Nature Medicine vừa công bố kết quả nghiên cứu của Trung Quốc về khả năng miễn dịch của những người nhiễm SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh.
Các nhà khoa học từ Đại học Y Trùng Khánh, Trung Quốc, đã nghiên cứu 37 người ở quận Vạn Châu mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng lâm sàng trong 14 ngày trước và trong khi nhập viện. Họ cũng so sánh phản ứng miễn dịch của những người này với 37 bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng cụ thể.
"Trong nghiên cứu này, chúng tôi quan sát thấy rằng nồng độ kháng thể Immunoglobulin G (IgG) và kháng thể trung hòa ở hầu hết người mắc Covid-19 (cả có triệu chứng và không có triệu chứng) đã hồi phục bắt đầu giảm trong vòng 2-3 tháng sau khi nhiễm bệnh", các tác giả nghiên cứu cho hay. Sau 8 tuần xuất viện, mức kháng thể trung hòa giảm 80% ở những bệnh nhân không có triệu chứng, so với khoảng 62% ở những bệnh nhân có triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những người mắc Covid-19 không có triệu chứng cụ thể, kháng thể của họ yếu đi nhanh hơn so với những người mắc bệnh có triệu chứng rõ ràng.
Những bệnh nhân không có triệu chứng cũng có mức cytokine thấp hơn. Cytokine là protein nhỏ được các tế bào khác nhau trong cơ thể tạo ra để phản ứng với nhiễm trùng. Những protein này nếu không được kiểm soát có thể gây ra tình trạng viêm quá mức.
Mức độ kháng thể ở những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục giảm mạnh sau 2-3 tháng khởi phát bệnh. Ảnh: Pharmaceuticaltechnology. |
Nghiên cứu cũng phát hiện thời gian lây nhiễm virus trung bình ở 37 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ là 14 ngày, ngắn hơn so với các báo cáo trước đây. Trong khi đó, nhóm không có triệu chứng có thời gian lây nhiễm virus lâu hơn đáng kể - 19 ngày.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 tồn tại ít nhất một năm trong khi nồng độ IgG duy trì được trong hơn 2 năm sau khi nhiễm bệnh. Đồng thời, phản ứng kháng thể ở những người mắc bệnh được xác nhận trong phòng thí nghiệm kéo dài ít nhất 34 tháng.
Do vậy, kết quả của nghiên cứu mới cho thấy mức độ kháng thể đối với virus corona có thể suy giảm nhanh hơn rất nhiều.
Mặc dù nghiên cứu ở phạm vi nhỏ và có những hạn chế, kết quả cũng cho thấy cần cẩn trọng khi cấp "hộ chiếu miễn dịch" Covid-19, tức là không tái nhiễm với virus SARS-CoV-2, cho những người đã khỏi bệnh.
Theo Giáo sư Dịch tễ học lâm sàng Liam Smeeth, Đại học London School of Hygiene & Tropical Medicine (Anh), khoảng 1/5 số người mắc Covid-19 trên thế giới không có triệu chứng. Vì vậy, đây là nghiên cứu thú vị với những phát hiện quan trọng, đặc biệt là khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 giảm khá nhanh ở nhiều người. Ông Liam cũng khẳng định cần nhiều nghiên cứu lớn hơn với thời gian theo dõi lâu, số lượng người tham gia nhiều hơn để xác định thời gian miễn dịch dựa trên kháng thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng để lại băn khoăn cho các nhà khoa học. Giáo sư Charles Bangham, Trưởng khoa Miễn dịch học, Đại học Imperial College London (Anh), cho biết thật khó để so sánh chính xác thời gian phát tán virus giữa nhóm không có triệu chứng và có triệu chứng trong nghiên cứu này vì không chắc chắn thời điểm bệnh nhân nhiễm virus.
"Có thể những người mắc bệnh có triệu chứng được phát hiện sớm hơn, vì vậy, họ có thể loại bỏ virus sớm hơn những người không có triệu chứng", ông Bangham cho hay.
Ông Bangham cũng cho biết phản ứng kháng thể thấp hơn không nhất thiết là phản ứng miễn dịch yếu và kém hiệu quả hơn.
"Để hiểu rõ hơn về đáp ứng miễn dịch với SARS-CoV-2 ở những người này, cần phải kiểm tra phản ứng của tế bào lympho T với virus. Phản ứng tế bào T rất cần thiết để khẳng định phản ứng kháng thể hiệu quả và khả năng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể", ông Bangham khẳng định.