Năm 2021, một trong những đối tượng được tham gia phương thức xét tuyển tài năng là thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh, thành phố; thí sinh được chọn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Học sinh cần học và được chơi trong “sân” đúng tuổi và năng lực của mình. Ảnh: Tiền Phong. |
Tại ĐH Ngoại thương, đối tượng tham gia xét tuyển thẳng gồm thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi HSG cấp tỉnh, thành phố lớp 11, lớp 12 (bao gồm thí sinh thi vượt cấp) các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của nhà trường.
ĐH Kinh tế Quốc dân cũng xét tuyển kết hợp với thí sinh thỏa mãn cùng lúc hai điều kiện đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi HSG cấp tỉnh, thành phố hoặc giải khuyến khích HSG quốc gia và có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường (18 điểm). Một số trường ĐH còn xét học lực 5 kỳ của học sinh. Chỉ cần ở mức khá, giỏi, thí sinh được tuyển thẳng.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng số lượng HSG tăng phần nào phản ánh chất lượng giáo dục tăng, nhưng số lượng tăng đột biến gây nên lo ngại về việc đánh giá thực chất năng lực của học sinh.
Theo thầy Bình, những năm gần đây, các cuộc thi HSG, KHKT đang có dấu hiệu bị lạm dụng về kết quả, chưa thực chất và bị tô vẽ quá nhiều. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhìn nhận, cần có cơ chế để trả lại giá trị thực cho các cuộc thi.
Trước những băn khoăn liên quan cuộc thi KHKT, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ nghiên cứu về đề xuất bỏ xét tuyển.