Ca nhạc trực tiếp truyền hình: Càng nhiều, càng... nhạt!
Chương trình Quà Tặng Trái Tim - HTV |
Không cần phải đến các sân khấu, tụ điểm văn hóa như trước đây, khán giả mê ca nhạc ngày nay có thể ngồi nhà xem “mệt nghỉ” các chương trình (CT) ca nhạc được trực tiếp liên tục trên sóng truyền hình. Lại không chỉ thi thoảng mà hàng đêm khán giả còn “choáng” bởi không biết xem đài nào, bỏ đài nào. Số lượng các CT “bùng nổ” khiến khán giả bắt đầu... bội thực!
Có truyền trực tiếp, việc này mới... xong!
Với lợi thế của sóng truyền hình, các CT ca nhạc luôn thu hút hàng triệu khán giả theo dõi. Do vậy, đây cũng là mảnh đất hấp dẫn nhiều nhà tài trợ bởi cái “lợi” lớn nhất đưa được thương hiệu sản phẩm đến với số đông công chúng.
Giám đốc của một đơn vị là đối tác của một số đài truyền hình lớn cho rằng, tìm được kênh đầu ra truyền hình trực tiếp thì chuyện gì cũng... xong. Nghĩa là, CT sẽ dễ dàng kiếm được tài trợ hấp dẫn. Chính “quyền năng” của truyền hình trực tiếp lớn như vậy nên hiện nay các giờ vàng dành cho trực tiếp ca nhạc gần như đã được ấn định, được các đơn vị đối tác của đài “xí chỗ” hết.
Theo “định dạng” của những người trong nghề, các CT ca nhạc trực tiếp trên sóng truyền hình có hai loại: một là “con ruột” – do các đài tư dàn dựng nghiêm túc và hiện đang được nhiều khán giả yêu thích như: Con đường âm nhạc, Điểm hẹn âm nhạc, Thay lời muốn nói... của HTV.
Loại thứ hai là con “con nuôi” do đài phối hợp cùng một đối tác nào đó thực hiện. Đây là những CT trên danh nghĩa do đài thực hiện, nhưng thực tế, mọi khâu đều do đối tác chủ động. Các đài chỉ kiểm duyệt và chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật...
Vì nhiều lý do nên số lượng các CT do phía các đài chủ động không nhiều, mà phần lớn dựa vào nguồn phối hợp từ những đơn vị tổ chức sự kiện. Vừa đáp ứng nhu cầu, vừa có CT để phát, đồng thời có thêm nguồn thu, nên đây là con đường... các nhà đài ưu tiên lựa chọn. Nhiều CT thi thố ca nhạc diễn ra trên các đài được truyền hình trực tiếp hàng tháng trời như Việt Nam Idol, Ngôi sao tiếng hát truyền hình... cũng là sản phẩm của sự hợp tác.
Việc “trực tiếp hóa” các CT ca nhạc truyền hình ngoài ý nghĩa tạo cơ hội cho các khán giả vùng sâu vùng xa được thưởng thức, còn là cầu nối cho nhiều ca sĩ trẻ được tiếp cận với công chúng. Một số CT có đầu tư, tạo được tình cảm với khán giả như Sao Mai điểm hẹn, Sao Mai, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Bài Hát Việt, Album Vàng... đã góp phần cải thiện bộ mặt của ca nhạc truyền hình trong mắt người xem.
Chất lượng chưa đồng hành
Sự có mặt của nhiều CT mua bản quyền từ nước ngoài, với sự tham gia của nhiều nhà tài trợ, nhất là các cuộc thi ca nhạc được trực tiếp trên sóng đang ngày càng phong phú. Nhưng cũng chính từ sự phụ thuộc cứng nhắc cộng với sự cạnh tranh của các nhà đài, đã tạo ra cách làm na ná nhau khiến người xem mất dần hứng thú. Đài này trong CT có phân chia thể loại, có giám khảo, hội đồng nghệ thuật nhận xét, chuyên gia hỗ trợ... thì đài khác cũng chừng ấy cách thể hiện.
Khổ nhất vẫn là chuyện tin nhắn bầu chọn. Tin nhắn từ khán giả đang trở thành một thứ “mốt” nhân danh sự yêu thích của khán giả, nhưng thực chất lại nhuốm màu thương mại hóa, xô bồ, thậm chí làm lệch lạc kết quả của các cuộc thi.
Mệt nhất là khán giả phải xem một số CT chỉ phục vụ cho nhu cầu quảng bá của một vài doanh nghiệp nào đó, nhân vô số lý do kỉ niệm... Chịu chi phí dàn dựng, tốn thêm khoảng vài chục triệu đồng với “nhà đài”, tùy theo quy mô thời lượng, những sô PR hoành tráng của những doanh nghiệp lớn luôn có chỗ trong những CT truyền hình trực tiếp, dưới danh nghĩa một sản phẩm âm nhạc...
Ông Nguyễn Quý Hòa – Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM nhận xét, so với các CT do Đài chịu trách nhiệm thực hiện, rất chặt về cấu trúc, nội dung, chủ đề... thì các CT từ thiện thường do các đơn vị, trung tâm văn hóa tổ chức nên... rất khó kiểm soát. Một số CT, khán giả dễ dàng nhận thấy thiếu dấu ấn của biên tập viên qua những tiết mục dàn dựng, sự lựa chọn ca sĩ tréo ngoe, không phục vụ cho chủ đề.
Hát có trực tiếp truyền hình cũng là mảnh đất màu mỡ thể hiện tài năng... nhép của ca sĩ .Với lý do bảo đảm âm thanh, đường tiếng... nhà tổ chức đã ủng hộ cách hát... lừa dối khán giả này. Thông tin từ giới ca sĩ cho biết, tỷ lệ hát nhép trong một CT trực tiếp hiện chiếm đến 80% - 90%. Một nam ca sĩ trẻ là dân ngoại tỉnh, có dịp được hát truyền hình trực tiếp, đã “mừng mừng tủi tủi” khi thấy mình bị đề nghị hát thật, còn các đồng nghiệp thì cứ nhép thoải mái...
So với những CT ca nhạc được thu và dàn dựng nghèo nàn trước đây thì những CT ca nhạc được truyền hình trực tiếp đã đáp ứng được nhu cầu người xem, nhưng không thể vì sự miễn phí mà khán giả phải chấp nhận tất cả những gì “nhà đài” mang lại. Không chỉ giải trí đơn thuần, khán giả luôn cần một định hướng thẩm mỹ đúng đắn từ những người tổ chức chuyên nghiệp.
Cẩm Lệ
(Theo Phụ Nữ)