Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buông tay cho con tự đi

Một đứa trẻ mạnh mẽ, tự quyết định tương lai sau này của mình thì khi còn nhỏ phải tự chủ. Cha mẹ cần “can đảm” mở lối cho con rèn luyện tố chất ấy từ lúc còn thơ.

Anh T.A. là cán bộ một ngân hàng. Hàng ngày, vợ chồng anh quay cuồng với núi việc ở cơ quan. Hai con gái lớp 7 và lớp 2, sau giờ học, lại về nhà bà ngoại. Tối đi làm về, anh mới ghé đón con.

Minh họa Lap
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ.

Úm con

“Bé lớn nhà tôi mọi thứ đều phụ thuộc cha mẹ. Cháu học lớp 7 nhưng chưa biết làm gì và ít nói lắm. Cả buổi, nếu có người lạ là bé không nói tiếng nào. Tôi cũng ít thấy bé giao tiếp với bạn bè” - anh T.A. kể.

Anh tự nhận phần vì mình cưng con, phần bản thân “lo đi làm nhiều quá”, thời gian trò chuyện với con cái không nhiều.

Anh T.A. dự định, hè này, sẽ dạy con làm những việc như rửa chén, lau nhà và cho con gái tham gia trại hè để rèn tính tự lập, nhưng còn phân vân vì “bé là con gái nên tôi ngại”.

Vẫn biết dạy con tự lập là cần thiết nhưng anh N.V.M. (nhân viên truyền thông) lại không nỡ làm thế với cô con gái lớp 2.

Anh chia sẻ: “Cha mẹ nào chẳng cưng con. Cứ nghĩ về tuổi thơ cơ cực của mình, tôi lại dồn hết tình cảm cho con. Chỉ cần con vui là việc gì tôi cũng làm. Trong gia đình cần gì thì bé tìm ba, coi ba như nhà tài trợ”.

Trong khi đó, anh Hưng (ngụ quận 12, TP HCM) kể, đã dạy con tính tự lập khi hai con còn bé, từ những chuyện nhỏ. Vấn đề vệ sinh cá nhân là việc hai con anh đã biết làm từ rất sớm. Lúc con gái lớn bước vào lớp 6, anh mua cho con chiếc xe đạp để con tự đến trường, làm chủ thời gian của mình.

“Bây giờ, cả hai đứa đều biết phụ nấu ăn, làm việc nhà. Do con tôi chưa dùng đến nhiều tiền nên muốn mua gì giá trị, chúng vẫn xin tiền ba mẹ. Nhưng những việc như vậy, chúng tôi vẫn cùng bàn bạc với con cái chứ không hoàn toàn tự quyết”- anh Hưng kể.

Mở lối

"Người Pháp dạy con xuất phát từ những giá trị bên trong, còn người Việt thường giáo dục trẻ vì những yếu tố tác động bên ngoài, như nhặt rác vì sợ bị trừ điểm, sợ bị la rầy".

TS NGUYỄN KHÁNH TRUNG

“Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc dạy con cái nhưng không quyết định hoàn toàn. Đứa trẻ không phải là tờ giấy trắng để chúng ta muốn vẽ gì thì vẽ. Trẻ là một thể chủ động”- TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), chia sẻ tại một buổi giao lưu với các bậc cha mẹ về chủ đề nuôi dưỡng sự tự chủ ở trẻ.

TS Trung kể qua một cuộc khảo sát đối với các bà mẹ nước Pháp, từ “bà mẹ nông dân” đến “bà mẹ trí thức”, ông thấy không có bà mẹ Pháp nào muốn con thành “ông này bà nọ” trong tương lai.

Họ cùng quan niệm: Tương lai của con thuộc về con. Họ chỉ mong muốn con cái trở thành người hạnh phúc, có khả năng hội nhập xã hội, nghề nghiệp, thích ứng với thay đổi. Ở Pháp, cha mẹ giáo dục con cái dựa trên sự khác biệt của từng đứa trẻ và tôn trọng sự khác biệt ấy.

Trong khi đó, nếu hỏi các bà mẹ Việt Nam muốn con làm gì trong tương lai, câu trả lời nhận được là mong con trở thành bác sĩ, kỹ sư... TS Trung nói, đây là sự khác biệt lớn trong cách dạy con của các bà mẹ.

Theo ông, các bà mẹ Pháp rất chú ý dạy con tự chủ. Với họ, tự chủ là hạnh phúc. TS Trung kể một ví dụ khác. Một lần ông cùng hai cha con người Pháp nọ vào rừng. Đứa bé nhỏ xíu tự vượt ra những bụi cây, còn người cha thì phăng phăng đi trước.

Thấy vậy, TS Trung không khỏi lo lắng, trong khi người cha ấy rất thản nhiên: “Ồ không sao đâu. Tôi biết khu rừng này. Không có gì nguy hiểm”.

Các bà mẹ Pháp đã cho con ngủ riêng ngay khi trẻ hơn 2 tháng tuổi. Giường đặt bên cạnh bố mẹ. Lúc trẻ được 5-6 tháng tuổi, chúng đã ngủ phòng riêng. Trẻ khóc cứ khóc. Rồi chúng sẽ tự nín. Bởi theo họ “không có đứa trẻ nào chết vì khóc cả”.

TS Nguyễn Khánh Trung nhấn mạnh: Cuối cùng, tất cả mọi hành vi con người đều liên quan sự tự chủ. Để có được điều đó ở trẻ, cần sự mạnh mẽ, can đảm của cha mẹ trong giáo dục con cái.

'Lớp tôi 41 học sinh, chỉ 4 em biết nhặt và rửa rau'

Trong dịp tổ chức đi du lịch, lớp có 41 học sinh, trong đó 23 em là nữ, nhưng chỉ 6 em biết chút ít về nội trợ, 4 em biết nhặt và rửa rau. Những em còn lại khá lúng túng.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/song-va-yeu/buong-tay-cho-con-tu-di/757530.html

Theo Minh Phượng/Báo tuổi trẻ online

Bạn có thể quan tâm