'Cá voi bầu trời' mới của Airbus cất cánh bay thử tại Pháp
Thứ sáu, 20/7/2018 15:55 (GMT+7)
15:55 20/7/2018
Phiên bản mới nhất của dòng máy bay vận tải cỡ lớn mang hình dáng loài cá voi trắng Bắc cực Beluga thu hút sự quan tâm của 10.000 người khi bay thử tại miền Nam nước Pháp.
Hôm 19/7, Airbus thực hiện thành công chuyến bay thử đầu tiên với Beluga XL, phiên bản mới nhất của dòng máy bay chở hàng cỡ lớn mang tên loài cá voi trắng Bắc cực "beluga" vì hình dáng bắt mắt của mẫu phi cơ.
Theo AFP, Beluga XL (trái) được phát triển dựa trên mẫu máy bay A330-743L của Airbus, dài hơn 6 m và rộng hơn 2 m so với mẫu Beluga ST (phải) đã được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 1990.
Năng lực chuyên chở của Beluga XL cũng tăng thêm 30%.
"Cá voi bầu trời" mới cất cánh bay thử vào lúc 10h30, giữa tiếng reo hò của khoảng 10.000 người xem tại cơ sở của Airbus ở Toulouse, miền Nam nước Pháp. Chuyến bay thử kéo dài trong 4 tiếng 11 phút.
Dòng máy bay Beluga được dùng để vận chuyển các bộ phận của một phi cơ Airbus từ các cơ sở sản xuất trên khắp châu Âu về điểm lắp ráp tại Toulouse (Pháp), Hamburg (Đức) hoặc Thiên Tân (Trung Quốc).
Kể từ khi Beluga được đưa vào sử dụng vào năm 1994 với 5 chiếc thực hiện hơn 60 chuyến bay mỗi tuần, sức sản xuất của Airbus đã tăng gấp 5 lần, theo CNN. Đến năm 2014, lãnh đạo tập đoàn quyết định cải tiến thiết kế, gia tăng khả năng chuyên chở của Beluga để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Airbus cho biết Beluga XL có chiều cao 19 m, tương đương một ngôi nhà ba tầng, và có thể vận chuyển 51 tấn hàng hóa, tương đương trọng lượng 7 con voi đực trưởng thành. Beluga XL giờ đây có thể chuyên chở 2 cánh của mẫu máy bay hành khách chặng dài A350, thay vì một cánh như trước, với quãng đường tối đa 4.000 km.
Hãng sản xuất máy bay châu Âu cho biết Beluga XL sẽ thực hiện 600 giờ bay thử trong vòng 10 tháng trước khi chính thức được đưa vào sử dụng trong năm 2019.
Theo CNN, thiết kế máy bay mang hình dáng con cá voi mỉm cười được Airbus lựa chọn sau một cuộc khảo sát với sự tham gia của 20.000 nhân viên. Thiết kế này vượt qua 5 thiết kế khác để giành chiến thắng áp đảo với 40% phiếu bầu.
Trung Quốc đang đàm phán để xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức. Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi về mục đích thực sự sau việc xuất khẩu này.