Nguyễn Quốc Ngây lớn lên trong gia đình đông con ở ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm (huyện Châu Thành, Sóc Trăng). Nhà ít ruộng đất, nhưng người cha Nguyễn Văn Nhơn (Bảy Nhơn, 68 tuổi) phải cật lực trồng lúa và hoa màu để nuôi 8 anh, em của Ngây khôn lớn.
Chỉ học đến lớp 3, ngoài giúp cha mẹ việc đồng áng, Ngây còn làm thuê để tự kiếm tiền tiêu xài. Hai năm trước, gã trai vướng tiền sự khi tham gia đánh nhau.
Mặc cho nạn nhân van xin
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Trưởng ấp Phú Thành B cho biết, đêm 20/5/2014, Ngây sang làng bên uống cà phê và xảy ra mâu thuẫn với nhóm của Kha Hoàng Tiến (ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm). Một lúc sau, Ngây cùng bạn bè qua bên kia sông Vũng Thơm, bày tiệc nhậu trước sân đình Phước Hưng.
Thanh niên 28 tuổi vẫy tay chào người thân khi lên xe về nơi giam giữ. Ảnh: Việt Tường. |
Nhậu đến gần nửa đêm, nhóm của Ngây phát hiện Tiến cùng 4 người từ ấp Phú Thành B vượt cầu qua sân đình. Lúc này Tiến, Sơn Minh Khai mỗi người cầm một cây dao, định chém nhóm của Ngây khiến những người ngồi nhậu bỏ chạy tán loạn.
Không chém được ai, Khai dùng dao tự chế đập phá và đạp ngã 3 xe máy của đối phương. Bị tấn công, nhóm Ngây dùng ná bắn về phía Tiến và nhặt tre, cây khoai mì chống trả.
Nghe Ngây la lên "ra đánh tụi nó luôn", nhiều bạn nhậu đã hưởng ứng. Thấy khó đánh thắng khoảng chục người, bạn bè rút lui, riêng Tiến đứng lại nên bị nhiều người vây đánh vào đầu và vai.
Khi Tiến nhảy xuống sông bỏ trốn, Huỳnh Tuấn Khanh, Thạch Trung Nam và Lâm Minh Triều bơi xuồng, ghe ra đánh tới tấp vào đầu, mặt, vai của nạn nhân. Lặn trốn thêm một lúc, Tiến nhô đầu lên mặt nước để thở liền bị Triều, Nam, Khanh đánh tiếp.
"Tiến lặn ra giữa sông, khi nổi đầu lên đã bị Ngây và Phạm Quốc Chiến dùng khúc tre ném. Sợ Tiến chạy thoát, Ngây qua bên kia sông lấy đất ném tiếp. Huỳnh Quốc Tuấn nhặt dao tự chế mà Khai bỏ rơi, đến nơi Ngây đứng để vây đánh Tiến", cáo trạng nêu.
Thấy nhóm của Ngây đứng hai bên bờ sông, Tiến van xin đối phương để được lên. Vừa bơi vào mé sông, Tiến bị Triều kéo lên. Sau đó, Ngây túm cổ áo Tiến kéo vào sân đình, cùng đồng bọn đánh hội đồng người yếu thế.
"Tiến chảy nhiều máu, nằm xin tha. Nguyễn Văn Thành nhào tới, đá vào chân Tiến 3 cái; Nguyễn Hoàng Lâm đá vai Tiến 1 cái. Ngây tiếp tục nắm cổ áo Tiến kéo đến cột điện trước sân đình, Tiến la lên 'má ơi cứu con'. Thấy nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm, một số người trong nhóm Ngây đã báo chính quyền địa phương", cơ quan công tố kết luận.
Sân đình Phước Hưng, nơi nhóm của Ngây nhậu và xảy ra đánh hội đồng. Ảnh: Việt Tường. |
Giám định tử thi, nhà chức trách phát hiện nạn nhân bị gần 30 vết thương, tràn khí dưới da vùng ngực, bụng. Ngoài tụ máu màng cứng và 2 bán cầu đại não, Tiến bị vỡ xương trán, sập xương gò má, gãy sống mũi, dập não, chảy máu não, sung huyết phổi…
Tăng án với nhiều bị cáo
Theo Trưởng ấp Phú Thành B, Ngây không phải thành phần bất hảo tại địa phương. 9 bị cáo còn lại cũng nghỉ học sớm như Ngây, nhưng chí thú làm ăn, không ai có tiền án, tiền sự. Vì vậy, sau đêm Ngây cùng đồng phạm đánh chết Tiến, cả làng Vũng Thơm đều bất ngờ.
"Cha Ngây là nông dân sản xuất giỏi, gia đình chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước. Ngây với các bạn chơi chung thường giúp tổ an ninh ấp truy bắt nghi can, thu hồi tang vật khi địa phương xảy ra trộm cắp. Đêm đó, Ngây uống nước mà bị người khác đánh, rồi ra sân đình nhậu cũng bị đánh, nên nhóm này bức xúc chứ ngày thường tụi này được lắm", ông Hoàng nói.
Trò chuyện cùng phóng viên, một cụ ông sống gần đình Phước Hưng cho biết, đêm xảy ra án mạng thấy nhóm của nạn nhân cầm dao định chém những người đang nhậu. Ngây với các bạn bỏ chạy, nhưng nhóm Tiến hung hăng, chém và đập phá xe của người khác, gây mất an ninh trật tự.
"Thấy tụi nó cầm dao nên không ai dám chạy ra can ngăn vì sợ vạ lây. Tụi thằng Ngây đánh trả vì nhóm Tiến gây sự trước. Các bị cáo là con nhà nông, quá bức xúc trong lúc có rượu rồi làm liều, gây án mạng", cụ ông chia sẻ.
Sông Vũng Thơm, nơi Tiến lặn trốn và bị đánh vào đầu mỗi khi nổi lên mặt nước. Ảnh: Việt Tường. |
Ba tháng trước, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm. HĐXX nhận thấy, nhóm của Tiến cầm dao gây sự trước, nên hành vi của Ngây với các đồng phạm bị VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố theo Khoản 2, Điều 93 Bộ Luật hình sự (không có tổ chức, không có tính chất côn đồ) là phù hợp. Vì vậy, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Ngây 12 năm tù; Khanh, Chiến, Tùng mỗi người 10 năm tù. Sáu bị cáo còn lại mỗi người lĩnh từ 5 đến 8 năm tù tội Giết người.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, đại diện bị hại kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm tăng án đối với tất cả 10 bị cáo. Tại tòa ngày 22/4, đại diện VKSND tối cao đề nghị tăng án đối với Ngây, Khanh, Tùng và Chiến.
Theo cơ quan công tố, trong vụ án này Ngây có vai trò chính, là người xúi giục, giúp sức cho bạn bè phạm tội. Khanh, Tùng và Chiến có vai trò tích cực, tham gia rất quyết liệt và phạm tội đến cùng, nên tăng án là phù hợp.
"Sáu bị cáo còn lại tham gia đánh bị hại, nhưng thụ động. Những bị cáo này giữ vai trò đồng phạm với Ngây, cấp sơ thẩm tuyên mỗi người từ 5 đến 8 năm tù là có cơ sở", vị đại diện VKSND tối cao nêu quan điểm.
Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm tuyên Ngây 13 năm tù; Tùng, Chiến, Khanh mỗi người bị tăng 1 năm tù (11 năm) và giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với các bị cáo còn lại.