Những năm gần đây, nhạc xưa, Bolero được nhận xét là bùng nổ và phát triển trở lại. Các live show nhạc trữ tình - quê hương liên tiếp được tổ chức. Nhiều album, sản phẩm âm nhạc Bolero ra đời. Các game show, cuộc thi hát Bolero cũng phủ sóng truyền hình.
Về góc độ ca sĩ, không ít gương mặt mới xuất hiện, trong đó có cả những ca sĩ vốn hát nhạc nhẹ nay chuyển sang Bolero. Nhưng bất ngờ hơn, là nhạc Bolero còn được cả ca sĩ học thuật chuyên trị nhạc đỏ, thính phòng quan tâm. Không chỉ dừng ở việc cover hay đăng tải clip hát chơi, nhiều ca sĩ thính phòng còn ra hẳn album, MV nhạc xưa, Bolero.
NSƯT Khánh Hòa, giọng ca chuyên trị ca khúc về người lính, biển đảo cũng vừa ra album nhạc Bolero. Ảnh: NVCC. |
Dấn thân vào mảnh đất đang màu mỡ
Trung tuần tháng 1, NSƯT Khánh Hòa - một trong những giọng ca thính phòng, vốn "đóng đinh" với nhiều ca khúc về chủ đề người lính, biển đảo, biên cương bất ngờ ra mắt album vol5 nhạc bolero Trả lại thời gian.
Album bao gồm 9 ca khúc Bolero nổi tiếng, đã được nhiều người biết đến như Chuyện hợp tan, Sương lạnh chiều đông, Đừng nói xa nhau, Biển tình, Xin trả lại thời gian, Nếu đời không có anh, Kiếp nghèo, Hoa nở về đêm, Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa…
Ngoài album, NSƯT Khánh Hòa còn đầu tư thực hiện MV nhạc Bolero, thể hiện quyết tâm dấn thân vào dòng nhạc vốn không phải là sở trường của chị. Nếu ai từng nghe Khánh Hoà Gần lắm Trường Sa (album ra mắt năm 2012), và Tình biên cương (2016), không khó để nhận thấy với Trả lại thời gian, NSƯT có một cách hát khác hẳn.
Hoàng Tùng - quán quân Sao mai 2003 phong cách thính phòng gây bất ngờ khi quyết định hát nhạc xưa. Ảnh: Hòa Nguyễn. |
Một bất ngờ khác, cũng trong tháng 1 là Hoàng Tùng - giải Nhất phong cách thính phòng Sao mai 2003 quyết định ra mắt album nhạc xưa, lấy tựa đề Khúc xưa. Album gồm 10 bản tình ca nổi tiếng của các nhạc sĩ như Từ Công Phụng, Trường Sa, Phạm Duy, Vũ Thành An.
Album của Hoàng Tùng do nhạc sĩ Duy Cường (con trai của nhạc sĩ Phạm Duy) đảm nhận phần phối khí và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trong vai trò producer.
Từng là quán quân một cuộc thi nặng tính chuyên môn như Sao mai, Hoàng Tùng được đánh gía là giọng ca có kỹ thuật điêu luyện, nhưng khi chuyển sang hát nhạc xưa, cũng không khó để nhận ra anh đã thay đổi, với một cách hát hoàn toàn khác.
Lối hát học thuật của thính phòng đã chuyển thành chất bảng lảng xưa cũ, của những hoài niệm với Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng), Rồi mai tôi đưa em (Trường Sa), Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương) hay Em đến thăm anh đêm 30 (nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn).
Sở dĩ, NSƯT Khánh Hòa và Hoàng Tùng gây bất ngờ vì hai ca sĩ nhạc thính phòng này đã không chỉ dừng lại ở việc "hát chơi" như Trọng Tấn, Anh Thơ mà còn ra hẳn album Bolero, đầu tư hòa âm, phối khí mới cho các ca khúc.
Ngoài Khánh Hòa, Hoàng Tùng, cách đây không lâu, Lan Anh - một trong những giọng ca opera nữ số 1 Việt Nam hiện nay cũng gây chú ý khi đăng tải clip hát ca khúc Duyên phận. Và theo chia sẻ của một người trong nghề, Lan Anh cũng đang có ý định thực hiện một album Bolero.
Anh Thơ từng song ca ca khúc Boleo với Chế Linh. |
Đam mê thực sự hay chạy theo trào lưu?
Việc các ca sĩ thính phòng hát nhạc Bolero, nhạc xưa khiến dư luận đặt thắc mắc: "Phải chăng sự thay đổi này xuất phát từ việc nhạc xưa, Bolero đang bùng nổ và dễ chạy show?". Trao đổi với Zing.vn, Hoàng Tùng - giải Nhất Sao mai 2003 phủ nhận điều này.
Nam ca sĩ cho biết việc nghệ sĩ vốn định danh với dòng nhạc này nhưng lại hát thêm dòng nhạc khác, thực chất đó là sự khám phá. Theo Hoàng Tùng, nếu ví âm nhạc như võ thuật, thì học ngón võ này xong, võ sĩ có thể học thêm ngón võ khác.
"Như học võ, biết càng nhiều càng tốt. Tôi cũng muốn khẳng định mình là một nghệ sĩ đa phong cách âm nhạc, nhờ vậy, đối tượng công chúng của mình cũng đa dạng hơn", quán quân Sao mai 2003 nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hoàng Tùng cũng chia sẻ rằng anh hát nhạc xưa không phải để đắt show hơn trong bối cảnh nhạc này đang thịnh. Nam ca sĩ khẳng định bản thân có sự đầu tư chỉn chu và theo đuổi thực sự.
"Tôi không chỉ hát những ca khúc đã phổ biến mà còn là người đầu tiên xin cấp phép phổ biến nhạc phẩm Kỳ diệu (nhạc Anh Bằng, lời Nguyên Sa) tại Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, các ca sĩ sau này có thể tự tin hát nhạc phẩm này mà không phải đóng phí xin cấp phép", giọng ca thính phòng nói thêm.
Về phía NSƯT Khánh Hòa, nữ ca sĩ cho biết việc công chúng nghĩ ca sĩ học thuật đang chạy theo Bolero là hoàn toàn dễ hiểu. Nữ ca sĩ thừa nhận việc Bolero, nhạc xưa đang thịnh cũng là một sự thôi thúc để những người có đam mê hoặc có năng khiếu với dòng nhạc này có thể theo đuổi.
Theo NSƯT, thuở mới đi hát, chị từng song ca với Quang Linh và được khen ngợi, nhưng sau đó Khánh Hòa theo đuổi giấc mơ âm nhạc thính phòng của mình trên cơ sở được đào tạo bài bản về âm nhạc. Sau nhiều năm, nữ ca sĩ mới quyết định quay lại với Bolero.
"Ban đầu tôi cũng lo lắng là mình hát nhạc bolero sẽ bị khán giả ruột là các chiến sĩ không vui. Nhưng sau thử nghiệm thăm dò thì các chiến sĩ đã rất ủng hộ. Nhiều chương trình đi hát cho các chiến sĩ, ngoài các ca khúc về người lính, tôi còn được yêu cầu hát nhạc bolero. Đièu này giúp tôi tự tin với quyết định của mình", nữ ca sĩ cho hay.
NSƯT Khánh Hòa quan niệm dù Bolero đang "thịnh" nhưng quan trọng vẫn là có hợp hay không. Nữ ca sĩ thấy mình hợp với Bolero nên mới hát, còn nhạc nào chị thấy không hợp sẽ cương quyết không hát.
“Trong thời trang, nếu chọn một trang phục đẹp nhưng không vừa, không hợp với mình thì dù là hàng hiệu đắt tiền đến mấy, đẹp đến mấy cũng là không đẹp. Tôi hát Bolero là chọn cho mình chiếc áo vừa vặn với bản thân mình, chứ không dám liều làm cái gì ngoài khả năng của mình. Thú thât, tôi cũng hát một cách vô tư thôi, còn được ủng hộ đến đâu mừng đến đó", NSƯT nói thêm.