Báo Đầu tư cho hay, hiện có 9 doanh nghiệp thương mại thông báo đã chuyển tiền cho các đối tác nước ngoài trước thời điểm tháng 6/2011 với trị giá gần 20 triệu USD và liên tục kêu cứu tới các cơ quan chức năng trong khoảng 2 năm qua để được nhận xe về bán. Nếu tính trung bình mỗi xe nhập có giá tính thuế là 20.000 USD, lượng xe tồn đọng trong hợp đồng mua có thể lên đến cả ngàn chiếc.
Năm 2012, khi Bộ Công thương “gỡ rào” cho phép các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, chuyển tiền cho đối tác trước khi Thông tư 20 có hiệu lực được nhập xe về bán, thời hạn thực hiện là 3 tháng. Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp và lượng xe nhất định đã chuyển về nước. Phần lớn vẫn kiên trì nộp đơn xin Bộ Công thương tiếp tục thực hiện “tiểu phẫu” để “cứu” nốt số tiền mua xe còn ở nước ngoài. Đơn cử như doanh nghiệp Thiên Lâm vốn chuyên bán xe Lexus cho biết còn tồn hơn 1 triệu USD, Kylin GX tồn hơn 10 triệu USD gồm các xe Honda và Nissan…
Theo các số liệu từ Hiệp hội các nhà lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), từ tháng 6 đến nay, số liệu đo đạc lượng xe tiêu thụ luôn nhích theo từng tháng và đang đứng đỉnh ở tháng 10. Cả xe lắp ráp lẫn xe nhập đều tăng trưởng, trong đó mức tăng trưởng của xe nhập nguyên chiếc cả 10 tháng đã lên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thương hiệu xe sang như Lexus, Infiniti, Rolls-Royce, Mini đã đặt chân vào Việt Nam, chưa kể các nhãn hiệu khác như Bentley, Jaguar, Lamborghini đang ngấp nghé lăn bánh vào năm 2014.
Như vậy, nếu được Bộ Công thương chấp thuận, sẽ có thêm khoảng 1.000 xe nhập, chiếm một phần lượng ôtô nhập hàng tháng, sẵn sàng gia nhập cuộc đua bán xe đang vào guồng quay hối hả tại Việt Nam dịp cuối năm. Điều này sẽ có lợi cho cả người tiêu dùng và ngân sách, nhưng cũng sẽ khiến các doanh nghiệp bán xe nhập chính hãng có lý do để lo lắng.