn lậu vàng với hàng hóa nhỏ gọn, dễ cất giấu mà giá trị lại rất cao.
Buôn lậu vàng bán cho ai?
Cũng đã có rất nhiều người khi nghe tin buôn lậu vàng đã bật cười. Dù các hiệu vàng trong nước vắng như chùa bà Đanh, vàng hạ giá kỷ lục thấp nhất trong hơn 1 năm nay mà cũng không ai mua, thì buôn vàng về bán cho ai?
Trong khi đó, để hạn chế buôn lậu, NHNN đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, các đối tượng buôn lậu vàng chỉ có lãi khi biến được vàng nhập lậu về thành vàng SJC. Trong khi NHNN quản lý máy dập SJC 24/24h, kể cả giữa ca nghỉ ăn trưa cũng phải niêm phong nên khả năng vàng lậu chui vào máy dập thành vàng SJC là không thể. Để hạn chế việc lợi dụng chênh lệch giá để buôn lậu vàng NHNN đã công bố độc quyền kinh doanh vàng miếng và quốc hữu hóa luôn SJC.
Tuy nhiên, với các chuyên gia thị trường vàng, nhiều khe hở đã hiện ra. Nhu cầu vàng trang sức cực lớn hiện nay không có đầu vào nguyên liệu. NHNN chỉ đấu thầu vàng miếng, không đấu thầu vàng nguyên liệu. Một minh chứng cho dòng chảy vàng lậu vẫn âm thầm diễn ra là, theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn.
Mấy năm gần đây, NHNN không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu. Theo tính toán của một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, cho dù vàng lậu không chui được vào máy dập vàng SJC, song buôn lậu vàng vẫn siêu lợi nhuận.
Mặc dù, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vẫn kê khai nguồn nguyên liệu là thu mua đồ trang sức chế biến lại. Tuy nhiên, nói thẳng, việc mua lại các đồ trang sức bằng vàng hiện rất khó khăn. Khi người ta mua đồ trang sức trước đây, giá vàng 4 số 9 bằng giá vàng miếng, nay bán lại, giá thấp hơn giá vàng miếng SJC gần 10 triệu đồng/lượng. Quá vô lý nên ít người bán.
Theo nhiều chuyên gia, hiện chính sách tín dụng vàng trong nước chưa liên thông được với thế giới, không có sự ổn định hội nhập về vàng nên mức chênh lệch rất cao. Vừa rồi Bộ Tài chính còn dự thảo tăng thuế xuất khẩu đối với vàng trang sức, vàng mỹ nghệ từ 0% lên từ 1 - 2%.
Trong khi mức thuế suất xuất khẩu 0% còn không xuất được vì giá vàng trong nước cao hơn hẳn thế giới. Được biết, trước đề xuất của các DN, đại diện NHNN cho biết, đang tổng hợp, rà soát hồ sơ của DN để xem xét cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa DN nào nhận được giấy phép nhập khẩu. Không chỉ khe hở ở khâu tiêu thụ. Giá chênh lệch chính là động lực của buôn lậu.
Tuần qua, dù giảm mạnh theo đà lao dốc của giá vàng thế giới, giá vàng SJC vẫn ở mức 34,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,7 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch phi lý này, Việt Nam được coi là quốc gia có giá vàng đắt nhất thế giới.
Với các nhà sản xuất vàng trang sức, giá hợp lý để mua nguyên liệu là 31 triệu đồng/lượng. Như vậy chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước khoảng gần 3 triệu đồng/lượng. Một kg vàng khoảng 27 lượng, tối thiểu người buôn cũng lãi trên 70 triệu đồng/kg. Nhưng nếu trực tiếp sản xuất vàng trang sức, những kẻ buôn lậu có thể kiếm lãi tới 150 triệu đồng/lượng.
Dư luận đang lo lắng, phải chăng vì sự quan tâm của người dân với vàng đã “nguội lạnh” nên cơ quan quản lý cũng “buông” thị trường vàng và để kéo dài tình trạng chênh lệch giá vàng cao như hiện nay? Chênh lệch giá vàng gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho người tiêu dùng do phải mua vàng với giá quá cao so với thực tế. Dân buôn lậu còn vơ vét ngoại tệ, ra nước ngoài mua vàng rồi nhập lậu về, gây ra hậu quả khó lường.
Làm sao ngăn chặn buôn lậu vàng?
Trong một văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị NHNN cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tránh nguy cơ tiếp tay cho buôn lậu vàng. Nếu NHNN cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ góp phần giảm được chênh lệch giá vàng cũng như hạn chế nguy cơ nhập lậu vàng, kể cả vàng trang sức, mỹ nghệ.
Mặt khác, mặc dù nhu cầu vàng miếng trong nước nguội lạnh, tuy nhiên NHNN cần có những biện pháp để nhanh chóng hạ chênh lệch giá trong nước và giá vàng thế giới. Không cần mục tiêu chênh với giá vàng thế giới khoảng 400 ngàn đồng/ lượng như một lãnh đạo NHNN đã nói, chỉ cần chênh lệch dưới 2 triệu đồng/lượng, sẽ không còn buôn lậu vàng.
Còn đối với lực lượng chống buôn lậu, chính các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chống buôn lậu cũng cho rằng để xử lý triệt để nạn buôn lậu tiền, vàng qua các cửa khẩu hải quan thì các lực lượng chức năng tại các địa phương cần hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là các đơn vị tại khu vực sân bay, cảng, cửa khẩu…
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm việc triển khai các trang thiết bị hiện đại để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến buôn lậu, đầu tư máy soi container, máy soi kim loại để thông quan nhanh, cũng như phát hiện kịp thời, chính xác các hoạt động buôn lậu qua đường xuất nhập khẩu.