BS. Lê Nguyễn Thảo Chương - Trung tâm Mắt Hải Yến đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cho người sử dụng kính áp tròng.
- Độc giả Nguyễn Thu Hà (Nam Định): Em bị cận nhưng không muốn đeo kính thông thường mà muốn dùng kính áp tròng để mang tính thẩm mỹ hơn. Không biết loại kính này có tác dụng phụ gì không thưa bác sĩ? Em cần lưu ý gì khi dùng kính này?
- BS. Lê Nguyễn Thảo Chương: Kính sát tròng được gọi là kính thuốc vì mục tiêu sử dụng là để chữa bệnh, điều chỉnh tật khúc xạ của mắt.
Nguy cơ khi đeo kính áp tròng
Dùng loại kính này, bạn có thể bị khô mắt, chịu những ảnh hưởng lên giác mạc như: phù giác mạc và nhìn mờ do giảm lượng oxy, trầy và tróc biểu mô giác mạc, thay đổi hình dạng giác mạc và nhiễm trùng. Kính áp tròng cũng tăng nguy cơ tổn thương giác mạc do vi trùng và những yếu tố gây nhiễm trùng khác tích tụ trong kính. Điều này đặc biệt đúng khi kính cũ và có nhiều chất lắng đọng ở mặt trước và sau. Theo Viện Brien Holder Vision, nhiễm trùng giác mạc xảy ra với xác suất 4/10.000 trường hợp đeo kính áp tròng hàng ngày (tương đương tỷ lệ 0,04%) và khoảng 20/10.000 người đeo kính áp tròng qua đêm (tương đương tỷ lệ 0,2%).
Kính áp tròng có tính thẩm mỹ cao nhưng cũng mang đến không ít rắc rối cho người dùng.
|
Người dùng kính áp tròng cũng có thể dị ứng với dung dịch rửa và ngâm kính áp tròng. Những lắng đọng trong kính có thể làm người dùng khó chịu hơn khi đeo kính và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, các phản ứng viêm tại mắt, viêm mi mắt, phản ứng viêm tạo gai, nhú dưới mi mắt cũng có thể xảy ra.
Tuân thủ chỉ dẫn khi dùng kính áp tròng
Giữ lượng oxy đủ cho mắt bằng cách tái khám đúng lịch hẹn, bỏ hoặc thay mới kính theo hướng dẫn; chọn kính mềm từ chất liệu silicon hydrogel hoặc kính cứng thấm khí. Cần vệ sinh kính và khay đựng kính để giảm nguy cơ nhiễm trùng cho mắt. Chỉ sử dụng dung dịch rửa và ngâm kính do bác sĩ chỉ định, không tự ý thay đổi khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Hầu hết người đeo kính áp tròng sử dụng dung dịch rửa không cần chà kính bằng tay nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy tốt nhất người dùng vẫn nên chà bằng tay khi ngâm kính trong dung dịch.
Rửa khay đựng kính cũng rất quan trọng. Rửa khay với dung dịch và để khô trong thời gian đeo kính sẽ giảm được nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây hại cho mắt. Bạn nên thay khay mới ít nhất mỗi 3 tháng. Mỗi lần ngâm kính cần sử dụng dung dịch mới, không đổ thêm vào dung dịch ngâm cũ từ ngày hôm trước. Ngoài ra, bạn cần tuân thủ lịch hẹn thay kính, vì dù sử dụng kính cẩn thận theo hướng dẫn nhưng ngày qua ngày, những chất bẩn vẫn lắng đọng trong kính.
Cách tra kính áp tròng vào mắt
Bạn phải rửa tay trước khi đeo kính, cần tránh dùng xà phòng có mùi thơm và nhớt, đặc biệt tránh những sản phẩm có chứa mỡ lông cừu và sữa dưỡng ẩm vì có thể dính vào bề mặt kính. Một số bước cơ bản khi đeo kính áp tròng:
Bước 1: Lắc nhẹ khay đựng kính để kính lỏng ra khỏi khay. Không cố lấy kính bằng ngón tay vì có thể sẽ làm hỏng kính.
Bước 2: Trượt kính ra khỏi khay và đặt trong lòng bàn tay. Rửa với dung dịch.
Bước 3: Đặt kính trên đầu ngón tay trỏ hoặc giữa. Ngón tay nên khô.
Bước 4: Dùng ngón cái và những ngón tay khác của bàn tay còn lại kéo mi trên và mi dưới ra.
Bước 5: Đặt kính vào mắt khi nhìn lên hoặc nhìn xuống (tùy vào mức độ thoải mái khi tra kính của bạn). Bạn có thể đặt kính ở phần tròng trắng phía đuôi mắt.
Bước 6: Nhẹ nhàng nhắm mắt, đảo mắt một vòng tròn để giúp kính ôm sát vào nhãn cầu, sau đó chớp mắt.
Bước 7: Nhìn gần vào kính để đảm bảo kính ngay trung tâm. Nếu đeo đúng, bạn sẽ thấy dễ chịu và nhìn rõ hơn.
Cách tháo kính áp tròng
Để tháo kính, bạn cần rửa tay sạch. Với loại kính mềm, hãy nhìn xuống hoặc liếc ngang trong khi kéo mi dưới xuống. Dùng ngón tay nhẹ nhàng trượt kính qua tròng trắng. Ở đây bạn có thể nhẹn nhàng nắm kính bằng ngón cái và ngón trỏ rồi kéo ra khỏi mắt. Dù đã thực hiện nhuần nhuyễn việc lấy kính nhưng bạn vẫn nên cắt móng tay để tránh gây trầy xước và tổn hại cho mắt.
Tháo kính đúng cách và ngâm kinh vào dung dịch rửa. |
Với loại kính cứng, khi tháo bạn cần đưa một bàn tay hứng bên dưới, mắt mở to, sử dụng ngón tay của bàn tay kia để kéo phần da giữa mi trên và mi dưới ra ngoài, sau đó chớp mắt để kính rơi ra. Bạn cũng có thể sử dụng cây lấy kính.
Khi trang điểm, bạn cần đeo kính áp tròng trước và luôn luôn rửa sạch tay khi chạm vào kính để tránh kem, sữa dưỡng dính vào kính. Sử dụng mỹ phẩm không gây dị ứng. Nên sử dụng kem đánh mắt thay vì phấn vì sẽ dễ rửa hơn nếu vào mắt. Nếu muốn sử dụng phấn, bạn nên nhắm mắt khi đánh và phủi sạch phấn còn thừa trước khi mở mắt. Không bao giờ kẻ mắt giữa lông mi và mắt, chỉ kẻ ở phần lông mi xa mắt. Khi tẩy trang, bạn cần rửa tay, để khô rồi lấy kính áp tròng, cẩn thận để kính không dính mỹ phẩm, sau đó dùng dung dịch tẩy trang. Cuối cùng, bạn nên thay mỹ phẩm trang điểm mỗi 3 tháng và không sử dụng chung với người khác.
Để hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ mắt phù hợp, báo Tri thức trực tuyến Zing.vn phối hợp với Hệ thống trung tâm Mắt Hải Yến thực hiện chương trình “Tư vấn các bệnh về mắt” trên chuyên mục Sức khỏe. PGS.TS.BS Trần Hải Yến - Bộ môn Mắt, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cố vấn cao cấp của Phòng khám Mắt Hải Yến cùng các bác sĩ, chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi, thắc mắc của độc giả. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về địa chỉ email suckhoe@zing.vn hoặc fanpage Haiyen Eye Center, 0913 666 665 và Trung tâm Mắt Kỹ thuật cao An Sinh, 08 3845 3869 để được tư vấn.