Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca sĩ Việt ở Mỹ hoạt động âm nhạc ngày càng khó khăn

"Ca sĩ hải ngoại hoạt động ngày càng khó khăn vì khán giả trẻ gốc Việt chỉ nghe nhạc Âu - Mỹ và không còn mặn mà với nhạc Việt", ca sĩ Hồng Thúy chia sẻ.

Hồng Thúy là một trong bốn thành viên của nhóm Tik Tik Tak đình đám một thời. Hiện nay, nữ ca sĩ định cư cùng chồng ở Mỹ. Sau khi sinh cậu con trai thứ hai, chị bắt đầu biểu diễn cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại trên các sân khấu là sòng bài, vũ trường, club...

Hồng Thúy hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Vũ Thành An - những tên tuổi được yêu thích ở thị trường hải ngoại. Nhưng chị không lấy nghệ danh Hồng Thúy như trước mà kiên quyết đổi tên thành Huệ Quyên vì quan niệm "Hồng Thúy chỉ thuộc về Tik Tik Tak mà thôi".

Nhân dịp về Việt Nam để thăm gia đình và tham gia một vài hoạt động biểu diễn, ca sĩ Hồng Thúy đã thẳng thắn chia sẻ với Zing.vn về thị trường âm nhạc hải ngoại và việc ca sĩ Việt phải "thỏa hiệp" vì đam mê ca hát và nhu cầu thị trường.

ca si Viet o hai ngoai anh 1
Ca sĩ Hồng Thúy - thành viên của nhóm Tik Tik Tak đình đám một thời. Ảnh: NVCC.

'Không được hát thứ mình thích là một thực tế'

Tôi may mắn được tiếp xúc với cả hai môi trường âm nhạc là Việt Nam và hải ngoại nên khá hiểu về thực tế thị trường ở hai nơi. Cuộc sống, văn hóa mỗi nơi một khác, do vậy, ca sĩ cũng phải có sự thay đổi phù hợp để đáp ứng mong muốn của khán giả.

Ở hải ngoại, việc ca sĩ hát theo yêu cầu khán giả, hát không đúng với dòng nhạc mà mình theo đuổi ở Việt Nam là một thực tế không thể chối cãi. Ở trong nước, ca sĩ có thể theo đuổi dòng nhạc của mình vì dù sao vẫn có một bộ phận công chúng yêu thích.

Nhưng ở bên Mỹ thì khác, cộng đồng người Việt rất nhỏ và chỉ có một bộ phận công chúng nghe nhạc Việt nên ca sĩ không có nhiều lựa chọn như ở Việt Nam. Nghệ sĩ khó có điều kiện để vùng vẫy, để làm những cái mới mẻ, sáng tạo, những cái của riêng mình.

Trong nước, bạn "quái", bạn "điên", bạn vẫn sẽ có những người yêu thích thực sự. Họ vẫn chấp nhận bạn, nghe nhạc của bạn và bạn có thể hát những ca khúc của riêng mình. Nhưng ở hải ngoại, khi khán giả có sự giới hạn thì thị trường tất nhiên sẽ hạn chế hơn.

Cá nhân tôi, trước đây ở Việt Nam thường hát những bài của nhóm Tik Tik Tak nhưng khi sang Mỹ, tôi cũng hát những ca khúc tân nhạc, nhạc xưa của những tên tuổi lớn. Nếu có gì mới mẻ đó là gần đây, tôi và hai người bạn đã thành lập một nhóm nhạc hoạt động trên mạng xã hội, chơi trực tiếp (livestream) vào tối thứ tư hàng tuần.

ca si Viet o hai ngoai anh 2
Ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn ngày càng nhiều. Ảnh: Việt Hùng.

'Khán giả trẻ gốc Việt không còn nghe nhạc Việt'

Ngoài việc làm cái gì, hát cái gì cũng phải chọn lựa và hát theo nhu cầu của khán giả, không được làm thứ quá mới, quá sáng tạo; ca sĩ ở thị trường hải ngoại còn hoạt động ngày càng khó khăn vì khán giả trẻ không còn nghe nhạc Việt.

Đối tượng nghe nhạc Việt chủ yếu ở Mỹ hiện nay là lứa tuổi trung niên trở lên. Đa phần người ta nghe nhạc để hoài niệm. Một đối tượng khác là những người mới nhập cư từ Việt Nam qua Mỹ, còn khán giả trẻ gần như không còn nghe nhạc Việt.

Những bạn trẻ tuổi ngoài hai mươi thường là sang Mỹ từ nhỏ hoặc sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên đã có sự hội nhập về văn hóa. Các bạn đó đến trường học, chơi với bạn bè người Mỹ nên bây giờ chỉ nghe nhạc Âu - Mỹ. Có một số cũng nghe nhạc Việt, nhưng rất ít, nếu có nghe cũng không coi đó là một sự đam mê.

Công chúng ngày càng thu hẹp cũng là một trong những lý do khiến các ca sĩ ở hải ngoại về Việt Nam biểu diễn ngày một nhiều. Ngược lại, nhiều ca sĩ ở trong nước lại sang Mỹ để hát theo hình thức lưu diễn vì "bụt chùa nhà không thiêng". 

Ca sĩ hải ngoại thường chỉ có cơ hội đi hát vào cuối tuần nên phải những người thực sự nổi tiếng mới có một cuộc sống tốt từ ca hát. Còn những ca sĩ tầm trung thường phải làm thêm những công việc khác trong tuần.

Một thực tế là ở Mỹ, nhiều ca sĩ Việt đi hát chỉ để nuôi dưỡng đam mê vì số lượng show và cát-xê không đủ để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống. 

Cách đây không lâu, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng bình luận với Zing.vn về việc khán giả trẻ ở hải ngoại không còn nghe nhạc Việt:

"Khán giả nghe nhạc Việt Nam ở hải ngoại ngày càng cao tuổi và ít đi, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hầu như không quan tâm tới âm nhạc Việt như thế hệ cha ông. Thế nên, câu chuyện ca sĩ phải thỏa hiệp là có. Việc các nghệ sĩ đang định cư ở nước ngoài hát những ca khúc nằm trong nhu cầu nghe của bộ phận khán giả là điều bình thường".

Hà Trần hát nhạc Hari Won: Thỏa hiệp hay nhạc thị trường đã tốt hơn?

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, việc Hà Trần hát "Anh cứ đi đi" phản ánh sự chuyển biến về chất lượng của nhạc thị trường, nhưng cũng đặt ra câu chuyện về sự thỏa hiệp ở hải ngoại.

Ca sĩ Hồng Thúy

Bạn có thể quan tâm