Yin Fan là một bà mẹ đơn thân ở độ tuổi cuối 30. Khi Yin mang thai, cha đẻ của cô, đang sống ở một thành phố khác, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật và nhanh chóng mất khả năng vận động.
Là con một trong nhà, Yin một mình gánh vác trách nhiệm chăm sóc con nhỏ lẫn cha già.
Yin là một trong những đứa trẻ đầu tiên sinh ra trong chính sách một con của Trung Quốc - nhóm nhân khẩu sinh trong khoảng năm 1976-1985. Giờ đây họ được gọi là "thế hệ bánh mì kẹp": mắc kẹt giữa nghĩa vụ chăm sóc con cái và cha mẹ già yếu, bị ràng buộc cả về tiền bạc lẫn tình cảm, theo Think China.
Con một mất đặc quyền
Theo Feng Xiaotian, giáo sư xã hội học nhân khẩu học tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc hiện có hơn 170 triệu gia đình "bánh mì kẹp" như vậy.
Lớn lên vào những năm 1980 với tư cách con một trong gia đình, những người như Yin thường được gọi là "tiểu hoàng đế" vì thu hút mọi sự chăm sóc, quan tâm.
"Giờ đây, họ trở thành thế hệ mang nhiều gánh nặng nhất ở Trung Quốc", Giáo sư Mu Guangzong thuộc Viện Nghiên cứu Dân số tại Đại học Bắc Kinh, nói.
Trong 3 thập kỷ qua, khi thế hệ bánh mì kẹp lớn lên và lập gia đình, Trung Quốc đã trải qua quá trình chuyển dịch sâu sắc sang một xã hội già hóa, ít trẻ em.
Từ năm 1990 đến 2021, tuổi thọ trung bình của người dân nước này tăng từ 68,6 lên 78,2. Tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng hơn gấp đôi, từ 5,3% lên 13,5%. Tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 1% vào năm 2020 và nước này dự kiến bước vào thời kỳ tăng trưởng dân số âm vào năm 2025.
Những người đầu tiên sinh ra trong chính sách con một giờ đây bước vào giai đoạn áp lực. Ảnh: AFP. |
Trước thực tế cha mẹ sống lâu hơn và cặp vợ chồng có con ở độ tuổi lớn hơn, những thách thức mà gia đình "bánh mì kẹp" phải đối mặt không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ mà còn tác động tới phần còn lại của xã hội.
Trung Quốc thực hiện chính sách một con vào năm 1980 để giảm bớt dân số, tạo điều kiện cho tăng trưởng cho một nền kinh tế kế hoạch vốn đang thiếu hụt trầm trọng về vốn, tài nguyên thiên nhiên và hàng tiêu dùng.
Các nhà chức trách đã nới lỏng giới hạn vào năm 2016, cho phép mỗi gia đình có hai con. Năm 2021, sau cuộc điều tra dân số mới cho thấy tỷ lệ sinh đã chững lại, chính quyền đã nâng giới hạn lên 3 trẻ em.
Thiếu hụt tiền bạc, thời gian và năng lượng là những lo lắng phổ biến nhất mà các gia đình bánh mì kẹp phải đối mặt. Sinh con, đặc biệt là sinh con thứ hai, thường là điểm khởi đầu của những cuộc khủng hoảng.
"Đây là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với tôi", Liu Li (37 tuổi), nhân viên một doanh nghiệp nhà nước, cho biết.
Vợ của Liu làm tại ngân hàng, tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng là 20.000-30.000 nhân dân tệ (tương đương 2.900-4.300 USD). Đó là mức thu nhập khá của tầng lớp trung lưu ở thị trấn nhỏ.
Song kể từ khi sinh đứa con thứ hai, họ luôn cạn tiền.
Áp lực kép
Zang Qisheng, giáo sư tại Đại học Soochow, cho biết ngay cả những vợ chồng có thu nhập ổn định và tiết kiệm vẫn dễ mắc kẹt trong vấn đề tài chính do gánh nặng con cái.
Chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 485.000 nhân dân tệ vào năm 2019. Con số này cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của nước này, và gấp nhiều lần các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản.
Chi phí nuôi dạy trẻ thậm chí còn cao hơn ở các thành phố lớn, lên tới hơn 1 triệu nhân dân tệ ở Thượng Hải và 969.000 nhân dân tệ ở Bắc Kinh.
Wang Guangzhou, nhà nghiên cứu tại Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết áp lực của việc nuôi dạy con cái chủ yếu là vấn đề kinh tế, trong khi chăm sóc người già là khó khăn nhiều hơn về thời gian và sức lực.
Chi phí chăm sóc trẻ em ở Trung Quốc cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người. Ảnh: AFP. |
Trong thập kỷ tới, khi các bậc cha mẹ của thế hệ một con bước vào độ tuổi 70 và 80, áp lực chăm sóc người cao tuổi sẽ ngày càng lớn. Với xu hướng kết hôn và sinh con muộn, áp lực của việc chăm sóc người già và nuôi con nhỏ càng có nhiều khả năng xảy ra cùng lúc.
Theo Điều tra xã hội năm 2019, 27% gia đình thành thị ở Trung Quốc gồm những người từ 60 tuổi trở lên và trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, có nghĩa là cứ 4 gia đình thì có một gia đình phải đối mặt với áp lực kép này.
Trước tình thế nan giải khi phải chăm sóc người già và trẻ nhỏ, thế hệ bánh mì kẹp buộc phải lựa chọn phân bổ tiền bạc, sự quan tâm.
“Trẻ em là trên hết” là kết luận trong một nghiên cứu dựa trên cuộc khảo sát qua điện thoại đối với 2.439 gia đình thành thị ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô và Thiểm Tây của ĐH Tôn Trung Sơn và ĐH Quảng Châu.
Zhong Xiaohui, giáo sư tại ĐH Tôn Trung Sơn, cho biết thế hệ bánh mì kẹp thường thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự cấp thiết đối với trẻ em.
Tuy nhiên, về việc chăm sóc người cao tuổi, hầu hết gia đình thiếu kế hoạch rõ ràng và thường phải xử lý gấp rút khi cha mẹ lâm bệnh nặng. Cuộc khảo sát cho thấy có sự tương phản rõ rệt giữa kiến thức phong phú của họ về sự phát triển thời thơ ấu và sự thiếu hiểu biết tương đối của họ về người già.
Yang Juhua, giáo sư dân tộc học và xã hội học tại Đại học Minzu, cho biết con cái trở thành trung tâm và phong cách nuôi dạy con cái của nhiều gia đình có xu hướng chuyên sâu, thậm chí quá mức. Do nguồn lực kinh tế có hạn nên người già thường nhượng bộ.
Nhờ cậy cha mẹ già
Để đối phó với chi phí chăm sóc trẻ em cao, thế hệ bánh mì kẹp thường cần sự giúp đỡ từ cha mẹ.
Sau khi nghỉ hưu, bà Yang Mo (61 tuổi) đi từ quê nhà An Huy lên Bắc Kinh để giúp các con chăm sóc cho đứa cháu mới sinh. Bà Yang dành 12 tiếng một ngày để chăm cháu.
Từ 7h đến 19h, bà cho cháu ăn, tắm và chơi, rồi nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa trước khi giao lại đứa trẻ cho con gái mình khi cô đi làm về.
"Tôi không dám bị ốm. Lúc đó lấy ai ra chăm đứa bé được", bà Yang nói với Caixin.
Để giảm chi phí, nhiều ông bà trở thành người trông trẻ. Ảnh: AFP. |
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, có khoảng 42 triệu trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi ở Trung Quốc vào năm 2021, tỷ lệ nhập học tại nhà trẻ chỉ khoảng 5,5%. Khoảng cách đó có nghĩa hầu hết gia đình có trẻ sơ sinh phải dựa vào ông bà để chăm sóc em bé.
Yang Wenzhuang, Giám đốc Cục Giám sát Dân số và Phát triển Gia đình của Ủy ban, cho biết chi phí chăm sóc trẻ chiếm gần 50% thu nhập trung bình của một gia đình và 80% trẻ dưới 3 tuổi được chăm sóc bởi ông bà.
Tuy nhiên, khi chính quyền khuyến khích người dân sinh thêm con, mô hình chăm sóc trẻ em dựa vào ông bà có thể không còn hữu ích. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ông bà ít tham gia vào việc chăm sóc cháu thứ hai hơn cháu thứ nhất.
Giáo sư Yang tại Đại học Minzu giải thích ngày càng nhiều người già có kế hoạch nghỉ hưu riêng và không sẵn sàng dành hết tâm sức cho việc chăm sóc các cháu. Thực tế, ngay cả khi họ muốn, sức khỏe ngày càng yếu cũng không cho phép họ làm vậy.