Sáng 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã có buổi họp với các lãnh đạo ngành y tế tại TP.HCM về công tác dự phòng cũng như tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn.
Với số lượng bệnh nhân tăng nhanh so với các năm trước cùng với sự thiếu hụt về nhân sự, kinh nghiệm, TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết trong thời gian tới.
Số lượng bệnh nhân tăng nhanh gây quá tải
Tại buổi họp, bác sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện quận 8, cho biết số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh từ đầu tháng 6 vừa qua.
Bệnh viện hiện có 2 khoa chính tiếp nhận các bệnh nhân sốt xuất huyết là Nhi và Nội tổng hợp. Trong đó, khoa Nhi có khoảng 40 giường điều trị và đã tăng lên 50 giường, phục vụ chung các bệnh. Bệnh viện đã bố trí 2 phòng riêng với khoảng 10-15 giường dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Người bệnh sốt xuất huyết nằm kín giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tương tự, khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện quận 8 cũng có khoảng 40-50 giường. Một số phòng riêng cũng đã được sắp xếp để phục vụ các bệnh nhân sốt xuất huyết.
“Theo chủ trương của thành phố cùng điều kiện nhân lực hiện tại, Bệnh viện quận 8 sẽ tiếp nhận các bệnh nhân diễn biến nhẹ hoặc có dấu hiệu cảnh báo, sốc ban đầu để xử trí ổn định,... Tùy tình hình, nguy cơ và mức độ lo lắng của người nhà, bệnh nhân sẽ được cân nhắc chuyển lên bệnh viện tuyến trên”, bác sĩ Hùng thông tin.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay Bệnh viện quận 8 chưa có kế hoạch điều trị cho ca nặng trong thời gian này. Nguyên nhân là bệnh viện được cải tạo từ trung tâm y tế, tình trạng cơ sở vật chất còn chắp vá, chưa phù hợp với mô hình bệnh viện.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng cho biết theo số liệu 6 tháng đầu năm 2022, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám nội trú đã tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ 2 năm trước đó (2020, 2021).
So với thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trước đó là năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, số bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám cũng tăng gấp 2 lần.
“Điều đáng nói hơn là tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết mức độ nặng cũng tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, số lượng bệnh nhân diễn biến nặng hiện chiếm khoảng 24% tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại bệnh viện. Số trường hợp có sốc cũng chiếm tới 20%. Đa số bệnh nhân có biểu hiện sốt kéo dài, suy đa cơ quan,...”, đại diện này cho hay.
Tính riêng trong 2 tháng 5 và 6, số lượng bệnh nhân tới khám do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Mỗi tháng, cơ sở này tiếp nhận khoảng 100 trường hợp nặng, có sốc.
“So với năm 2019, số lượng này chưa tới 20 ca/tháng”, ông nói.
Nhiều khó khăn
Trao đổi tại cuộc họp, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ tháng 4, khi dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện, ngành y tế TP.HCM đã tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên, y bác sĩ. Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng 1, 2, 3, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM,... đã chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về điều trị tới các phòng mạch tư, y tế cơ sở, từ đó phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh nhằm cảnh báo kịp thời, tránh nhập viện trễ.
Liên quan vấn đề của Bệnh viện quận 8, ông Châu thông tin cơ sở này nằm khá gần các bệnh viện lớn. Do đó, việc chuyển viện chỉ mất khoảng 10-15 phút, giúp nguy cơ tử vong được giảm xuống đáng kể.
“Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến cuối cũng đang nỗ lực để hỗ trợ các bệnh viện cơ sở điều trị tại chỗ, tránh để xảy ra tình trạng quá tải. Đương nhiên, các ca bệnh nghiêm trọng, sốc,... buộc phải chuyển tuyến. Nhưng ngược lại, những ca chỉ có dấu hiệu cảnh báo có thể hỗ trợ điều trị từ xa”, ông Châu nói.
Khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, kê thêm giường ở hành lang để bố trí cho người bệnh sốt xuất huyết nằm tạm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Hiện tại, công suất của Bệnh viện quận 8 vẫn đủ đáp ứng, số lượng bệnh nhân nội trú mới chiếm 80%. Cơ sở y tế này cũng đang dần phục hồi công năng sau dịch Covid-19.
Về chuyên môn, trong thời gian tới, sở sẽ giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến cuối tiếp tục bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm thông qua tập huấn. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là sự thiếu kinh nghiệm của các bác sĩ tại tuyến dưới. Sau dịch Covid-19, sự chuyển đổi nhân sự trong ngành y tế cũng là một vấn đề.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bày tỏ sự hoan nghênh với các bệnh viện tại TP.HCM đã đáp ứng tốt về hậu cần, thuốc, dịch truyền,... phục vụ điều trị sốt xuất huyết trong thời gian qua.
“Đây là vấn đề đang nóng. Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành cũng đang nỗ lực xử lý. Chúng ta đã đấu thầu kịp thời các mặt hàng này để đảm bảo phục vụ người dân”, ông nói.
Theo vị lãnh đạo, trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng, khả năng các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, 2,... quá tải là có thể xảy ra.
“Do đó, các bệnh viện nên có phương án để sẵn sàng tiếp nhận số lượng bệnh nhân được chuyển về”, ông Khoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo cũng lưu ý dù Covid-19 đã được kiểm soát, khả năng tái bùng phát cũng không thể loại trừ. Sự kết hợp giữa Covid-19 và sốt xuất huyết là đáng lo ngại.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát mạnh sau khoảng 3-4 năm. Việt Nam may mắn khi trong 2 năm chiến đấu với dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết không bùng phát mạnh.
“Giờ đây, khi chúng ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, ngành y tế cần bắt đầu tập trung cho công tác phòng, chống cũng như điều trị sốt xuất huyết”, ông nói.
Theo vị lãnh đạo, Bộ Y tế mong chính quyền địa phương, y tế cơ sở nỗ lực tăng cường hoạt động trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
“Sốt xuất huyết không chỉ nằm ở tiếp nhận, điều trị. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Trong khi đó, phần chìm lại rất quan trọng. Chúng ta phải tuyên truyền, hành động từ các hộ dân, cơ quan, nhà hàng, quán ăn, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm qua muỗi vằn cũng như số lượng bệnh nhân”, Thứ trưởng nhận định.
Theo ông Sơn, nhiệm vụ đầu tiên của ngành y tế trong thời gian tới là tuyên truyền, vận động người dân. Người dân tin tưởng bác sĩ. Do đó, các bác sĩ cần có điều kiện để hướng dẫn người dân thông qua các phương tiện truyền thông.
Thứ hai, cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết hiện chưa quá tải nặng nề. Tuy nhiên, khi số lượng bệnh nhân tăng lên, tuyến dưới phải tăng cường điều trị cho các ca sốt xuất huyết nhẹ, trung bình, có dấu hiệu cảnh báo, sốc sớm,...
Thứ ba, các cơ sở y tế cần chuẩn bị đủ số lượng giường bệnh, song song với đó là sẵn sàng mở rộng phạm vi tiếp nhận, điều trị khi cần.
Thứ tư, dù Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nguy cơ vẫn còn, nhiều trường hợp giờ mới mắc. Do đó, chúng ta chưa thể lơ là, chủ quan. Mặt khác, triệu chứng của sốt xuất huyết có nhiều điểm tương đồng với Covid-19. Do đó, các bác sĩ cần chẩn đoán đúng và tăng cường cảnh giác.
“Điều cần thiết hơn nữa là sự kết nối giữa các tuyến, tổ chức nhóm hội chẩn liên tuyến để giúp bác sĩ trẻ có cơ hội học tập, tăng cường năng lực, phục vụ người bệnh kịp thời, trong khi bác sĩ lớn tuổi có thể chia sẻ kinh nghiệm tới lớp kế cận”, Thứ trưởng Sơn nói.