Các công ty phát hành thẻ cào giúp sức cho ổ bạc nghìn tỷ thế nào?
Thứ sáu, 16/11/2018 06:46 (GMT+7)
06:46 16/11/2018
Quá trình hoạt động, cổng thanh toán Paygate247 của CNC sử dụng dịch vụ thanh toán qua thẻ cào trả trước với các công ty Homedirect, NLEXU, NetViet, Softpin, CNC card,..
Sáng 16/11, phiên tòa xét xử nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ bước sang ngày thứ làm việc thứ 5. HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo thuộc các công ty trung gian thanh toán giúp sức nhóm tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip.
50 triệu thẻ cào trị giá 3.995 tỷ nạp vào Rikvip
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, từ tháng 4/2015 đến tháng 8/2017, hệ thống game bài Rikvip được ông Phan Văn Vĩnh dung túng có gần 43 triệu tài khoản đăng ký và gần 6.000 tài khoản đại lý.
Quá trình hoạt động, cổng thanh toán Paygate247 của Công ty CNC sử dụng dịch vụ thanh toán qua thẻ cào trả trước với các công ty Homedirect, NLEXU, NetViet, Softpin, CNC card, VTC GoodPay...
Bị cáo Phạm Quang Minh. Ảnh: Việt Linh.
Cơ quan chức năng xác định riêng giai đoạn từ tháng 12/2016 đến ngày 29/8/2017 có 50 triệu thẻ cào tương ứng số tiền là 3.995 tỷ đồng được nạp vào các dịch vụ Rikvip. Trong đó, cổng thanh toán NetViet gạch gần 43 triệu thẻ tương ứng số tiền 3.259 tỷ đồng. Cổng thanh toán CNC card cũng gạch hơn 4 triệu thẻ tương ứng số tiền là 475 tỷ đồng...
Ngoài ra, còn có hàng chục triệu thẻ viễn thông dùng nạp vào hệ thống game bài Rikvip/Tip.Club giai đoạn trước và sau 1/9/2016 có thể trùng khớp hoặc không trùng khớp với dữ liệu thẻ viễn thông được cung cấp bởi 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone.
Căn cứ tài liệu thu thập và số liệu Phan Sào Nam cung cấp, cơ quan điều tra xác định có hơn 9.850 tỷ đồng được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, 23ZDO và Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành. Trong đó, tiền đánh bạc được nạp qua thẻ viễn thông, thẻ game là 8.800 tỷ.
Các công ty trung gian thanh toán được phân chia 252 tỷ đồng. Theo thống kê, HomeDirect nhận gần 9 tỷ, VNPT EPAY là gần 54 tỷ đồng, Công ty GTS là 188 tỷ…
Bóng hồng mong có cơ hội khắc phục sai lầm
Tháng 9/2015, nhóm điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ kết nối thêm với cổng thanh toán của Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT EPAY do Châu Nguyên Anh làm giám đốc điều hành. Đây là một trong 3 công ty trung gian thanh toán chấp nhận thanh toán các khoản tiền ngoài hóa đơn cho công ty Giải pháp Việt - doanh nghiệp được lập để thay Công ty CNC nhận tiền từ việc tổ chức đánh bạc.
Theo điều tra, các khoản tiền thanh toán không hóa đơn được rút ra để giao cho Nguyễn Văn Dương sử dụng cá nhân, không hạch toán vào CNC.
Trả lời HĐXX, Châu Nguyên Anh nói việc thanh toán một phần tiền mặt cho khách hàng là sai luật kế toán nhưng VNPT EPAY vẫn thực hiện nhằm giữ khách hàng. Là giám đốc điều hành nhưng khi ký hợp đồng với Công ty Giải pháp Việt, bị cáo không trực tiếp bàn bạc nên không hợp tác về việc tổ chức đánh bạc.
Bị cáo Châu Nguyên Anh. Ảnh: Việt Linh.
Châu Nguyên Anh khai bản thân chỉ liên quan việc nâng khống hơn 650 tỷ đồng của 49 tờ hóa đơn GTGT do một công ty khác xuất cho VNPT EPAY nhằm hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn. Số tiền chênh lệnh được rút để chuyển cho CNC. VNPT EPAY được hưởng 53 tỷ từ việc này nhưng Châu Nguyên Anh không chiếm hưởng mà hạch toán tất cả vào công ty.
“Bị cáo vi phạm với tư cách người đại diện pháp luật công ty, còn bị cáo không hưởng lợi cá nhân. Bị cáo mong muốn có cơ hội khắc phục sai lầm”, Nguyên Anh nói tại tòa.
Ban đầu, nguyên Giám đốc điều hành VNPT EPAY bị cáo bị cơ quan điều tra khởi tố về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Mua bán trái phép hóa đơn. Hết thời hạn điều tra, cơ quan công an chưa chứng minh làm rõ được Châu Nguyên Anh đồng phạm trong việc tổ chức đánh bạc nên viện kiểm sát đã đình chỉ điều tra đối với nữ bị cáo về tội Tổ chức đánh bạc.
Liên quan đến việc này, đại diện của VNPT EPAY đề nghị HĐXX xem xét trừ các khoản chi hợp lý trong số 53 tỷ công ty hưởng lợi như đã viện kiểm sát áp dụng cho các doanh nghiệp khác như Viettel, MobiFone, Vinaphone. Tuy nhiên, cơ quan công tố cho rằng Châu Nguyên Anh ký hợp đồng khi không có đủ thông tin, hồ sơ về đối tác. Cho rằng hợp đồng này vô hiệu nên viện kiểm sát không trừ các khoản chi phí cho hoạt động vi phạm.
Ký kết đối tác vì nghĩ CNC là công ty bình phong
Chiều 15/11, HĐXX dành nhiều thời gian xét hỏi nhóm điều hành Công ty CP dịch vụ Home Direct - doanh nghiệp kết nối cổng thanh toán với game bài Rikvip để thanh toán qua thẻ cào trả trước.
Trương Đức Đô - bị cáo từng phụ trách kinh doanh của Home Direct - nói công ty hợp tác làm ăn khi đối tác gửi thông tin đăng ký kinh doanh. Theo nguyên tắc này, Home Direct đã ký kết hợp đồng hợp tác dịch vụ gạch thẻ cho game bài Rikvip của CNC.
Trương Đức Đô, phụ trách kinh doanh của Home Direct. Ảnh: Việt Linh.
Tháng 9/2015, bị cáo này nhận được email của một doanh nghiệp viễn thông cảnh báo hệ thống của Home Direct gạch thẻ cho game bài đánh bạc Rikvip. "Lúc đó, bị cáo mới biết Rikvip là game bài đổi thưởng”, Đô khai sau đó anh ta đã rà soát các đối tác cung cấp thẻ cho người chơi và yêu cầu họ ngừng sử dụng thẻ này cho game bài đổi thưởng.
Còn CEO Công ty HomeDirect Nguyễn Hoàng Linh khai trước khi ký kết với CNC, bị cáo đã đến tham quan trụ sở công ty ở số 10 Hồ Giám, Hà Nội. Vì thế, Linh tin rằng đối tác là công ty bình phong của C50.
Thời điểm một doanh nghiệp viễn thông có văn bản cảnh báo, Linh nghĩ Rikvip là game bài đổi thưởng chưa có giấy phép. “Tuy nhiên, bị cáo chưa phân biệt được game bài đổi thưởng và đánh bạc nên tiếp tục hợp tác”, Linh thừa nhận do thiếu hiểu biết pháp luật nên nghĩ việc hợp tác với CNC nếu có vi phạm cũng chỉ bị phạt hành chính.
Cơ quan điều tra nói có đủ căn cứ xác định tài khoản “Hoguom simdep” là của Thanh. Tuy nhiên, nữ bị cáo này nói tài khoản “Hoguom simdep” không chỉ có Thanh dùng.
Trần Thiện Tiến trình bày trước khi đến tòa, anh ta bị ốm nên phải uống nhiều thuốc, đầu óc không tỉnh táo. Trước HĐXX, Tiến rút lại lời phản cung hôm qua.