Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả thế giới đang chống lại bóng bàn Trung Quốc

Sự thống trị của bóng bàn Trung Quốc tại Olympic đang tạo ra làn sóng chống lại quốc gia này.

Không cần phải nói nhiều đến tầm vóc của bóng bàn Trung Quốc ở các kỳ Olympic. Từ khi bộ môn này được đưa vào thi đấu chính thức tại Olympic 1988, người Trung Quốc đã giành 24/28 huy chương vàng. Gần nhất, họ càn quét số huy chương ở Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic London 2012, theo Tân Hoa Xã.

Chứng kiến sự thịnh vượng của bóng bàn Trung Quốc, được trang USAToday mô tả “ở một đẳng cấp khác”, báo TodayOnline nói thay ý nguyện cho tất cả những VĐV bóng bàn khác: "Liệu có thể ngăn cản sự thống trị của bóng bàn Trung Quốc?". Điều này rất khó. Mới đây, Olympic Rio 2016 tiếp tục chứng kiến HCV bóng bàn đơn nữ thuộc về một tay vợt đến từ Trung Quốc.

Ca the gioi dang chong lai bong ban Trung Quoc anh 1
HCV Olympic nội dung đơn nữ môn bóng bàn thuộc về Ding Ning (giữa). Ảnh: Getty Images,

Thế nhưng, cả thế giới dường như đang chống lại bóng bàn Trung Quốc. Những năm gần đây, từ Liên đoàn bóng bàn thế giới (ITTF) đến từng quốc gia, đều có chiến lược kềm hãm và nỗ lực bắt kịp trình độ của Trung Quốc.

ITTF đổi luật, họ rút ngắn ván đấu từ 21 xuống 11 điểm, cấm che tay khi giao bóng, tăng kích thước bóng từ 38 đến 40 mm và đổi bóng từng 40 thường sang 40+. Ngoài ra, mỗi nội dung thi tại Olympic chỉ được giới hạn 2 người, và nội dung đánh đôi được thay bằng đồng đội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Thomas Weilker của ITTF kết luận, không nên đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự thống trị trong môn bóng bàn. Họ sở hữu quá nhiều tay vợt giỏi và có thế hệ kế thừa xứng đáng. "Việc Liu Shiwen, tay vợt số 1 thế giới, phải nhường suất đơn nữ cho người khác nói lên thực lực đội Trung Quốc mạnh thế nào", Matthew Pound, thành viên của ITTF, nói với hãng tin Reuters.

Ca the gioi dang chong lai bong ban Trung Quoc anh 2
Vladimir Samsonov cho biết bóng bàn đang được phổ biến rộng rãi ở Belarus. Ảnh: Getty Images.

 

Theo Chủ tịch Thomas Weilker, việc Trung Quốc làm vua môn bóng bàn buộc các đội tuyển khác phải nỗ lực nhiều hơn để lật đổ gã khổng lồ này. "Tuyển bóng bàn Trung Quốc quá mạnh không phải lỗi của họ. Theo tôi, các đội tuyển khác cần cho thấy sự nỗ lực để bắt kịp trình độ của đối thủ", Chủ tịch Thomas Weilker phân tích.

Đồng quan điểm, tay vợt Vladimir Samsonov hạng 9 thế giới người Belarus khẳng định, sự thống trị của bóng bàn Trung Quốc sẽ không kéo dài mãi mãi. "Liên đoàn của Belarus đang cố gắng phát triển môn bóng bàn rộng rãi trong nước. Ngày càng có nhiều sân chơi cho các tay vợt trẻ, cơ hội để đánh bại những tay vợt Trung Quốc càng cao", Samsonov nói.

Với bóng bàn Brazil, họ cũng có nhiều sự chuẩn bị cho đội tuyển, khi thuê HLV mới và gửi nhiều tay vợt sang Đức tập huấn. "Bóng bàn Brazil đã phát triển rất nhiều. Chúng tôi có 3 tay vợt nằm trong tốp 100 thế giới", tay vợt Gustavo Tsuboi nói. Còn hoa khôi bóng bàn Ai Fukuhara người Nhật những năm gần đây sang hẳn Trung Quốc để luyện tập.

Ding Ning, nhà vô địch bóng bàn mới của Olympic

Tay vợt hiện xếp thứ 2 thế giới vừa vượt qua người đàn chị Li Xiaoxia với tỷ số 4-3 trong trận chung kết để giành chiếc huy chương vàng bóng bàn đơn nữ Olympic Rio 2016.

Chứng kiến nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ cho bóng bàn, Chủ tịch Thomas Weilker tự tin sẽ có ngày bóng bàn Trung Quốc bị soán ngôi. "Tôi nghĩ nhiều Liên đoàn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức đã tiến bộ và thu hẹp khoảng cách với bóng bàn Trung Quốc. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có nhiều tay vợt tài năng hơn", Ngài Chủ tịch cho biết.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm