Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ 29/4 đến 3/5), là thời điểm lý tưởng cho các chuyến du lịch cùng gia đình. Lo sợ tình trạng cháy phòng, nhiều người đã bắt đầu lên kế hoạch du lịch và liên hệ đặt vé máy bay, book phòng từ tháng trước.
Các chặng bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Huế, Đồng Hới, Quy Nhơn, Tuy Hòa... "cháy vé" dịp nghỉ lễ khiến Cục Hàng không phải đề nghị hãng bay tăng chuyến. Nhiều khách sạn ở Phan Thiết (Bình Thuận), Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang) đã kín phòng trước cả tháng.
Du lịch ngày lễ vừa có thuận lợi lẫn bất tiện, trong đó vấn đề tài chính cũng khiến các gia đình phải đắn đo, cân nhắc nhiều. Zing phỏng vấn 5 gia đình để tìm hiểu mức chi, kế hoạch, kinh nghiệm cũng như quan điểm du lịch của họ trong giai đoạn này.
Anh Khang (sinh năm 1997, Hà Nội)
Thời gian du lịch: từ 29/4 đến 7/5
Số thành viên tham gia: 3 người, gồm vợ chồng Khang và con trai 4 tuổi
Điểm đến: Hàn Quốc
Số tiền dự định chi: 25 triệu đồng/người
Kinh nghiệm và quan điểm: Đây là lần đầu tiên chúng tôi tới Hàn Quốc, lại đi theo diện tự túc nên hành trình sẽ khá thoải mái. Chúng tôi dự kiến thăm thú một số điểm du lịch nổi tiếng ở Busan và Seoul trong quãng thời gian này, nếu có thể sẽ đi chơi một số bãi biển.
Vợ chồng tôi cũng xác định sẽ không chi tiêu theo kiểu tiết kiệm hay quá tính toán mà ưu tiên thoải mái, không ngại chi trả theo ý thích cá nhân vì đi du lịch mà, không phải lúc nào cũng như vậy, miễn sao có trải nghiệm đáng nhớ cho cả nhà.
Về chuyện ăn uống hay chỗ vui chơi, chắc hai vợ chồng cũng xem các clip review, giới thiệu để tham khảo, không quá o ép phải đi đến những địa điểm nhất định.
Như Huyền (sinh năm 1993, TP.HCM)
Thời gian du lịch: từ 1/5 đến 3/5
Số thành viên tham gia: 6 người, gồm vợ chồng Huyền, bố mẹ, em gái và dì
Điểm đến: Cần Thơ và Tiền Giang
Số tiền dự định chi: khoảng 23 triệu đồng cho tổng 6 người. Các khoản cụ thể gồm: thuê xe 7 chỗ 3 ngày tổng 4,2 triệu đồng, khách sạn 1,3 triệu đồng, tour khám phá 2 ngày 1 đêm tổng 10,8 triệu đồng, ăn uống mua sắm rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng.
Kinh nghiệm và quan điểm: Gia đình chúng tôi luôn đi du lịch theo kiểu có kế hoạch cụ thể. Thông thường, chúng tôi lập kế hoạch trước 2-4 tuần, tùy theo đối tượng đi chơi, ví dụ người lớn tuổi sẽ lập kế hoạch theo kiểu nghỉ dưỡng, người trẻ tuổi sẽ lên lịch trình thiên về khám phá hơn.
Từ khi kết hôn đến nay, gia đình nhỏ của tôi đã đi rất nhiều chuyến cùng nhau, trung bình 3-4 lần/năm. Chuyến thăm Hà Nội vào năm ngoái là kỷ niệm đáng nhớ nhất vì có đầy đủ thành viên và đi đúng vào mùa nóng nhất của thành phố.
Theo tôi, khó khăn lớn nhất khi du lịch gia đình là cùng nhau sắp xếp thời gian, công việc và cân đối các khoản chi. Quan điểm của gia đình tôi là luôn ưu tiên sự thoải mái, mọi người đều được ăn ngon, ở chỗ đẹp và tận hưởng dịch vụ chu đáo.
Diệp Khanh (sinh năm 1993, Hà Nội)
Thời gian du lịch: từ 29/4 đến 2/5
Số thành viên tham gia: 3 người, gồm vợ chồng Khanh và con
Điểm đến: Hải Phòng
Số tiền dự định chi: khoảng 2 triệu đồng. Các khoản cụ thể gồm: tiền xe khách 130.000/người/chiều, tiền taxi 300.000 đồng, food tour 200.000 đồng/người, tiền đi họp lớp của chồng khoảng 300.000 đồng/người.
Kinh nghiệm và quan điểm: Nhà chồng tôi ở Đồ Sơn, Hải Phòng nên cả gia đình dự định vừa kết hợp thăm bố mẹ, vừa đi chơi loanh quanh thành phố trong mấy ngày lễ. Lần nào về, cả nhà cũng tranh thủ làm một chuyến food tour vì đồ ăn ở đây thực sự rất ngon.
Từ khi có con, mỗi lúc du lịch gia đình, vợ chồng tôi luôn ưu tiên sự thoải mái và tiết kiệm. Chỗ ăn nghỉ cần tiện nghi, đẹp đẽ nhưng cũng phải hợp túi tiền.
Nếu dự định du lịch vào các đợt lễ, chúng tôi thường lên kế hoạch trước một vài tháng để tiết kiệm được chi phí vé máy bay, chỗ nghỉ và thu xếp công việc. Tôi cũng lên sẵn danh sách sẽ đi đâu, làm gì, ăn ở thế nào trong những ngày đi chơi để chuyến đi được trọn vẹn nhất có thể.
Tôi thấy trong ngày lễ, các loại phí dịch vụ đều tăng. Điều này khiến các gia đình muốn du lịch gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, địa điểm nào cũng đông đúc trong những ngày này. Gia đình muốn đi nghỉ ngơi, ngắm cảnh vật, ăn uống thoải mái thì lại gặp cảnh chen chúc, đợi chờ.
Thu Hằng (Hà Nội)
Thời gian du lịch: từ 1/5 đến 6/5
Số thành viên tham gia: 5 người lớn, 2 trẻ em, gồm ông bà, em trai, vợ chồng Thu Hằng và 2 con của vợ chồng cô
Điểm đến: Singapore
Số tiền dự định chi: 210 triệu đồng (đã chi 46 triệu đồng tiền vé máy bay, 90 triệu đồng tiền khách sạn, dự tính vé các điểm tham quan là 24 triệu đồng, mua sắm, ăn uống 50 triệu đồng)
Kinh nghiệm và quan điểm: Vì nhà có người già và trẻ nhỏ, chúng tôi lên trước kế hoạch di chuyển, thăm thú nhưng cũng còn tùy theo sức khỏe của các thành viên để sắp xếp. Nếu có thể, cả nhà sẽ đến thăm những điểm du lịch nổi tiếng như công viên Garden by the Bay, đảo Sentosa, khu vinh Marina, Chinatown…
Chúng tôi cũng không đặt nặng chuyện mua sắm, ưu tiên trải nghiệm thoải mái cho gia đình và đưa các bé đi chơi, tham quan. Trước đây, các thành viên cũng từng cùng nhau du lịch Thái Lan, Nha Trang và đều chung tinh thần như vậy.
Hà My (sinh năm 1991, Hà Nội)
Thời gian du lịch: 6 ngày, 5 đêm, gồm 2 đêm cắm trại và 3 đêm ngủ khách sạn trên đường đi
Số thành viên tham gia: vợ chồng My cùng hai gia đình bạn bè
Điểm đến: cắm trại, nghỉ ngơi dọc theo cung đường từ Hà Nội đến Huế
Số tiền dự định chi: chưa tính trước số tiền, nhưng chủ yếu sẽ sử dụng đồ có sẵn (lều, trại) và cố gắng tiết kiệm
Kinh nghiệm và quan điểm: Nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm ngoái, gia đình tôi đi cắm trại tại Mỏ Mạ, Hữu Lũng, Lạng Sơn và kết hợp nghỉ một đêm ở homestay.
Theo tôi, du lịch, cắm trại ngày lễ vừa có mặt lợi lẫn mặt bất tiện. Thuận lợi là bạn sẽ không bị vướng bận công việc, sắp xếp thời gian dễ dàng hơn nhiều. Nhưng cũng vì nhu cầu du lịch lớn nên các địa điểm đều đông đúc, đặt chỗ sẽ khó khăn.
Khách đông thì dịch vụ cũng không bằng ngày thường mà giá cả còn cao hơn. Như năm nay tôi có đặt khách sạn ở Huế thì phụ thụ lên đến 20% và mất khá nhiều thời gian mới chọn được nơi ưng ý.
Nếu đi chơi theo nhóm vào ngày thường, vợ chồng tôi thường có kế hoạch trước 1-2 tuần, nhưng với dịp lễ tết thì phải lập trước 1 tháng. Nhà tôi có 2 bạn nhỏ và đều thích các điểm tự nhiên ít có tác động của con người, nên mất khá nhiều thời gian cho việc tìm hiểu địa hình, thời tiết và giao thông.
Gia đình tôi mong muốn mỗi tháng cả nhà có ít nhất một chuyến đi chơi cùng nhau. Mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm riêng nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là lần gia đình đi cung đường biển từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đến Mũi Né (Bình Thuận).
Đó là chuyến đi xa đầu tiên sau đợt giãn cách vì dịch Covid-19. Tất cả thành viên đều rất háo hức sau 2 năm chỉ loanh quanh gần Hà Nội.
Quan điểm du lịch của gia đình tôi là không quá quan tâm giá cả, nhưng vẫn sẽ tiết kiệm, chứ không chi tiêu phung phí để rèn tính cho các con.