"Một buổi tối ở xóm cà phê đường tàu Hà Nội, nhâm nhi ly cà phê trứng... Tôi yêu những con tàu và nói thật, tôi khá sợ khi một chiếc tàu lướt nhanh qua mình.
Sau đó, tôi cùng bà chủ quán đã có một cuộc trò chuyện thú vị. Bà ấy đơn giản chỉ nhún vai thôi. Cảnh này diễn ra thường như cơm bữa. Những đoàn tàu tưởng chừng ồn ào ấy hóa ra lại chẳng ầm ĩ chút nào. Chẳng biết tôi có muốn gọi thêm một ly cà phê trứng nữa không?".
Dòng trạng thái về xóm đường tàu Hà Nội được mạng xã hội của NatGeo Travel chia sẻ vừa qua đã nhận về gần 450.000 lượt thích và rất nhiều bình luận từ người dùng trên thế giới.
Xóm đường tàu Hà Nội được "lên sóng" trong bài viết của National Geographic Traveler. |
Tài khoản có tên katestannard ngay lập tức đánh tiếng với các chiến hữu: "Này, bọn mình có thể ghé qua chỗ này trong dịp tới Việt Nam không nhỉ?".
Ngay phía dưới cũng có khá nhiều bình luận tương tự. Mia Svenblad, một cô gái đến từ Đan Mạch đã tag ngay tên anh bạn của mình ở Việt Nam vào bài viết cùng lời nhắn: "Ôi, lạy Chúa. Cậu phải cho tôi tới đây đấy".
Xóm cà phê đường tàu từng bị nhắc đến như một địa điểm cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, theo thời gian, nơi này càng ngày càng đông khách hơn, đặc biệt là những vị khách nước ngoài đến để trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của Việt Nam chỉ có ở thủ đô Hà Nội.
Xóm đường tàu vẫn thu hút khách đến chơi dù bị đánh giá là nguy hiểm. Ảnh: Giang Trịnh. |
Thực tế, các cửa hàng bày cả bàn lên đường ray nhưng trước khi tàu đến khoảng 15-20 phút, chủ hàng sẽ chủ động ra dọn bàn và nhắc nhở khách đứng gọn vào trong. Thời khắc đoàn tàu chạy qua, ranh giới giữa con người và đoàn tàu chỉ khoảng 40 cm, cảm tưởng như với tay ra đã có thể chạm vào rồi.
Tuy nhiên, do không phải lúc nào tàu cũng xuất hiện nên nếu muốn tận hưởng trải nghiệm độc đáo này, du khách cần tham khảo bảng giờ tàu chạy (thường được các chủ cửa hàng treo ngay bên ngoài tiệm).
Xóm cà phê tàu là một địa chỉ "tổng hợp" của khu dân cư sống xung quanh hành lang đường sắt từ Khâm Thiên tới ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt và từ Điện Biên Phủ qua Trần Phú, dọc theo phố Phùng Hưng lên tới cầu Long Biên.