Bào chế ma túy giả từ thuốc Tây, cơm đen
Tội phạm ma túy thời nào cũng ranh ma, xảo quyệt. Các đối tượng biết hình phạt khi bị bắt sẽ rất nghiêm khắc nên bất chấp thủ đoạn. Quay lại quá khứ để nhìn thấy thủ đoạn pha trộm ma túy giả tinh vi của các những kẻ đầu sỏ trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy do Nguyễn Văn Hải (tức Hải “luận”) cầm đầu.
Đây là vụ án có số tang vật bị thu giữ được cho là “kỷ lục” nhất nước lúc bấy giờ (khoảng 2.350 bánh heroin, tương đương 800 kg).
Trong đám tay chân thân tín của Hải “luận” có Phạm Văn Hạnh (tức Hạnh “cầm”) và Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng “lừng). Thời điểm đầu năm 2001, hai đối tượng này kết hợp mua heroin từ Campuchia về Việt Nam bán lại.
Máy ép của tội phạm sử dụng để ép bánh ma túy. |
Từ một đầu mối từ Campuchia, Hạnh “cầm” đã học được cách thức pha trộn để cho ra heroin kém chất lượng. Theo đó, cứ 10 bánh mua về (giá 4.000 USD/bánh), Hải “luận” và Dũng “lừng” xay nhuyễn rồi cho thêm paracetamol, cafein vào dùng máy ép thành 11 bánh.
Với thủ đoạn pha trộn, làm ma túy giả vào thời điểm bấy giờ chưa nhiều đầu nậu nghĩ tới, sau 2 năm hoạt động đường dây này có một lượng ma túy lên đến hàng trăm bánh tuồn về Việt Nam tiêu thụ cho các “đại lý” cấp dưới.
Những năm về sau, vụ án “ông trùm” ma túy Trịnh Nguyên Thủy lãnh án tử vì tội sản xuất trái phép và mua bán chất ma túy, cơ quan điều tra được biết thêm về cách thức bào chế ma túy giả chưa từng biết của nhóm tội phạm đường dây này. Các đối tượng đã được “dạy” cách bào chế “cơm đen” thành heroin. Từ 100kg thuốc phiện nguyên liệu chúng chế thành 8kg heroin (khoảng 25 bánh).
Hòng tăng lợi nhuận cũng như độ "phê" như heroin “nguyên chất”, ông trùm Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn còn cho thêm những loại a-xít có thành phần là chất độc, chất phụ gia hóa học.
Biến chất hóa học, bột ngọt thành… ma túy tổng hợp
Qua khám phá 2 vụ án trên cho thấy, càng về sau tội phạm ma túy càng ma mãnh, ngày càng có nhiều chiêu pha trộn ma túy để tăng trọng lượng, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc du nhập các loại ma túy tổng hợp dạng viên mới cũng làm cơ quan chức năng bối rối, không biết xử lý ra sao.
Các loại ma túy tổng hợp dạng viên cũng được làm giả tinh vi. |
Đơn cử như vụ việc xảy ra vào cuối tháng 3/2012, Trịnh Kim Dung (26 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) bị bắt quả tang tàng trữ lượng lớn ma túy tổng hợp mà thành phần là chất Para-Methoxymethamphetamine (PMMA). Đây là chất không nằm trong danh mục chất cấm ở Việt Nam nên cơ quan công an không xử lý được đối tượng cùng lượng tang vật trên.
Sau đó vài tháng, hai phụ nữ bị kiểm tra phòng trọ tại quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội bị tình nghi tràng trữ ma túy tổng hợp. Kiểm tra nơi ở của hai người, công an thu giữ lượng lớn tinh thể bột màu trắng.
Qua giám định cho thấy, bột trên là hóa chất dimethylt trong đó có lượng ít ma túy tổng hợp. Đây là hóa chất được sử dụng như một loại dung môi dùng để sản xuất nhựa acrylic, thuốc nhuộm màu, thuốc trừ sâu….
Máy dập viên được các đối tượng sử dụng để sản xuất ma túy. |
Theo một điều tra viên từng khám phá nhiều vụ án ma túy cho biết, hơn chục năm trước hàm lượng heroin nguyên chất trong các bánh ma túy bị thu giữ vào khoảng từ 40% đến 60%. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tội phạm ma túy đã có nhiều thủ đoạn gian lận khó ngờ, chúng pha trộn thêm nhiều hóa chất độc hại được dùng trong công nghiệp.
Đến nay lượng heroin nguyên chất chỉ còn từ 10% đến 15%. Bên cạnh đó, tội phạm còn tự sản xuất ma túy đá tại chỗ với các loại máy dập viên, đóng gói với quy trình khép kín.
Vì hám lợi mà bất chấp thủ đoạn như “nữ quái” Đỗ Thị Hợi (48 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) thì ít ai có thể nghĩ ra. Một ngày đầu tháng 7/2012, Hợi bị công an phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội tạm giữ vì nghi ngờ mua bán ma túy.
Tuy nhiên khi mang tang vật dạng bột tinh thể thu giữ được trong người “nữ quái” này đi kiểm định cho thấy đó chỉ là bột ngọt. Khai báo tại cơ quan điều tra Hợi thừa nhận vì muốn kiếm tiền cho nên mới “sản xuất” loại ma túy đá giả như trên để bán cho các con nghiện.