Thể loại: Tâm lý, bí ẩn
Đạo diễn: Lee Chang-dong
Diễn viên chính: Yoo Ah-in, Jeon Jong-seo, Steven Yeun
Zing.vn đánh giá: 8/10
Burning là bộ phim mới nhất của đạo diễn Lee Chang-dong. Tác phẩm gây tiếng vang lớn tại Liên hoan phim Cannes 2018 và từng tranh giải Cành cọ vàng. |
Jong-su (Yoo Ah-in) yêu văn chương của William Faulkner, thích học viết văn, và mang trong mình khao khát sáng tác nên một cuốn tiểu thuyết của riêng mình.
Nhưng trong lúc chờ đợi ý tưởng sáng tạo ào đến, anh vẫn phải gồng mình làm những công việc chân tay để kiếm miếng ăn thường nhật. Chưa kể, chàng trai còn phải lo cho chỗ trang trại “chỉ có một con bò” nằm ở vùng biên giới của cha mình - người đang phải ngồi tù chờ xét xử vì tội tấn công người thi hành công vụ.
Ánh sáng chợt đến với cuộc đời u ám của Jong-su khi anh tình cờ gặp lại cô bạn từ thuở ấu thơ Hae-mi (Jeon Jong-seo). Cô gái vốn cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định, nhưng lại luôn mơ ước có cơ hội đi du lịch tới những mảnh đất xa xôi, để có thể ngắm hoàng hôn buông xuống giữa đám người xa lạ.
Vừa mới lục lại được những mảnh vụn ký ức về tình bạn với cô bé Hae-mi của quá khứ ở vùng quê biên giới Paju, và nảy sinh tình cảm với cô gái xinh đẹp Hae-mi của thời hiện tại chưa được bao lâu, Jong-su đột nhiên trở thành người trông nhà và nuôi mèo bất đắc dĩ cho cô gái khi Hae-mi quyết định lên đường sang châu Phi du lịch.
Tưởng như hạnh phúc sẽ đến vào cái ngày Hae-mi trở về từ mảnh đất Kenya xa xôi, Jong-su bỗng nhiên trở thành “người thứ ba” trong mối quan hệ giữa cô gái trẻ cùng gã nhà giàu lạ mặt Ben (Steven Yeun).
Giàu có, đẹp trai và lịch thiệp, Ben sở hữu tất cả những điều mà Jong-su có mơ cũng khó lòng đạt được. Nhưng gã lại mang một sở thích quái dị là đi phóng hỏa những căn nhà kính trồng cây ở các vùng quê. Đó là điều mà Ben tình cờ tiết lộ với Jong-su trong một lần cả ba người “phê” chất kích thích.
Thế rồi, Hae-mi đột nhiên biến mất, còn những căn nhà kính trồng cây ở vùng quê của Jong-su dường như chưa bị sở thích quái đản của Ben động tới. Dần dần, chàng trai trẻ nhận ra rằng có lẽ đằng sau vẻ đẹp trai hào nhoáng, tay nhà giàu kia còn có những góc khuất khó lường.
Cảm hứng từ tác phẩm của Haruki Murakami
Burning là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Lee Chang-dong kể từ sau bộ phim xuất sắc về tuổi già và nỗi cô đơn Poetry (2010). Quãng thời gian hơn 7 năm giữa Burning và Poetry là khoảng lặng dài nhất trong sự nghiệp của Chang-dong.
Do đó, người hâm mộ điện ảnh rất mong đợi sự trở lại từ vị cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa của chính phủ cánh tả Hàn Quốc giai đoạn 2003-2004 trong tư cách là nhà làm phim.
Nhưng Burning còn được không ít người hâm mộ văn học và điện ảnh đón đợi bởi kịch bản tác phẩm vốn dựa trên truyện ngắn Barn Burning (tạm dịch: Đốt nhà kho) của nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami.
Tuy Murakami đã có rất nhiều tác phẩm bán chạy ở tầm quốc tế và thường xuyên có tên trong danh sách ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng Nobel văn học, nhưng giọng văn lãng đãng, đậm chất suy tư của tác giả người Nhật Bản khiến các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông hiếm khi có cơ hội đặt chân lên màn ảnh rộng.
Với phần kịch bản chuyển thể, Lee Chang-dong đã chỉnh sửa khá nhiều nguyên tác văn học của Haruki Murakami. |
Ra mắt độc giả lần đầu tiên năm 1983 dưới dạng truyện ngắn đăng báo và sau đó xuất hiện trong tuyển tập truyện ngắn The Elephant Vanishes (tạm dịch: Con voi biến mất), Barn Burning là câu chuyện đậm chất huyền ảo, lãng đãng đúng kiểu Murakami về mối quan hệ tay ba giữa một nhà văn đã có gia đình, một cô người mẫu yêu thích kịch câm, và gã bạn trai giàu có mang sở thích dị thường là đốt nhà kho ở vùng nông thôn.
Khi so sánh với cốt truyện của Barn Burning, kịch bản chuyển thể Burning của Lee Chang-dong thực tế chứa đựng rất nhiều điểm khác biệt. Thay đổi không chỉ cơ bản nằm ở bối cảnh chuyển đổi từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, mà còn xuất hiện trong nhiều tình tiết mới về mối quan hệ tay ba giữa các nhân vật chính, và cả cách mở đầu cũng như kết thúc câu chuyện.
Do đó, Burning chỉ nên được coi là bộ phim lấy cảm hứng từ truyện ngắn Barn Burning của Murakami với hơi thở cuộc sống gai góc kiểu Hàn Quốc và phong cách nghệ thuật rất riêng của Lee Chang-dong. Nó khác với nỗ lực chuyển thể tối đa chất lãng mạn và triết lý của Murakami lên màn ảnh rộng như cái cách mà Trần Anh Hùng từng áp dụng đối với Rừng Na Uy (2010).
Một bức tranh khác về đất nước Hàn Quốc
Khi nhắc tới đất nước Hàn Quốc, hẳn nhiều khán giả sẽ nghĩ tới những bài hát sôi động, những bộ phim tràn đầy cảnh đẹp thiên nhiên đến mê lòng, hoặc những thành phố hiện đại, náo nhiệt đại diện cho một quốc gia thịnh vượng hàng đầu thế giới.
Nhưng lẩn khuất phía sau gương mặt phồn vinh, lạc quan đầy hào nhoáng ấy vẫn còn rất nhiều những số phận nghèo khổ, vừa là nạn nhân của biến cố lịch sử, vừa bị bỏ lại phía sau trong một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo đang ngày một bị nới rộng hơn.
Một nghệ sĩ điện ảnh Hàn luôn trăn trở với những số phận buồn tủi ấy chính là Lee Chang-dong. Các bộ phim của ông như Green Fish (1997), Peppermint Candy (1999), hay Oasis (2002) đã giới thiệu một Hàn Quốc rất khác.
Đó là đất nước của những mùa đông dài tăm tối và lạnh lẽo, một đất nước còn hằn đầy những vết sẹo của chiến tranh, của chế độ độc tài kéo dài ba thập kỷ, một đất nước còn mang nặng hủ tục Nho giáo.
Với Burning, đạo diễn Lee Chang-dong có lẽ muốn nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo đến khó tin đang tồn tại ở Hàn Quốc. |
Đó cũng chính là bối cảnh của Burning - bộ phim về sự tương phản đến cùng cực giữa một bên là giới thượng lưu thừa mứa của cải nhưng nghèo nàn về cảm xúc như Ben và những người bạn cùng chia sẻ cuộc sống phù phiếm với gã, với bên kia là những người dân lao động nghèo khó, nhưng trong lòng luôn bùng cháy ngọn lửa khao khát được tận hưởng cuộc sống như Jong-su, như Hae-mi.
Mối quan hệ hồn nhiên, chân thành giữa Jong-su và Hae-mi phần nào gợi nhớ đến hình ảnh của bộ đôi Jong-chan (Song Kang-ho) và Shin-ae (Jeon Do-yeon) ở Secret Sunshine (2007) - tác phẩm của Lee Chang-dong từng gây tiếng vang rất lớn tại Liên hoan phim Cannes cách đây hơn 10 năm.
Song, có lẽ nhà làm phim vẫn muốn giữ lại phần nào đó chất lãng mạn Murakami trong bộ phim mới nhất, nên ba nhân vật chính của Burning luôn có chút gì đó bí ẩn, mờ ảo. Điều đó rất khác so với cách tiếp cận nhân vật tỉ mỉ, đa diện và mang đậm chủ nghĩa hiện thực mà Chang-dong từng áp dụng trong các tác phẩm trước của mình.
Hướng đi khác biệt ấy giúp Burning sở hữu hương vị mới mẻ, có phần nhẹ nhàng hơn so với các phim trước đây của Lee Chang-dong, nhưng đồng thời lại khiến giảm mất hiệu ứng cảm xúc đến từ những bi kịch đời thường của các nhân vật - điều vốn là thế mạnh trong phong cách làm phim của đạo diễn người Hàn Quốc.
Nàng thơ mới của Lee Chang-dong
Bên cạnh chất hiện thực thấm đẫm, một điểm nổi bật nữa dễ thấy trong các phim của Lee Chang-dong là việc ông thường xuyên giúp các diễn viên phát huy tối đa khả năng diễn xuất nhờ vào phần kịch bản giàu kịch tính và cách mà đạo diễn họ Lee chú trọng đặc tả diễn biến cảm xúc nhân vật.
Chính nhờ loạt tác phẩm của Lee Chang-dong mà một số nữ diễn viên xuất sắc của Hàn Quốc như Moon So-ri (ở Oasis) và Jeon Do-yeon (ở Secret Sunshine) đã chứng tỏ được tên tuổi ở tầm quốc tế với các giải thưởng danh giá tại Venice và Cannes.
Jeon Jong-seo là gương mặt còn rất mới của điện ảnh Hàn Quốc, nhưng cô mới là người để lại nhiều ấn tượng hơn cả sau Burning. |
Khác với những nữ diễn viên gạo cội kể trên, Hae-mi mới là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của Jeon Jong-seo. Không phụ lòng tin tưởng của Lee Chang-dong, nữ diễn viên 24 tuổi gây ấn tượng mạnh không chỉ nhờ vẻ đẹp sắc sảo, mà còn bởi phần diễn xuất nhẹ nhàng nhưng không kém phần ma mị, lôi cuốn. Phong cách ấy rất phù hợp với nhân vật Hae-mi chợt đến, chợt đi trong lòng Jong-su và khán giả.
Thậm chí, khi so sánh với hai bạn diễn có nhiều kinh nghiệm và danh tiếng hơn cô rất nhiều là Yoo Ah-in và Steven Yeun, Jong-seo phần nào đó còn để lại nhiều tình cảm hơn, dù đất diễn của cô thực tế không nhiều bằng họ.
Thật khó để nói Burning là bộ phim chuyển thể thành công tinh thần văn học của Haruki Murakami. Về mặt cảm xúc, bộ phim mới của đạo diễn Lee Chang-dong có lẽ cũng chưa thể sánh ngang với những đỉnh cao trong sự nghiệp của ông như Peppermint Candy, Oasis, hay Poetry.
Nhưng với những ai muốn chứng kiến hình ảnh một đất nước Hàn Quốc lạnh lẽo vốn ít khi xuất hiện trên phim ảnh, muốn có cơ hội hiểu thêm về những gương mặt khác nhau của thế hệ trẻ quốc gia Đông Bắc Á - giàu sang nhưng trống hoác về tâm hồn, nhiều mơ ước nhưng chẳng thể vượt qua rào cản xã hội, nhưng tất cả đều cảm thấy cô độc giữa xã hội hiện đại, họ chắc chắn sẽ không cảm thấy phí hoài thời gian với Burning.