Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các cô gái trong clip quay lén ở bãi biển bất ngờ bị đổ lỗi ngược

"Mặc rồi người ta quay lên lại khép nép", "Dám mặc như này mà ngại gì"... là những bình luận đổ lỗi cho các nạn nhân bị TikToker T. quay lén thay vì lên án hành vi thủ phạm.

TikToker L.T.T. quay và đăng tải hình ảnh nhiều cô gái ở bãi biển khi chưa được phép.

"Em ơi, anh có thể làm phiền em một xíu không? Anh đang quay một đoạn video phỏng vấn để đăng lên TikTok. Có nghĩa anh sẽ hỏi em rằng: 'Nếu bây giờ em được đi chơi với một người nổi tiếng thì em sẽ chọn ai?".

Lân la tiếp cận một cô gái mặc bikini đang cùng bạn chụp ảnh trên bãi biển, TikToker L.T.T. "mở bài" để bắt chuyện, bật sẵn camera ghi hình dù chưa được sự cho phép.

"Anh ơi, anh đang quay à?", một trong hai cô gái phát hiện, hỏi.

"À anh quay video để...", T. ấp úng, biện minh cho hành động của mình.

"Nhưng mà anh chưa được phép anh đã quay rồi? Anh xóa ngay video đi", hai cô gái gay gắt. Tuy nhiên, T. không tiếp tục trả lời, lảng đi chỗ khác. Sau đó, clip này vẫn được nam TikToker công khai đăng lên kênh cá nhân có tên C*, hút hơn 300.000 lượt xem.

Phía dưới clip, nhiều dân mạng bày tỏ sự bức xúc trước hành vi của T., cho rằng đây là quấy rối, tự ý sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự cho phép. Tuy nhiên, vẫn có không ít người tỏ thái độ đùa cợt, thậm chí cổ vũ T. và đổ lỗi cho các cô gái: "Mặc rồi người ta quay lên lại khép nép", "Người ta thấy thì ngại, về đăng lên mạng lại mong cả làng thấy", "Dám mặc như này mà ngại gì"...

Những ngôn từ đầy tính “victim blaming” (đổ lỗi nạn nhân) được nhiều người thốt ra trong các vụ việc quay lén hay thậm chí quấy rối, tấn công tình dục không còn là điều mới song vẫn liên tục xuất hiện, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về nhận thức của một bộ phận dân mạng.

Khi bộ đồ trên người thành "cái cớ" để bị đổ lỗi

Được mở từ tháng 7/2023, kênh TikTok C* của L.T.T. hiện có hơn 700 video, phần lớn nội dung nhắm đến các cô gái trẻ. Ở những video gần nhất, người này cố tình quay ở các bãi biển, nơi các cô gái diện đồ bơi, trang phục ngắn.

Ngoài những video lấy cớ phỏng vấn dạo để tiếp cận, T. còn quay lén nhiều video, sử dụng điện thoại có chức năng phóng to, quay cận cảnh các bộ phận nhạy cảm như vòng 1, vòng 3 kèm chú thích công khai "Gái xinh bikini nhảy quay lén", "Gái xinh bikini zoom".

Tuy nhiên, thay vì lên án hành vi của T., những bộ đồ ngắn, bikini - vốn không có gì lạ ở một nơi như bãi biển - lại trở thành cái cớ để một số dân mạng chỉ trích các cô gái trẻ, thậm chí cho rằng "không muốn bị quay thì đừng mặc như vậy".

quay len con gai anh 3

T. chuyên quay video nhắm đến các cô gái trẻ. Hiện kênh của người này có hơn 60.000 lượt theo dõi.

Tháng 8/2022, hình ảnh một cô gái mặc áo cắt xẻ táo bạo, hở gần như toàn bộ lưng, ngồi sau xe máy di chuyển trên đường Xã Đàn, quận Đống Đa (Hà Nội) được một nam TikToker lén ghi hình và đăng tải.

Khi đó, chiếc áo hở lưng cũng là thứ khiến cô bị nhiều dân mạng bàn tán, mỉa mai. Vụ việc thậm chí khiến gia đình cô lục đục và bản thân cô cũng phải tạm dừng mối quan hệ tình cảm đang có để không ảnh hưởng tới đối phương.

Trước đó, vào tháng 8/2020, Dương Thị Chang (Thái Nguyên) đến tham dự đám cưới của chị gái ở huyện Phú Bình. Tại đây, Chang bị nam MC đám cưới livestream, quay lén cảnh đang ngồi thoải mái trên ghế trong bộ váy khá ngắn màu trắng.

Không chỉ bị quay lén, trên sóng livestream của nam MC, nhiều bạn bè người này còn để lại bình luận khiếm nhã, tục tĩu và bình phẩm về thân hình Chang. Thậm chí, có người còn gợi ý nam MC đổi góc quay khác nhạy cảm hơn.

Khi đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, ngoài sự đồng cảm, bức xúc chung của nhiều người, đặc biệt là phái nữ, cô gái Thái Nguyên còn phải nhận những câu kết luận nửa đùa nửa thật: “Xinh thế người ta mới quay đấy”, “Ai bảo mặc váy ngắn cơ” hay “Con gái con đứa, mặc váy rồi ngồi hớ hênh thế, đàn ông chú ý là phải”.

Trên môi trường mạng, tâm lý đám đông và tính ẩn danh, những nhận xét mang tính “victim blaming” như vậy chẳng khác gì cổ xúy cho hành động quấy rối của thủ phạm và nạn nhân phải chịu thêm một lần nữa sự tổn thương từ cộng đồng.

Vấn nạn đổ lỗi ngược

Tình trạng "victim blaming" không chỉ xuất hiện ở những dân mạng ẩn danh, núp sau các tài khoản mạng xã hội. Tháng 7/2020, đồn cảnh sát ở quận Quezon, phía nam thủ đô Manila (Philippines), gây ra làn sóng phẫn nộ khi viết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Này những cô gái, đừng mặc những bộ trang phục hở hang nữa. Nếu các bạn bị người khác quấy rối, bạn sẽ lại tìm đến chúng tôi xin giúp đỡ. Hãy thử nghĩ về điều đó đi”.

Dù đã bị xóa đi ngay sau đó, bài đăng vẫn khiến cộng đồng mạng tại Philippines tức giận và lên án ngôn từ của lực lượng chức năng này. Hashtag #HijaAko mang nghĩa “Tôi là một người phụ nữ” được nhiều cô gái Philippines sử dụng để phản đối.

Hay vào tháng 8 cùng năm, dự thảo luật cấm đàn ông cởi trần và phụ nữ mặc váy quá ngắn hoặc đồ xuyên thấu khi ra ngoài đường của Campuchia cũng tạo ra nhiều luồng tranh cãi.

quay len con gai anh 4

Nhiều nạn nhân vụ quay lén, quấy rối bị chỉ trích vì trang phục. Ảnh: Safe Line.

Kat Alano (35 tuổi, ngôi sao truyền hình) từng kể lại việc bị tấn công tình dục bởi một người đàn ông nổi tiếng trong ngành giải trí. Khi vụ việc xảy ra, cô mặc áo phông, quần jeans. Kẻ biến thái còn lớn tiếng đe dọa hủy hoại sự nghiệp của cô nếu cô dám chống đối lại hắn.

Theo tiến sĩ Anju Hurria, nhà tâm lý học tại Đại học California (Mỹ), "victim blaming" có thể gây ra nhiều tổn thương tâm lý cho người hứng chịu nó.

"Nó giống như một chấn thương thứ 2 hoặc một cuộc tấn công thứ 2 đối với nạn nhân. Những người trải qua ‘victim blaming’ trở nên đau khổ hơn, gia tăng trầm cảm và có thể làm phức tạp thêm chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Khi một người bị ‘victim blaming’, họ ít có khả năng mở lòng tìm kiếm sự trợ giúp trong tương lai vì sợ rằng mình sẽ không được tin tưởng”, tiến sĩ Hurria nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Kênh TikTok quay lén các cô gái ở bãi biển, núp bóng 'phỏng vấn dạo'

Lấy cớ quay video phỏng vấn dạo để tiếp cận, chủ kênh TikTok C* cố tình quay cận vào vòng 1, vòng 3 của các cô gái.

Mai An

Bạn có thể quan tâm