Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các địa đạo nổi tiếng của Việt Nam

Tới thăm những địa danh này, bạn sẽ được thử sinh hoạt, ăn uống những món của cư dân địa đạo trước đây.

Việt Nam trải qua quá trình chiến tranh lâu dài và ác liệt. Sau những chiến thắng vẻ vang của lớp cha anh đi trước đã để lại rất nhiều di tích lịch sử quý báu cho thế hệ mai sau. Và hệ thống địa đạo là một trong những gì thể hiện giá trị lịch sử, ý trí đấu tranh và tài quân sự mưu lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Địa đạo Củ Chi

Với chiều sâu nhất đến 8m cùng với thổ đất sét pha ong mà địa đạo trước đây chịu được sức công phá ghê gớm của bom đạn.
Với chiều sâu nhất đến 8m cùng với thổ đất sét pha ong mà địa đạo trước đây chịu được sức công phá ghê gớm của bom đạn.

Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, cách TP.HCM 70km về phía Tây Bắc. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, dài trên 200km, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu. Địa đạo Củ Chi thể hiện ý chí kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi, là biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng của dân tộc Việt Nam. Củ Chi đã được tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”.

Ngày nay địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử du lịch, văn hóa nổi tiếng ghi dấu những chiến công các chiến sĩ, quân dân Việt Nam. Địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách đến thăm TP. HCM. Họ sẽ được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những chiến sĩ thực thụ trước đây (tham quan, ăn uống những món ăn của cư dân địa đạo).

Địa đạo Vịnh Mốc

Hệ thống giao thông hào tại địa đạo Vĩnh Mốc.
Hệ thống giao thông hào tại địa đạo Vịnh Mốc.

Địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là một công trình quân - dân sự trong Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo tồn tại ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong suốt những năm 1965 - 1972. Cấu tạo địa đạo như một ngôi làng dưới lòng đất với rất nhiều căn hộ đủ chỗ cho 3 đến 4 người ở, 3 giếng nước, hội trường với sức chứa 50 người, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại…

Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng: tầng thứ nhất sâu 12m, dùng để sinh sống, tầng thứ hai cách mặt đất 15m, được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hay hội họp và tầng cuối cùng sâu 23m, được dùng để tránh bom. Hiện địa đạo Vĩnh Mốc nằm trong hệ thống các điểm du lịch khu phi quân sự. Hàng ngày, nơi đây đón tiếp hàng trăm lượt khách tham quan, nhiều nhất là các cựu quân nhân từng chiến đấu ở đây.

Địa đạo Nhơn Trạch

Lực lượng đào địa đạo khoảng 20 người thay phiên nhau, đào bằng dụng cụ thô sơ như: cuốc, xẻng.
Lực lượng đào địa đạo khoảng 20 người thay phiên nhau, đào bằng dụng cụ thô sơ như: cuốc, xẻng.

Vùng Phước An vốn là rừng nguyên sinh lòng chảo, một thời được mệnh danh là "Thủ đô của Long Thành kháng chiến chống Pháp". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, rừng lòng chảo là căn cứ hoạt động của Huyện ủy Nhơn Trạch với hệ thống địa đạo, giao thông hào, ô ụ chiến đấu cùng lán trại trên mặt đất. Lực lượng đào địa đạo khoảng 20 người thay phiên nhau, đào bằng dụng cụ thô sơ như: cuốc, xẻng đã khởi công vào đúng ngày 19/5/1963 nhân kỷ niệm 73 năm ngày sinh Bác Hồ.

Địa đạo có kết cấu hình vòm nằm sâu dưới mặt đất từ 5 đến 7m, cao từ 1,8m đến 2m, rộng từ 1m đến 1,2m. Bên trong địa đạo có nhiều lỗ thông hơi, ngách rẽ sang hai bên, hầm bí mật, giếng nước, bếp Hoàng Cầm... Địa đạo có thể chịu đựng sức công phá của bom 250kg, chứa được từ 300 đến 500 người. Sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống địa đạo dài 1,5km này không còn nguyên vẹn, chỉ còn giữ lại gần 200m. Mặc dù vậy, ý nghĩa lịch sử của căn cứ cách mạng này là rất lớn nên ngày 19/1/2001, Bộ VHTT đã xếp hạng địa đạo Nhơn Trạch là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện địa đạo đang mở cửa cho du khách tham quan.

Địa đạo Khe Trái, Thừa Thiên - Huế

Địa Đạo Khe Trái là một trong những di tích lịch sử chứng minh hùng hồn sự kiện lịch sử đặc biệt điển hình của quân và dân Trị Thiên - Huế trong quá trình chuẩn bị, chiến đấu và kết thúc chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Địa đạo nằm ở đồi 160 thuộc địa bàn phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có 3 cửa đều nằm trên triền dốc của đồi 160. Từ ba cửa số 1, 2, 3 đi vào bên trong là lòng địa đạo. Nơi đây có các hầm ngủ, hầm hội họp… Ngoài ra, còn có cây khô ở các vách hầm, được dùng làm trụ để mắc võng.

Địa đạo là một kiểu trụ sở của Bộ chỉ huy chiến dịch, một kiểu “cơ quan” của Quân khu, của Khu ủy và Thành uỷ Huế được xây dựng ở vùng rừng núi, góp phần làm phong phú và đa dạng các loại kiểu địa đạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của Công binh Quân khu Trị Thiên - Huế trong việc xây dựng căn cứ cách mạng, làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta.

Địa đạo Vĩnh Linh

Nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, vùng đất phải hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Vịnh Mốc với chiều dài hơn 1,7km với hệ thống giao thông hào chằng chịt là công trình ghi dấu sự sáng tạo và ý chí quật cường của quân và dân Quảng Trị.

Địa đạo Vĩnh Linh là hệ thống địa đạo độc đáo được xây dựng từ năm 1966 đến năm 1968. Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã trở thành lá chắn thép, che chở, bảo vệ vững chắc, hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất về người và tài sản, phục vụ tốt cho việc sinh hoạt và chiến đấu. Nhờ có hệ thống này, quân và dân Vĩnh Linh có đủ điều kiện để bám trụ kiên cường đánh trả các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ - Ngụy, lập lên chiến công vang dội: bắn rơi 239 máy bay, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến các loại, đẩy lùi nhiều toán gián điệp, biệt kích..

Tuy nhiên, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân, hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh phần lớn đã bị biến mất hoặc xuống cấp.

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/cac-dia-dao-noi-tieng-cua-viet-nam.html

Theo Tuyết Hạnh/ Báo Xây Dựng

Bạn có thể quan tâm