Star Wars: Episode IX - The Rise of Skywalker (2019): Khi tham gia phần kết thiên truyện kể về gia tộc Skywalker của Star Wars, nam diễn viên Mark Hamill so sánh chuyện đi đóng phim như làm việc trong CIA. Hồi ông mới bắt đầu hành trình giữa các vì sao với Star Wars: A New Hope (1977), Hamill tự tay đi phát kịch bản cho đoàn phim. Đến The Rise of Skywalker, nhân viên hãng bay đến tận Prague (Czech) nơi Hamill đang thực hiện một dự án khác để giao kịch bản đã viết lại cho ông. Người này phải ở yên đó trong lúc tài tử đọc kịch bản, rồi sau đó thu hồi và mang về nơi xuất phát. Đó là yêu cầu từ J.J. Abrams. Với tập trước là The Last Jedi (2017) của Rian Johnson, Mark Hamill chỉ phải cam kết luôn để mắt đến kịch bản và cất nó trong két vào buổi tối. |
Once Upon a Time in Hollywood (2019): Tác phẩm trước của Quentin Tarantino là The Hateful Eight (2015) từng bị lộ kịch bản rất sớm và khiến ông suýt từ bỏ dự án. Sự kiện đã khiến ông thắt chặt bảo mật cho Once Upon a Time in Hollywood đến mức cực đoan: kịch bản đầy đủ được cất trong một chiếc két. Ba diễn viên chính Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Margot Robbie phải đến tận nhà Tarantino đọc cái kết dưới sự giám sát của nhà làm phim trước ngày khởi quay. Đến cộng sự lâu năm của ông - đạo diễn hình ảnh Robert Richardson - cũng không hề biết những cảnh cuối diễn biến ra sao cho tới gần lúc phim đóng máy. |
Avengers: Infinity War (2018) & Avengers: Endgame (2019): Việc lộ kịch bản thường chỉ ảnh hưởng đến cao trào của tác phẩm, khiến công sức gây dựng tình tiết trước đó trở nên công cốc. Nhưng hai tập Avengers gần nhất còn đóng vai trò khép lại hơn một thập kỷ rực rỡ của 22 tác phẩm và vô số nhân vật được khán giả yêu mến. Disney đương nhiên không thể ngồi yên và sử dụng mọi biện pháp có thể để giảm thiểu nguy cơ lộ nội dung. “Người Sắt” Robert Downey Jr. là cái tên duy nhất có kịch bản đầy đủ. Những gương mặt còn lại chỉ biết đúng đất diễn của họ. Riêng nhóm "nguy cơ cao" như Mark Ruffalo hay Tom Holland từng lỡ miệng tiết lộ nội dung thì chỉ được gửi cho kịch bản giả với nhiều tình tiết đã bị thay đổi. |
Interstellar (2014): Là cha đẻ của những bộ phim phức tạp, lắt léo và bất ngờ, Christopher Nolan luôn tỏ ra kín tiếng trong quá trình sản xuất. Khi Interstellar còn chưa ra rạp, để được đọc kịch bản phim, người ta phải tiến vào một tổ hợp rộng 57 ha qua cổng an ninh, tìm được đúng tòa nhà, lên tầng hai, tới văn phòng Syncopy - công ty sản xuất của Nolan. Một trợ lý sẽ kiểm tra xem tên khách có trong danh sách nhân sự đã được cấp phép hay không. Chỉ có một kịch bản duy nhất của Interstellar được in ra rồi đặt trong văn phòng. Người tới đọc không được phép quay, chụp, ghi chú. Tại một thời điểm, chỉ duy nhất một người được phép đọc nó. |
Pacific Rim (2013): Đội ngũ bảo vệ kịch bản của Pacific Rim dường như chịu nhiều ảnh hưởng từ loạt phim Mission: Impossible khi mỗi thành viên trong đoàn phim phải sử dụng một chiếc iPad đặc biệt giới hạn thời gian sử dụng. Khi hết thời gian, phiên bản số hóa của kịch bản sẽ tự hủy. Phương pháp này bị coi là “làm quá hóa dở", bởi dù sở hữu phần hình ảnh hoành tráng, Pacific Rim thực tế chứa đựng kịch bản chẳng có gì nổi bật đến mức đáng để giữ kín. |
Star Trek Into Darkness (2013): J.J. Abrams nổi tiếng là người giữ kịch bản hơn giữ vàng, nhưng đây có lẽ là dự án đầu tiên khiến vị đạo diễn phải tăng cường an ninh tối đa. Nằm trong nỗ lực tái khởi động loạt phim Star Trek, Into Darkness rất được trông chờ bởi phần trước - Star Trek (2009) - gặt hái thành công ngoài mong đợi. Thành viên đoàn phim phải đến Santa Monica, tìm một tòa nhà có tên giả là “Công ty Máy đánh chữ Quốc gia”, và thông báo với lễ tân. Kịch bản giấy duy nhất của bộ phim được in bằng mực đen trên giấy đỏ để việc sao chép khó thực hiện hơn. Song, người hâm mộ sớm đoán ra nhân vật phản diện của Benedict Cumberbatch chính là Khan từ sớm, trong khi cả đoàn phim liên tục phủ nhận điều đó trước giờ phim ra mắt. |
Loạt phim The Hunger Games (2012 - 2015): Khán giả mong đợi loạt bom tấn The Hunger Games, và khán giả muốn biết liệu tác phẩm trên màn ảnh sẽ thay đổi ra sao so với nguyên tác văn học của Suzanne Collins. Mạch truyện chính không mấy khác biệt. Nhưng trong mỗi kịch bản phát cho các thành viên trong đoàn, hãng Lionsgate thay đổi một số từ nhất định. Nếu có kịch bản chuyển thể nào bị lộ, họ sẽ biết ngay nguồn gốc đến từ ai. |
Scream 2 (1997): Nhanh chóng được khởi động sau thành công ngoài sức tưởng tượng của phần đầu, Scream 2 sớm bị lọt kịch bản ra ngoài, và nhiều người thậm chí còn biết trước danh tính của kẻ sát nhân mang mặt nạ Ghostface. Hậu quả là đội ngũ phải viết lại kịch bản, ghi hình lại nhiều cảnh nhằm chuyển hướng tác phẩm sang cái kết mới. Giai đoạn sau, chỉ những diễn viên thiết yếu mới biết cái kết thực sự bị thay đổi ra sao. Nhóm còn lại đều chỉ nhận được nhận kịch bản giả. |
Psycho (1960): Tác phẩm kinh điển của Alfred Hitchcock phải gọi là "bố già" trong chuyện giữ kín nội dung. Với biệt danh “bậc thầy tạo giật gân", vị đạo diễn có niềm đam mê vô tận trong việc khiến người xem không ngừng suy đoán. Khi Psycho ra mắt, ông áp dụng luật từ chối khán giả vào rạp khi tác phẩm đã bắt đầu chiếu. Ông thu âm giọng chính mình vận động khán giả tuân thủ để phát cho người xếp hàng chuẩn bị vào rạp. Trong phòng chiếu có rất nhiều biểu ngữ nhấn mạnh điều luật trên, như “áp dụng cho tất cả, kể cả Tổng thống Mỹ hay Nữ hoàng Anh”. Không có buổi chiếu sớm cho giới phê bình nào được tổ chức, do ông sợ yếu tố truyền miệng sẽ khiến một bộ phận khán giả không còn cảm thấy bất ngờ. |