Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cá chết, bùn thải chì lộ thiên đặc biệt nguy hại sức khỏe

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyến cáo người dân sống gần nơi xảy ra sự cố vỡ bể chứa bùn chì cần tránh xa nguồn nước và tuyệt đối không ăn cá chết nghi nhiễm độc chì.

Trước phản ánh của người dân xung quanh khu vực vỡ bùn thải chì ở Cao Bằng về việc cá chết hàng loạt, giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận định hiện tượng này là có ảnh hưởng của chì. Cá và những sinh vật dưới đáy sông chịu tác động đầu tiên và trực tiếp khi bùn thải chì tràn ra.

Việc bùn thải chất đống trên bờ sông cũng gây ô nhiễm môi trường và tác động tới cây trồng, mùa vụ. Người dân tuyệt đối tránh trồng trọt, chăn nuôi trong lúc này, nên di dời vật nơi ra xa.

Bùn thải chì bám dầy trên bờ sông Gâm. Ảnh: Mạnh Thắng

Giáo sư cảnh báo, người dân tuyệt đối không ăn cá chết ở khu vực sông Gâm, quanh vùng vỡ bể chứa. Ngoài ra, hộ dân vùng hạ lưu sông cũng cần tránh sử dụng nguồn nước, chờ tới khi sự cố được khắc phục triệt để. 

Một lưu ý khác là các sinh vật như trai, hến sống ở tầng thấp sẽ bị nhiễm độc chì do hấp thụ và sa lắng từ nước bị ô nhiễm. Các loại cá ở tầng thấp cũng có hàm lượng kim loại nặng cao hơn cá ăn tầng cao. Với đặc tính tích tụ dần, việc sử dụng các nguồn thực phẩm này có thể gây ra những hậu quả không mong đợi.

Gần chục con cá chết dạt vào bờ hạ nguồn sông Gâm. Ảnh: Mạnh Thắng.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp phân tích thêm, việc vỡ bùn thải chì làm chất thải chì chảy ra sông, khu dân cư chắc chắn bị ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống, có thể gây nhiễm độc chì. Nhiễm độc chì được biết đến rất nguy hiểm, gây nên các chứng bệnh tức thời và mạn tính ở người như đau xương, khớp, suy yếu thận nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.

“Việc nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông sẽ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Việc cần làm bây giờ là phải chờ các cơ quan chức năng kiểm tra chính xác về mức độ và hàm lượng nhiễm độc nước, có vượt ngưỡng cho phép hay không”, GS Thạch nói.

Nếu chất thải là chì sunfua - dạng không tan thì mức độ không nguy hiểm song nếu là các dạng hòa tan, mức độ ô nhiễm nguồn nước sẽ rất nguy hại. Đặc biệt, trong bùn thải không chỉ có chì mà còn có kim loại nặng khác, nên khi tràn ra ngoài môi trường khi đi vào nước và đất, gây ô nhiễm, ảnh hưởng toàn diện.

Giải thích về cơ chế tác động tới con người, chuyên gia cảnh báo, bùn thải chì, kẽm khi ra môi trường có thể tích tụ trong rau, tôm, cá…, nếu ăn vào sẽ nguy hiểm. Nếu lượng bùn thải đi vào nguồn nước cũng tác động tới con người khi tắm giặt.

Hiện việc khắc phục bùn thải chì, kẽm phải được thực hiện lâu dài. Trước mắt, người dân nên hạn chế sử dụng nguồn nước và kiểm tra thực phẩm trước khi ăn.

Theo ghi nhận của Zing.vn, chiều 7/1 - sau 2 ngày xảy ra sự cố vỡ cống đường ống thoát nước chứa chất thải bùn chì, kẽm của công ty TNHH CKC (ở thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), ngay điểm vỡ ống cống, bùn chì chất đống. Hệ thống nhà máy xử lý nước thải của công ty CKC bị vùi lấp dưới đống bùn thải. Có cây cao lớn 20 m bị bùn bắn lên tận ngọn. Hai bên suối Bản Khun (chảy ra sông Gâm) vết bùn thải chảy dâng cao khoảng 5 m còn hiện rõ hai bên bờ. Mùi bùn chì thải bốc lên nồng nặc.

Xuôi theo dòng hạ lưu, nước sông đục ngầu, hai bên bờ sông bùn thải bám đen sì. Đặc biệt, cá chết trôi trắng trên sông. Thậm chí, hộ dân cách đó 15 km cũng có phản ánh 2 lồng cá nuôi bị chết vì nguồn nước ô nhiễm.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm