Mới đây, trên Facebook của ca sĩ Quách Tuấn Du đã chia sẻ thông tin về em kết nghĩa của anh - ca sĩ Mai Tường Vy (nghệ danh Ivy Trần, 38 tuổi) - đang được cấp cứu tại một bệnh viện thẩm mỹ vì vỡ túi ngực trên máy bay.
Nam ca sĩ cho biết sự việc trên xảy ra vào ngày 22/10, sau khi Tường Vy kết thúc chuyến lưu diễn và đang trên chuyến máy bay từ Đài Loan về Việt Nam. Lúc này, nữ ca sĩ cảm thấy ngực trái có những âm thanh lạ giống như vỡ ra và sưng to. Cho rằng hiện tượng trên có thể do áp suất trong máy bay, nên khi về nhà, Tường Vy vẫn đi ngủ.
Sau vài ngày, vòng một của cô ngày càng sưng lớn, ca sĩ Quách Tuấn Du hối thúc nữ ca sĩ đến bệnh viện chữa trị nhưng cô chỉ ở nhà tự dùng thuốc giảm đau. Đến khi không thể chịu được đau đớn, nữ ca sĩ buộc nghe lời anh đến bệnh viện cấp cứu.
Mai Tường Vy bị vỡ túi ngực sau 7 năm "dao kéo". Ảnh: BSCC |
Chiều 30/10, chia sẻ với Zing.vn, Ivy Trần cho hay kết quả siêu âm chứng tỏ bờ túi không đồng đều và dịch nhờn chảy xung quanh ngực, nhưng không rõ dịch gì.
Nữ ca sĩ này thực hiện phẫu thuật nâng ngực từ năm 2011 do bác sĩ Lê Phúc (đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sử dụng túi ngực dạng gel của Pháp với chi phí là 2.000 USD (khoảng 44 triệu đồng). Khi sự việc xảy ra, Tường Vy có gọi điện cho bác sĩ này thông báo và nhận được lời khuyên “đến bệnh viện tháo túi ngực".
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề trách nhiệm, vị bác sĩ này né tránh với lý do đã về quê, không còn hành nghề vì mắc bệnh ung thư. “Tôi đã cầu xin bác sĩ Phúc gọi cho công ty cung cấp túi ngực để họ bảo hành cho tôi nhưng không còn liên lạc được. Những ngày đó, tôi đau như sống trong địa ngục”, nữ ca sĩ kể lại.
Gia đình nữ ca sĩ đã tìm đến địa chỉ trước đây vị bác sĩ cung cấp tại quận Bình Thạnh nhưng không còn cơ sở thẩm mỹ ở đó.
BS Phan Hiệp Lợi, người trực tiếp xử lý biến chứng, cho biết sức khỏe nữ bệnh nhân đã ổn định sau hơn 24 giờ thực hiện đặt túi ngực mới thay cho túi cũ đã vỡ.
Tường Vy cho biết sau khoảng 3 tiếng phẫu thuật tháo túi độn, cô vẫn còn đau và mê man, chưa tỉnh hẳn, ngực đau nhói.
Về trường hợp nổ túi ngực khi đi máy bay, bác sĩ Hiệp Lợi cho hay: “Tôi khẳng định không phải do đi máy bay bị vỡ túi độn ngực. Hiện tại, trong y văn thế giới cũng chưa có báo cáo nào. Nguyên nhân vỡ có thể là túi độn không chất lượng, bị thoái hóa, biến chất theo thời gian”.
Hiện ngực của nữ ca sĩ đã bớt sưng và khá cân đối, không xuất hiện tình trạng chảy máu hay nhiễm trùng. Dự kiến khoảng 3-4 ngày nữa, Ivy Trần sẽ được cho xuất viện.
TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết trường hợp nữ ca sĩ trên không phải nổ túi ngực do đi máy bay như nhiều người đang chia sẻ.
Áp suất khí quyển bình thường và áp suất trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương với áp suất ở mặt đất. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng trong máy bay áp suất sẽ giữ nguyên, trừ trường hợp vào vùng không khí loãng, máy bay rơi tự do sẽ gây ra chênh lệch áp suất, dẫn đến chảy máu mũi, khó thở…
“Với áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất không thể xảy ra hiện tượng “nổ” túi ngực. Ngoài ra, độ bền của túi là rất cao có thể đặt túi dưới đất ôtô đi qua không hề vỡ”, TS.BS khẳng định.
Túi ngực thường bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng mặt túi, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch silicone gel từ trong túi ra ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng ngực do vật nhọn đâm hoặc do sinh thiết ngực.