Sự cố trâu húc chết chủ là ông Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, ngụ xã Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) khiến người dân, đặc biệt các chủ trâu, người huấn luyện trâu chọi ở Đồ Sơn bàn tán suốt mấy ngày nay.
Có người cho rằng, trâu chọi uống thuốc kích thích nên trở nên hung dữ đến vậy. Cũng có ý kiến khẳng định con trâu trên bị “sốc tâm lý” khi ra chỗ đông người.
"Sốc" khi đồng nghiệp bỏ mạng vì trâu
Trao đổi với Zing.vn, nhiều chủ trâu ở Đồ Sơn bày tỏ sự ngạc nhiên khi nói về sự cố. Anh Lê Bá Võ (37 tuổi, ngụ tổ 6, phường Vạn Hương), từng có trâu chọi đoạt giải nhất lễ hội chọi trâu năm 2016, là người trực tiếp chứng kiến nói dù có kinh nghiệm anh cũng không thể lý giải được nguyên nhân.
Trâu chọi húc chết chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: Phong Pink. |
Chủ, người huấn luyện phải hiểu được tính nết trâu như thế nào từ cách ăn uống, cách tập luyện đến khi ra sân đấu để có cách huấn luyện cho đúng.
Theo anh, “ông" trâu chọi Đồ Sơn chỉ hung dữ khi tham chiến chứ đối với chủ trâu, người quản trâu thì lại rất hiền. Thậm chí khi thua tháo chạy, hầu như trâu đều tránh để không va vào người đứng trong sới.
“Tôi đã đi nhiều tỉnh từ miền Tây Nam Bộ đến Tây Nguyên, Nghệ An… lùng trâu chọi. Hầu như tất cả các giống trâu tôi đều mua về thuần dưỡng để phục vụ lễ hội. Tuy nhiên chưa bao giờ thấy trâu húc chủ mình dã man đến vậy. Tôi cảm thấy sự cố này có điều gì đó bất bình thường”, anh Võ nói.
Là người cùng anh Võ huấn luyện trâu số 28 vô địch lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2016, ông Lưu Đình Tiệp (53 tuổi, tổ 1 phường Vạn Hương) cho biết những người quản trâu ở Đồ Sơn vẫn còn rất sốc. Nhiều giả thiết được đưa ra nhưng chưa có ý kiến nào được những người luyện trâu chọi cho là đúng.
Ông Tiệp kể rất nhiều lần ông huấn luyện trâu vì trơn trượt nên ngã ở bãi. Dù con trâu đang đà lao nhưng không bao giờ giẫm lên người huấn luyện.
“Trâu số 18 ông Hướng mua lại từ một lái trâu và chỉ thuần dưỡng được gần một năm. Có lẽ thời gian đó hơi ngắn. Tất cả trâu tôi nhận huấn luyện đều phải nắm rõ xuất xứ, thời gian thuần dưỡng ít nhất 2 năm”, ông Tiệp nói.
Ông Tiệp kể trước đây, khi sới bãi Đồ Sơn còn dựng tạm chỉ bằng cọc tre, cọc gỗ, người dân tràn xuống sân để xem. Dù vậy, khi thua, trâu bỏ chạy đều tránh người và chưa bao giờ có ai bị thương.
"Trâu sợ hãi cũng không bao giờ húc chủ"
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Sơn (53 tuổi, tổ 2 phường Vạn Hương), người đang chăm sóc 2 trâu chọi khẳng định rất ít khả năng trâu chọi bị “sốc tâm lý” khi ra sân đấu.
Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định dù có sợ hãi trâu chọi cũng không bao giờ tấn công chủ. Ảnh: Văn Chương. |
Dân chăm sóc trâu chọi ở Đồ Sơn đều thuộc lòng cách để trâu làm quen với sự xuất hiện của đông người và tiếng trống, chiêng, cờ phướn.
Hàng ngày trâu đều được dắt ra ngoài đường, nơi có xe cộ, nhiều người qua lại để quen với đám đông. Ông Sơn cho biết, trước trận đấu, ông đã lắp loa, cờ ở trong chuồng để trâu làm quen với tiếng hò hét và cờ hội. Thỉnh thoảng, người huấn luyện lôi trống chiêng ra gõ để trâu quen với trống trận trên sới.
Người huấn luyện phải làm những việc đó để trâu khi ra trận không sợ hãi, bỏ chạy. Còn nếu trâu có sợ hãi, thua trận cũng không bao giờ húc chủ của mình.
Tuy nhiên theo ông Sơn, việc huấn luyện trâu không dành cho những người nóng tính, thiếu tính kiên trì. Chỉ một vài lần đánh đập, trâu sẽ phản kháng, lúc đó sẽ rất nguy hiểm.
Nói về sự cố của ông Đinh Xuân Hướng, ông Tiệp khẳng định chủ trâu, người huấn luyện sẽ tiếp tục nuôi trâu chọi vì đây là lễ hội mà cha ông để lại.
Còn ông Sơn thì chia sẻ: “Chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng về sự việc của ông Hướng. Dù vì bất cứ lý do gì tôi vẫn sẽ chăm sóc, huấn luyện trâu chọi”, ông Sơn khẳng định.