Ngày 22/3, bước sang ngày thứ 4 xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm liên quan đến vụ PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank, VKS đã lần lượt đề nghị các mức án, trong đó ông Thăng bị đề nghị 18-19 năm tù, Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) 24- 26 năm tù...
Luật sư Phan Trung Hoài là một trong năm người tham gia bào chữa cho bị cáo Thăng có hơn 50 phút đối đáp với VKS về cáo buộc thân chủ của ông cố ý làm trái các quy định về tài chính dẫn đến việc PVN mất 800 tỷ khi vào Oceanbank.
Cần xem xét trách nhiệm đánh giá năng lực Oceanbank ở một số cơ quan
Một trong những nội dung được luật sư đi sâu phân tích là việc ông Thăng thực sự biết năng lực yếu kém của Oceanbank nhưng vẫn góp vốn, phớt lờ các yêu cầu của Bộ Tài chính hay không.
Theo ông Hoài, trong báo cáo kết quả làm việc giữa đại diện PVN và Oceanbank, Tập đoàn Dầu khí xác định Ngân hàng Đại Dương có quy mô nhỏ, tình hình tín dụng ở mức trung bình khá, có khả năng phát triển trong tương lai. Các vấn đề về tài chính sẽ được giải quyết khi PVN góp vốn nâng tổng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.
Khi Thủ tướng chấp thuận cho PVN góp vốn, các bộ ngành liên quan đều có văn bản tham mưu. Trong đó, văn bản của Bộ Tài chính khẳng định Tập đoàn Dầu khí đủ điều kiện tham gia góp vốn kèm một số khuyến cáo. Ông Phan Trung Hoài mong HĐXX xem xét trách nhiệm đánh giá năng lực Oceanbank không chỉ có HĐQT Tập đoàn Dầu khí mà còn có các cơ quan quản lý Nhà nước khác, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.
Trong phần tranh tụng, luật sư cho rằng cáo trạng quy buộc ông Đinh La Thăng ký ban hành nghị quyết thực hiện 3 lần góp vốn vào Oceabank là chưa chính xác. Cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí chỉ ký Nghị quyết lần góp vốn 400 tỷ, hai lần sau là các ông Vũ Xuân Trường, Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành.
Việc cáo buộc bị cáo Thăng ký quyết định góp vốn, bổ sung góp vốn khi Thủ tướng chưa đồng ý, theo ông Phan Trung Hoài là quan điểm buộc tội không toàn diện, khách quan. Vị luật sư chỉ ra rằng Nghị quyết của HĐQT có nội thống nhất chủ trương PVN góp 20% vốn điều lệ của Oceanbank, không phải là quyết định đầu tư. Tập đoàn dầu khí chỉ thực sự góp vốn sau khi Thủ tướng chấp thuận.
Luật sư Phan Trung Hoài - một trong 5 người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng . |
Luật sư thắc mắc phạm luật nhưng lại được cơ quan Nhà nước chấp thuận?
Luật sư Hoài cho rằng lần góp vốn 400 tỷ đồng (năm 2008) và 300 tỷ (năm 2010) có sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nên không thể cáo buộc ông Thăng liên quan đến số tiền thất thoát.
Trong các dẫn chứng nêu ra, người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng chỉ ra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra công tác quản lý tài chính doanh nghiệp tại PVN niên độ 2010-2011. Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương cũng thống nhất với đề xuất của PVN góp vốn mua cổ phần theo 20%, còn Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng.
Lần góp vốn thứ 3 (100 tỷ), ông Đinh La Thăng và các bị cáo trong quá trình điều tra nhìn nhận đã vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực, cơ quan chức năng không có văn bản hướng dẫn trình tự giải quyết đối với các tổ chức đang nắm giữ 20% cổ phần tổ chức tín dụng.
Theo lời khai của ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank), Ngân hàng Đại Dương khi làm thủ tục báo cáo Ngân hàng Nhà và Ủy ban chứng khoán về việc tăng vốn đã không nhận cảnh báo hoặc bất cứ ý kiến nào của các cơ quan này về việc PVN vi phạm tỷ lệ góp vốn. Còn Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương chấp thuận phương án tăng vốn của Oceanbank.
"Việc tăng vốn vi phạm luật nhưng lại được cơ quan Nhà nước chấp thuận", luật sư thắc mắc và cho biết thêm thời điểm đó, Tập đoàn Dầu khí muốn giảm tỷ lệ vốn góp xuống 15% cũng không được. Theo quy định pháp luật, cổ đông tham gia HĐQT phải thôi giữ chức HĐQT ít nhất 6 tháng khi thoái vốn.
PVN mất 800 tỷ vì Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng?
Đánh giá hiệu quả việc góp vốn vào Oceanbank của PVN cũng là nội dung được luật sư Phan Trung Hoài nêu ra trong bản luận cứ dài 30 trang. Viện dẫn tài liệu có trong hồ sơ, luật sư khẳng định khoản đầu tư trên sinh lời thể hiện qua việc Tập đoàn Dầu khí nhận về hơn 240 tỷ đồng cổ tức.
Năm 2011, ông Thăng rời Tập đoàn Dầu khí nhưng 2 năm sau tập đoàn vẫn được chia cổ tức từ 10-16%. Theo luật sư, Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào tháng 4/2015, tức là 4 năm sau khi ông Thăng chuyển công tác.
Về việc xác định hậu quả vụ án, luật sư Hoài đặt câu hỏi: Phải chăng PVN bị mất 800 tỷ do Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá không đồng? Người bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho rằng trước thực trạng hoạt động yếu kém của Oceanbank, Ngân hành Nhà nước cần tái cơ cấu, áp dụng thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản thay vì biện pháp cưỡng chế mua bắt buộc.
Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm quyết định 254 của Thủ tướng có nêu một trong những giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém là đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi cần thiết. Theo luật sư, quyết định mua Oceanbank chưa giải thích thỏa đáng cho các cổ đông, trong đó có PVN. Đó chưa kể đến việc sau khi mua với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu, Oceanbank vẫn xác định vốn điều lệ là hơn 4 tỷ đồng.
'Bị cáo không còn đủ thời gian thi hành các bản án'
Cùng bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng vụ án này về mặt tố tụng là tiếp theo vụ án Hà Văn Thắm trước đây (đã xử hồi tháng 9/2017), xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương.
Theo bản án hình sự sơ thẩm của vụ án trên, bị cáo Hà Văn Thắm và các bị cáo khác đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm toán thực trạng tài chính khi mua Oceanbank giá 0 đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện và bản án sơ thẩm chưa được giải quyết vì đang chờ phúc thẩm.
Luật sư phân tích, nếu không làm rõ tình trạng tài chính của Oceanbank sẽ không chứng minh được hậu quả thiệt hại. Trong vụ án PVN mất 800 tỷ đang xét xử, việc xác định hậu quả Oceanbank thiệt hại từ vụ án Hà Văn Thắm rất quan trọng.
Nói về những cáo buộc của cơ quan công tố đối với thân chủ Đinh La Thăng, luật sư Thiệp trình bày, PVN được chọn để thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn đa ngành nghề, phù hợp chủ trương của Nhà nước. Do đó, các hoạt động đầu tư đa ngành của Tập đoàn Dầu khí là hoàn toàn đúng chủ trương.
Theo luật sư, PVN góp vốn vào Oceanbank thể hiện sự chống lãng phí khi giải quyết hệ lụy của việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt.
Sau khi các luật sư nêu quan điểm bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng chậm rãi bước lên bục khai báo. Trong ít phút, cựu Chủ tịch PVN giãi bày suy nghĩ của mình. Ông nói, với những gì VKS đề nghị, ông chắc không còn đủ thời gian, để thi hành xong các bản án.
"Bị cáo có nhất trí với phần bào chữa của luật sư không?", HĐXX hỏi. Ông Thăng nói đồng ý và không bổ sung.
Ngày 22/3, VKS đề nghị mức án 18-19 năm tù đối với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) 24- 26 năm tù tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo khác: Vũ Khánh Trường 7-8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn 30-36 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng 24-30 tháng tù. Riêng 2 bị cáo Phan Đình Đức và Nguyễn Thanh Liêm cùng 24-30 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.