Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca nhiễm virus Zika đầu tiên ở Long An

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, xác nhận ca nhiễm Zika thứ 9 trên cả nước là một bé gái ở huyện Bến Lức, Long An.

Quy trình xét nghiệm được hoàn tất vào ngày 19/10, kết quả khẳng định có sự tồn tại của virus Zika trong mẫu bệnh phẩm lấy từ người của bé gái 4 tuổi.

Trước đó, Viện Pasteur đã có buổi họp khẩn với Bộ Y tế và các sở ban ngành liên quan để bàn về công tác phòng chống dịch bệnh, sau khi phát hiện ca nhiễm Zika thứ 5 trên địa bàn thành phố.

Phat hien ca nhiem zika thu 9 tren ca nuoc anh 1
Nhân viên y tế phun thuốc tại khu vực có người nhiễm virus Zika. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo báo cáo của viện Pasteur, vùng có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao thì bệnh Zika cũng dễ dàng xuất hiện. Môi trường khí hậu tại Việt Nam cũng đặc biệt thích hợp cho muỗi vằn (Aedes) sinh sôi. Do vậy, PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng phải kiểm soát được các khu vực nhiều lăng quăng (bọ gậy) và muỗi. Khảo sát cho thấy khu vực có nguy cơ cao gồm Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn và các quận như Tân Phú, quận 8, Tân Bình.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tình hình sốt xuất huyết, Zika tăng cao trong năm nay đã được dự báo từ trước. Ở nhiều khu vực, dịch bệnh đã bắt đầu có diễn biến phức tạp.

Tại Đắc Lắk, 3 trường hợp trẻ mắc chứng bệnh đầu nhỏ nghi do virus Zika được phát hiện. Trong khi đó, số liệu từ Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm, tỷ lệ người mắc bệnh sốt xuất huyết đã lên đến hơn 14.000 trường hợp (3 ca tử vong), tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Trong vòng vài tháng gần đây, ngành y tế đã liên tục cũng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống như tìm diệt lăng quăng, muỗi tại nơi sinh sống và nơi làm việc.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần tránh không bị muỗi đốt để phòng bệnh và dị tật do virus Zika gây ra.

Minh Tiến

Bạn có thể quan tâm