Ca sĩ Pha Lê sau khi tháo sụn nâng mũi. Ảnh: NVCC. |
"Làm mũi 12 năm giờ mới viêm, uống kháng sinh loại nặng rồi không đỡ. Mỗi ngày trôi qua, tôi trong lo lắng, bồn chồn... Đi khám, bác sĩ nói phải giảm viêm rồi mới can thiệp được. Vấn đề là nó không giảm, ngày càng lan rộng và sưng to kèm đau nhức mũi, xoang"
Ca sĩ Pha Lê đăng tải bài thông báo về chiếc mũi có dấu hiệu bất thường sau khi "dao kéo" trên trang cá nhân.
"Đau tới não" khi tháo sụn
Xác nhận với Tri Thức - Znews, đại diện của nữ ca sĩ cho biết 12 năm trước, cô đã can thiệp thẩm mỹ tại vùng mũi. Cách đây 5 ngày, cô thấy hơi đau vùng đầu mũi, khi sờ vào, cảm giác đau tăng lên.
"Ban đầu, tôi chỉ nghĩ mình bị mọc mụn nhưng thấy đau nhiều hơn nên dần lo sợ. Sau đó, tôi đi khám ngay, bác sĩ chẩn đoán mũi bị viêm, chỉ cần uống thuốc. Tuy nhiên, vùng viêm này không hết dù tôi đã dùng kháng sinh nặng. Cuối cùng, bác sĩ chỉ định cho tôi phải tháo sụn nâng mũi", ca sĩ Pha Lê nói trong một video trên trang cá nhân.
Nữ ca sĩ sinh năm 1987 cho hay bản thân là người rất cẩn thận nên đã đi khám tại nhiều bác sĩ khác nhau. Các bác sĩ đều khuyên cô nên tháo sụn mũi để giải quyết vấn đề viêm nhiễm.
Mới đây, cô cũng tiếp tục chia sẻ hình ảnh mình đã tháo sụn nâng mũi. Vì phải chăm con nên cô không gây mê, chỉ gây tê. Kể chi tiết về quá trình điều trị, nữ ca sĩ cho biết cảm giác khi tháo sụn “đau tới não” và phải nằm nghỉ lại rồi mới lái xe về nhà.
Hiện tại, cô không còn đau như lúc vừa phẫu thuật, thậm chí không dùng thuốc giảm đau. Dù gặp biến chứng, nữ ca sĩ vẫn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
"Tôi không buồn vì mũi của mình bị như vậy. Tôi cũng không trách bác sĩ trước đây từng phẫu thuật cho mình, khi cơ thể không được khỏe, mũi đến 'hạn sử dụng' thì chúng đào thải ra thôi. Sau 3 tháng nữa, khi mũi lành hẳn, tôi sẽ nâng mũi lại", Pha Lê nói.
Ca sĩ Pha Lê được chẩn đoán áp xe mũi, biến chứng vùng mũi sau 12 năm "dao kéo". Ảnh: FBNV. |
Khi nào phải tháo sụn nâng mũi?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội, hai nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tháo sụn mũi là biến chứng cấp tính và biến chứng thẩm mỹ.
Biến chứng cấp tính diễn ra khi các bộ phận phẫu thuật bị viêm nhiễm. Tình trạng nhiễm trùng khoang đặt chất liệu / vật liệu xảy ra nếu quá trình thực hiện không đảm bảo vô trùng.
Biến chứng thẩm mỹ đa dạng hơn, bao gồm 3 vấn đề chính.
- Lộ chất liệu (do lựa chọn kích thước chất liệu sai).
- Lệch khoang (mũi tụt thấp, lệch vẹo, ngực bị thông khoang).
- Co rút bao xơ.
Quá trình phẫu thuật tháo bỏ chất liệu và xử lý tổn thương tương đối phức tạp. Hơn nữa, mức độ tổn thương của các ca bệnh khác nhau. Đối với một số trường hợp nhiễm trùng nặng, việc phục hồi khá khó khăn.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc, tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho hay nâng mũi là hình thức phẫu thuật thẩm mỹ có tỷ lệ hỏng và sửa lại nhiều nhất.
Theo bác sĩ Ngọc, khi mũi có các biểu hiện sưng đỏ lâu ngày, hoại tử... bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại. Đây có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng phải tháo sụn.
Khi phát hiện viêm nhiễm, bệnh nhân nên gặp bác sĩ uy tín, đến bệnh viện thăm khám, thực hiện phẫu thuật loại bỏ vật liệu càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nặng nề, nguy hiểm hơn.
Ngoài ra, nếu quá trình xử lý diễn ra muộn, việc thực hiện càng trở nên khó khăn, phức tạp, dẫn đến chi phí và mức độ rủi ro tăng cao.
Trong một số trường hợp, sau khi tháo bỏ sụn mũi, túi ngực, các bộ phận không thể trở về trạng thái tự nhiên. Để giải quyết vấn đề này, người bệnh cần lên kế hoạch chỉnh sửa tiếp theo nếu muốn đảm bảo tính thẩm mỹ.
Các chuyên gia khuyến cáo trước khi quyết định can thiệp dao kéo, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, bệnh viện uy tín để thực hiện.
Phẫu thuật thẩm mỹ là để cải thiện cơ thể, nên tránh suy nghĩ tìm chúng để có vẻ đẹp hoàn hảo, vì đó là điều là không thể. Vì vậy, khách hàng cần đặt yếu tố an toàn và hài hòa lên hàng đầu.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.