Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan vào Việt Nam tăng trưởng đột biến.
Hết tháng 1/2017, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN đạt 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước. Chỉ riêng tháng 1, lượng xe nhập khẩu bằng 45% so với cả năm 2016.
Toyota Fortuner là một trong những mẫu xe nhập khẩu ăn khách nhất tại Việt Nam. |
Tháng 2/2017, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam càng tăng trưởng mạnh. Phân khúc xe dưới 9 chỗ ngồi là 4.178 chiếc, trong đó xe nhập từ Thái Lan chiếm 3.159 xe và Indonesia 1.285 xe.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ xe hơi nhập khẩu tăng mạnh tại Việt Nam do chính sách thuế nhập khẩu giảm từ 40 về 30% từ 1/1. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp giá xe nhập giảm mạnh, cạnh tranh công bằng với xe lắp ráp trong nước vốn được hưởng ưu đãi thuế suất nhưng có giá tương đương.
Ngoài ra, xe nhập khẩu có nhiều trang bị, đầy đủ hệ thống an toàn và chất lượng được kiểm định chặt chẽ hơn nên người dùng ngày càng ưa chuộng.
Các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN đang bán tại Việt Nam (số liệu VAMA 2 tháng đầu năm 2017). |
Tuy nhiên so với toàn thị trường, lượng xe nhập khẩu nói chung và xe nhập khẩu từ ASEAN nói riêng vẫn khá hạn chế, chiếm số lượng ít so với xe lắp ráp trong nước. Trong số 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam tháng 2/2017, chỉ hai mẫu xe lọt danh sách này là Toyota Fortuner, Ford Ranger, 8 mẫu xe bán chạy có nguồn gốc lắp ráp trong nước.
Phân khúc sedan hạng B và hạng C, xe nhập khẩu chỉ góp mặt với vài mẫu và tỷ lệ khá nhỏ so với xe lắp ráp. Cụ thể tại phân khúc B, chỉ có Toyota Yaris, Suzuki Ciaz, Mitsubishi Attrage và Kia Rio là xe nhập khẩu, chiếm tỷ lệ 18,4%.
Xe lắp ráp trong nước vẫn chiếm phần lớn thị phần phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam.
|
Phân khúc C hiện chỉ Honda Civic được nhập khẩu từ Thái Lan, chiếm tỷ lệ 5,7%, tất cả các xe còn lại đều lắp ráp trong nước.
Phân khúc D, Honda Accord và Kia Optima là hai mẫu xe nhập khẩu nhưng có doanh số khá khiêm tốn so với Toyota Camry và Mazda 6 lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên hầu hết dòng xe bán tải và SUV hạng D tại Việt Nam đều là xe nhập khẩu. Hai phân khúc này có sự góp mặt của những tên tuổi nổi bật nhất thị trường như Toyota Fortuner, Ford Ranger.
Phân khúc C chỉ mình Honda Civic là xe nhập khẩu. |
Nhìn chung, việc chuyển dịch từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc giúp người dùng có thêm lựa chọn. Xe lắp ráp chịu áp lực trước xe nhập khẩu nên phải liên tục giảm giá. Cụ thể, Mazda liên tục đưa ra mức giá sốc để cạnh tranh, Mazda 6 bản cũ giảm còn 840 triệu đồng.
Một "đại gia" bề thế trong ngành ôtô Việt Nam là Toyota trước đây thường bán cao hơn giá đề xuất nhưng hiện nay buộc phải giảm giá để tăng sức cạnh tranh.
So sánh doanh số các dòng xe bán tải nhập khẩu ASEAN tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2017. |
Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ôtô nội khối ASEAN về mức 0%, số dòng xe nhập khẩu sẽ tăng đột biến. Các hãng xe trong nước hoặc giảm giá thành để cạnh tranh, hoặc sẽ chuyển hướng toàn bộ qua nhập khẩu để giữ thị phần.