Các nghệ sĩ điện ảnh hàng đầu Việt Nam... mếu máo kêu cứu
Các nghệ sĩ nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt như NSND Như Quỳnh, NSƯT Minh Châu, NSND Hải Ninh, NSND Thanh Vân... đang kêu cứu về việc nhà truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Ngôi nhà chung bị xâm hại
Ngôi nhà này nguyên là nhà thủy phi cơ, trước đây còn được gọi nhà Vọng Ba Lâu từng được Hãng cho thuê. Tới năm 2007, khi còn chưa hết hạn hợp đồng, ông Giám đốc Hãng khi đó đã ký cho thuê thêm hơn chục năm nữa, tới tận năm 2018 mà chẳng ai biết.
Mặc dù vậy thời gian qua ngôi nhà này dược dùng làm nhà truyền thống, nơi trưng bày những giải thưởng, những bức ảnh lịch sử của các nghệ sĩ và những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Ngôi nhà truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam nằm trọn trong quy hoạch làm bến neo đậu. |
Đây là nơi đã chứng kiến các sự kiện lịch sử của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, là nơi Bác Hồ cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo như TBT Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đã đến chỉ đạo và động viên các nghệ sĩ điện ảnh thực hiện các bộ phim như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Hà Nội...
Tuy nhiên, vài ngày trước, BQL Hồ Tây cho đóng cọc, đổ bao cát xuống lòng hồ xung quanh nhà truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam. Ngôi nhà thiêng của các nghệ sĩ nay lại nằm gọn trong quy hoạch Công trình Xây dựng bến thủy nội địa neo đậu xuồng cứu hộ trên Hồ Tây khiến rất nhiều nghệ sĩ bức xúc.
Được biết, trong các ngày từ 14-17/11, BQL Hồ Tây đã tiến hành xây dựng Bến tàu tại khu nhà thủy phi cơ.
Các nghệ sĩ mếu máo, nghẹn lời
NSND Như Quỳnh, NSƯT Minh Châu, NSND Hải Ninh, NSND Thanh Vân, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam như Lê Đức Tiến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Kim Cương... đều bức xúc lên tiếng phản đối sự việc này.
Đạo diễn Thanh Vân đã nhiều lần nghẹn lời và rơi nước mắt nói: "Di sản của Hãng đang có nguy cơ bị tước đoạt. Tôi muốn cất lên một tiếng nói về sự tồn vong của Hãng phim truyện Việt Nam".
Diễn viên Minh Châu cũng nói trong nước mắt: "Tôi thấy đau lòng vì phải viết đơn kiến nghị về sự việc này. Tại sao nghệ sĩ chúng tôi lại phải làm những việc đau lòng như vậy".
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cảnh báo: "Đừng để xảy ra vụ việc như ở chùa Trăm Gian, đây không chỉ là tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam mà còn là bàn thờ của điện ảnh dân tộc".
Trong khi Đạo diễn, NSND Hải Ninh thì chia sẻ ông thậm chí còn muốn đề nghị biến nơi đây thành di tích lịch sử quốc gia vì đã đẻ ra cả một nền điện ảnh của dân tộc.
Khi các nghệ sĩ phản ứng thì họ nhận được câu trả lời rằng việc bao cọc và đặt bao cát chưa xâm hại đến công trình của hãng. |
Nghệ sĩ Nguyễn Kim Cương, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam nêu quyết tâm "bằng mọi cách phải bảo vệ nhà thủy tạ này".
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì bức xúc: "Cả một nền điện ảnh bị xâm phạm. Tại sao các văn nghệ sĩ lại phải mếu máo thế này. Không phải chúng ta đang bảo vệ một góc của Hãng phim truyện Việt Nam mà chúng ta đang phải bảo vệ những giá trị to lớn. Tại sao người ta lại đối xử với di sản của một đất nước như thế này".
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát: "Đúng là chó cắn áo rách"!
Đúng là "chó cắn áo rách". Hãng PT Việt Nam đang lâm vào hồi bĩ cực. Phim không có để làm, lương không có để trả, đất đai ngụ trên 4 Thụy Khuê 50 năm, có đóng thuế đất đàng hoàng mà không được nhận sổ đỏ. Cơ ngơi ngày càng xập xệ tan hoang lúc nào cũng ở tình trạng nơm nớp với lời dọa sẽ lấy để "quy hoach" dự án làm vườn hoa cho cảnh quan Hồ Tây thêm đẹp.
Nhìn những người đồng nghiệp cũ đã khốn khổ vì chống chọi với sự khó khăn để tồn tại rồi, nay lại phải gác tất cả mọi công việc sáng tạo lại, dàn quân ra canh gác ngày đêm ngôi nhà Thủy tạ, canh gác từng mét đất của cơ quan không để cho họ lấy đi mà nao lòng.
Hà Nội hết tất cả đất rồi sao mà cứ nhăm nhăm nhằm vào Hãng PTViệt Nam như thế? Đẩy anh em cán bộ nghệ sĩ của Hãng luôn vào tình cảnh ăn không ngon ngủ không yên vậy mà bên cạnh đó vẫn cứ đòi hỏi họ phải có những bộ phim "xứng tầm thời đại", hay, tính nhân văn sâu sắc... Lòng dạ nào mà nghĩ và làm được như thế bây giờ.
Đạo diễn, NSND Hải Ninh: "Tôi không thể ngồi yên"
NSND Hải Ninh và con trai, NSND Thanh Vân đau lòng trước việc Nhà truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam, bị phá bỏ. |
Với tư cách là NSND, phục vụ Điện ảnh Việt Nam trong suốt cuộc đời mình, tôi không thể ngồi yên để thấy một công ty kinh doanh của Quận Tây Hồ xây dựng nhà hàng kinh doanh phá bỏ cả một di tích lịch sử của Điện ảnh, một nền điện ảnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh.
Tôi đề nghị cho phép Hãng phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ đã có nhiều thành tích trong chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH được trình bày ý kiến của mình trước Bộ VHTTDL và trước Quốc hội.
NSND Như Quỳnh: "Hãy xử sự cho công bằng và có tình người"
NSND Như Quỳnh nói: "Hãy để khu nhà nổi của số 4 Thụy Khuê là một nơi ghi dấu ấn của các nghệ sĩ, là một nhà trưng bày những công lao và gặp gỡ của nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này". |
Chúng tôi là những diễn viên đóng góp cho những tác phẩm điện ảnh Việt Nam. Những bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất đã cho thế giới hiểu được Văn hóa và nghệ thuật của đất nước Việt Nam chúng ta. Số 4 Thụy Khuê là một địa chỉ mang đậm nét trong lòng chúng tôi. Và rất nhiều bạn bè thế giới cũng nhớ đến địa điểm số 4 Thụy Khuê này.
Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo nhà nước, nhất là UBND Quận Tây Hồ hãy xử sự cho công bằng và có tình người đối với khi nhà nổi ở Hồ Tây (nằm trong diện tích số 4 Thụy Khuê). Hãy để khu nhà nổi của số 4 Thụy Khuê là một nơi ghi dấu ấn của các nghệ sĩ, là một nhà trưng bày những công lao và gặp gỡ của nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.
NSƯT Mai Châu: Cầu mong các vị lãnh đạo quan tâm
Tôi làm việc tại đây từ năm 1956 cho đến nay. Trong ngôi nhà 4 Thụy Khuê này, tất cả diễn viên điện ảnh chúng tôi rèn luyện học tập để trở thành những nghệ sĩ điện ảnh để phục vụ toàn thể nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã trở thành những NSND, NSƯT, đã đi khắp các tỉnh để đem phim chiếu phục vụ bà con. Chúng tôi còn hân hạnh được phục vụ Bác Hồ và Chính phủ nhiều lần. Ngôi nhà này là nơi mà các nghệ sĩ chúng tôi được nhân dân mến thương, yêu quý.
Chúng tôi cầu mong các vị lãnh đạo quan tâm đến mảnh đất đã rèn luyện ra 1 lớp người đã đem hết cả tâm lực để làm ra những bộ phim không những ở trong nước mà còn đi các nước dự thi, dành những phần thưởng cao quý về cho đất nước chúng ta.
NSƯT Minh Châu: Hãy để chúng tôi được yên tâm làm phim
Chúng tôi kiến nghị và đề nghị các cấp lãnh đạo nghiên cứu, xem xét và giải quyết về những bức xúc của toàn thể anh chị em trong Hãng phim nói chung và các nghệ sĩ đã từng hoạt động, cống hiến cho điện ảnh trên mảnh đất số 4 Thụy Khuê này để chúng tôi được yên tâm tiếp tục cống hiến cho xã hội những tác phẩm điện ảnh. Chúng tôi hy vọng sau những đề nghị của chúng tôi sẽ được các cấp lãnh đạo quan tâm và ủng hộ.
Theo Đất Việt