Tại tọa đàm Live Your Dream trong khuôn khổ vòng chung kết Hội thi Olympic tiếng Anh lần thứ hai, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/10 ở Hà Nội, ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ đoạn hội thoại giữa người điều khiển xích lô với khách nước ngoài gần chợ Bến Thành, TP.HCM, đã tác động mạnh đến anh.
Nhiều năm trôi qua, anh vẫn nhớ từng câu vì nó thực sự rất đơn giản: Sir, one you one dollar, two you two dollar. I discount, two you one dollar. You OK you go, you no ok, fine.
“Giây phút đó, tôi giật mình. Tại sao anh này có thể nói trơn tru, dễ hiểu, phong thái đĩnh đạc, tự tin đến thế mà chưa bao giờ mình nói chuyện như vậy”, nam ca sĩ nhớ lại.
Không chỉ học tiếng Anh trong sách vở
Hà Anh Tuấn chia sẻ ngày trước, học tiếng Anh là lý thuyết. Cũng như nhiều học sinh khác, anh coi đây là môn cần đối phó, cố học nhiều từ vựng khó để người khác ngưỡng mộ. Sau lần gặp gỡ tình cờ trên, anh thay đổi cách tiếp cận tiếng Anh, xác định rõ mình muốn và cần gì.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn tâm sự anh từng sai lầm khi học tiếng Anh, tiếng Đức. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Anh nói thêm thời đó, bố mẹ không không ép con học thêm bất cứ môn gì, trừ tiếng Anh. Nhờ đó, Hà Anh Tuấn có đủ chứng chỉ A, B, C, IELST, TOEFL. Tuy nhiên, cuối cùng, anh chọn du học Đức và sang đó mới học tiếng từ đầu. Sau 6 tháng, anh có thể nói thông thạo tiếng Đức như người bản ngữ và gần như quên hết tiếng Anh. Nam ca sĩ rất tiếc nuối, thậm chí căng thẳng, vì bao công sức học từ bé mất hết.
Sau khi về nước, anh lấy lại cân bằng dù lâu lâu vẫn nhầm, nói tiếng Anh bằng giọng Đức. Quá trình học hai ngoại ngữ giúp anh nghiệm thấy học ngôn ngữ không chỉ qua từ điển, sách vở. Hà Anh Tuấn nói anh từng phạm sai lầm này.
“Thời gian đầu, tôi cũng mở từ điển ra học, đặc biệt với tiếng Đức. Đến một ngày, khi đầu không thể chứa được nữa, tôi mới hốt hoảng, mình đang làm gì vậy”, anh nhớ lại.
Sau đó, anh cất sách vở, dành mấy tháng để đi chơi, ra đường, nghe người Đức nói chuyện, đến nhà hàng, nhìn cách họ viết trong thực đơn. Anh hiểu ra ngôn ngữ không chỉ là câu chữ, mà còn là văn hóa.
Theo Hà Anh Tuấn, học đọc và nói chuẩn là yêu cầu đối với “các bậc thượng thừa”. Với số đông, anh khuyên người học đừng sợ nói. Nhược điểm lớn nhất của người học ngoại ngữ là sự tự ti. Chàng ca sĩ này khuyến khích người trẻ nghĩ gì nói nấy, sai sẽ có người nhẹ nhàng sửa giúp.
Anh dẫn ví dụ về clip những cụ già 80, 90 tuổi bán hàng rong. Họ nói tiếng Anh “bồi” nhưng toát lên sức hấp dẫn của người ham học hỏi để mưu sinh. Nam ca sĩ hy vọng người học ngoại ngữ đừng sợ nói, mở lòng để học từ những người xung quanh. Đó cũng là cách anh đã học tiếng Anh và tiếng Đức.
Kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp từ tiếng Anh
Cách học của Hà Anh Tuấn cũng là phương pháp được nhiều chuyên gia ủng hộ khi chia sẻ tại buổi tọa đàm. Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Phó chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Vụ trưởng Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban đối ngoại Trung ương Đảng - cho biết một trong những tục ngữ tiếng Anh ông học được đầu tiên là “Practice makes perfect”, tạm dịch có công mài sắt, có ngày nên kim.
Ông Bùi Thế Giang nói ông gây dựng sự nghiệp từ tiếng Anh. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Ông hâm mộ nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Dù ngữ pháp không tốt, ông Nguyễn Cơ Thạch có khả năng diễn đạt, nói chuyện với đối tác rất có tính thuyết phục.Vì thế, cựu đại sứ khuyên các bạn trẻ đừng cầu toàn khi học tiếng Anh. Thay vào đó, người học cần có sự liều lĩnh, chấp nhận rủi ro.
Cùng quan điểm, bà Hà Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT AMES, đơn vị đồng hành của hội thi, cho rằng ngôn ngữ là công cụ, càng sử dụng nhiều, kỹ năng càng tốt. Bà khuyên người học không coi tiếng Anh là thứ "phải cắm đầu vào học", mà nên sử dụng nó như công cụ hữu hiệu nhất để đạt thành công.
“Tiếng Anh không phải đích đến”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trên thực tế, ngoại ngữ mang lại thành công cho không ít người. Ông Nguyễn Mạnh Hào, Tổng giám đốc AMES, kể trước khi vào đại học, ông không biết tiếng Anh. Nhưng từ năm thứ hai đến năm thứ 4 (1992-1995), ngôn ngữ này mang lại cho ông học phí, tiền sinh hoạt cho 3 năm học.
Thời đó, học bổng 36.000 đồng đủ cho sinh viên chi tiêu một tháng. Bằng công việc hướng dẫn viên du lịch, ông đã kiếm 2 USD/ngày, khoảng 20.000 đồng theo tỷ giá đương thời. Đây là động lực lớn để ông nói tiếng Anh.
Ra trường, ông làm phiên dịch hội nghị. Năm 1996, ông được trả 100 USD cho một ngày phiên dịch. Sau một tháng làm việc 5 ngày/tuần, ông kiếm 2.600 USD và thực hiện ước mơ mua xe máy.
“Thời sinh viên, tiếng Anh là học phí, sinh hoạt phí, tiền mời bạn đi uống bia. Ra trường, tiếng Anh là xe máy. Bây giờ, nó là sự nghiệp, cuộc đời của tôi”, ông Hào tâm sự.
Tiếng Anh mang lại thành công cho ông Nguyễn Mạnh Hào. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Tiếp nối câu chuyện, ông Bùi Thế Giang khẳng định với ông, “tiếng Anh là cả cái nhà”. Ông từng làm phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cao cấp. Ở tuổi U70, ông vẫn dịch cabin.
Đại sứ nói số tiền lớn ông nhận được gần đây nhất cho 5 ngày phiên dịch tại Hội nghị cấp cao G7 ở Canada, do chính phủ nước này mời hồi tháng 6. Ông nhấn mạnh việc coi tiếng Anh là phương tiện rất đúng nhưng phải sắc mới hữu hiệu. Nếu cùn, nó không có nhiều tác dụng.
Trong khi đó, dù tự nhận kém tiếng Anh, chỉ dừng lại ở mức giao tiếp, ông Nhan Thế Luân, người sáng lập NCT Corporation, cho biết ngoại ngữ hỗ trợ ông rất nhiều trong thu hút vốn đầu tư.
Cuối năm 2012, công ty của ông đàm phán với nhà đầu tư từ Hong Kong, Trung Quốc, cần đến phiên dịch viên. Sau đó, người phiên dịch ra về, ông cùng đối tác ăn tối, trò chuyện bằng tiếng Anh. Bằng vốn ngoại ngữ không quá chuyên nghiệp, ông Luân phân tích thị trường, hướng phát triển của công ty.
Ông bảo buổi trao đổi đó góp phần giúp ông kéo về 2 triệu USD. Vì thế, từ một người ngại nói tiếng Anh, những năm gần đây, ông thường xuyên sử dụng nó để tự trình bày.