3 ngày sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, Rachel Pokriva trở lại làm việc ở một bệnh viện tại Lexington (bang Kentucky, Mỹ), theo Insider.
Pokriva nói trước đây cô có thể xin nghỉ cả tuần khi bị bệnh. Nhưng chính sách mới của bệnh viện quy định sau 5 ngày có kết quả kết nghiệm dương tính, nhân viên phải làm việc trở lại, trừ các trường hợp nghiêm trọng.
Các triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi của Pokriva được phân loại là “nhẹ, bình thường”. Còn các trường hợp sốt và khó thở mới được xem xét để nghỉ thêm.
Ngành y tế của Mỹ đối mặt với khủng hoảng nhân sự trong dịch. Ảnh: Anadolu Agency. |
Tháng 12/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) đề nghị cắt giảm thời gian cách ly đối với các trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng từ 10 ngày xuống 5 ngày. Đây được cho là giải pháp giúp người lao động quay trở lại làm việc sớm hơn, giảm thiểu tình cảnh thiếu nhân sự hàng loạt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
"Tình trạng thiếu nhân sự còn quan trọng hơn cả bằng chứng khoa học chứng minh rằng chúng ta có lây lan virus sau 5 ngày dương tính hay không", Pokriva nói.
Những nơi đầu tiên cho phép F0 đi làm
Theo CDC, sau 5 ngày cách ly, bệnh nhân Covid-19 có thể quay lại làm việc nhưng được khuyến cáo “đeo khẩu trang khi ở gần những người khác”.
CDC cho biết các hướng dẫn mới đều dựa trên "khoa học" khi phần lớn sự lây lan Covid-19 thường xảy ra trong những ngày đầu phát bệnh. Đồng thời, Omicron được cho gây bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta.
Đầu tháng 1, cơ quan y tế California thông báo rằng các nhân viên bệnh viện có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng có thể tiếp tục làm việc. Một số bệnh viện ở Rhode Island và Arizona cũng ra quyết định tương tự.
Nhiều bệnh viện ở Mỹ bị quá tải vì bệnh nhân ngày một đông, trong khi số nhân viên y tế trở thành F0, phải nghỉ làm tăng chóng mặt.
Người dân Nam Phi xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Johannesburg. Ảnh: Jerome Delay/AP. |
Đầu tháng 2, Nam Phi cũng giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân Covid-19 từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Trong khi đó, những F0 không triệu chứng sẽ không phải cách ly.
Các trường học, doanh nghiệp hoạt động với 100% công suất. Ngoài ra, quy định giãn cách tối thiểu 1 m trong lớp học cũng được hủy bỏ, theo Aljazeera.
Nam Phi là một trong những quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Quốc gia này đã ghi nhận 3,6 triệu ca nhiễm và hơn 95.000 trường hợp tử vong do Covid-19.
Tuy nhiên, Mondli Gungubele, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Phi, khẳng định nước này đã thoát khỏi làn sóng dịch bệnh thứ 4. Chính vì vậy, các quy tắc chống dịch nghiêm ngặt như trước đây là không cần thiết.
“Các thay đổi được đưa ra dựa trên cơ sở tỷ lệ những người có khả năng miễn dịch với Covid-19 đã tăng lên đáng kể, vượt quá 60-80% dân số”.
Không bắt buộc F0 làm việc
Cuối tháng 2, Singapore ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày theo CNA. Bộ Nhân lực nước này cảnh báo số nhân viên nhiễm bệnh, không thể đến văn phòng sẽ ngày càng tăng.
Để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực trong nhiều ngành, người lao động nhiễm Covid-19 có sức khỏe tốt có thể làm việc tại nhà nếu đủ khả năng. Trong trường hợp không đủ sức, nhân viên được nghỉ ốm có lương mà không cần giấy chứng nhận y tế.
Những nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính tự cách ly trong 72 giờ, trước khi thực hiện lần kiểm tra thứ hai. Nếu lần xét nghiệm thứ hai là âm tính, họ được tự do trở lại nơi làm việc.
Nếu vẫn dương tính, nhân viên tiếp tục tự cách ly và test nhanh mỗi ngày cho đến khi có kết quả âm tính. Tuy nhiên, đến ngày thứ 7 mà vẫn dương tính, người lao động được quay lại làm việc. Với những người chưa tiêm phòng, thời gian cách ly kéo dài 14 ngày.
Còn trong trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 (F1), Bộ Y tế Singapore khuyến cáo xét nghiệm nhanh Covid-19 trong vòng 24 giờ đầu. Nếu kết quả âm tính, họ có thể đi làm như bình thường, nhưng cần hạn chế tương tác xã hội không cần thiết.
Singapore rút ngắn thời gian cách ly tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 và cho phép người tiếp xúc gần với F0 đi làm bình thường. Ảnh minh họa: Luis Alvarez. |
Tại châu Âu, Pháp là quốc gia đầu tiên cho phép nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 nhưng có ít hoặc không có triệu chứng tiếp tục làm việc thay vì cách ly. Biện pháp giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân viên tại các cơ sở y tế.
Việc miễn trừ cách ly đặc biệt đang được áp dụng tại các bệnh viện, cở sở chăm sóc người già, dịch vụ y tế thiết yếu khác và chỉ dành cho những F0 đã tiêm phòng đầy đủ, không ho, không hắt hơi.
Bộ Y tế Pháp cho biết sự lây lan của biến chủng Omicron đã "làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe" và việc cho phép F0 không triệu chứng đi làm là giải pháp "đặc biệt và tạm thời". Quy tắc này sẽ được dỡ bỏ khi hệ thống không còn quá tải.
Tại Paris, các bệnh viện nhấn mạnh đây là "biện pháp cuối cùng" và dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động.
Romain Eskenazi, Giám đốc truyền thông của hai bệnh viện ở ngoại ô phía bắc Paris, cho biết: "Nếu nhân viên nhiễm Covid-19 mệt mỏi, đau họng và thích nghỉ ngơi ở nhà, không ai ép họ đi làm cả".
Giáo sư Rémi Salomon, Chủ tịch ủy ban phụ trách các bệnh viện ở Paris, nói rằng mặc dù nhân viên nghỉ hàng loạt là "vấn đề lớn", việc cho phép lao động bị nhiễm bệnh làm việc là "cực kỳ khó thực hiện".
Ông nói với đài truyền hình France Info: "Các nhân viên y tế luôn tự nhủ: 'Tôi sợ lây virus cho bệnh nhân'".
Hướng dẫn của Bộ Y tế Pháp nói rằng nếu có thể, nhân viên bị nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với những bệnh nhân chưa được tiêm phòng hoặc có nguy cơ bị trở nặng khi nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, F0 đi làm phải hạn chế hết mức có thể các tương tác với đồng nghiệp và không được tham gia những hoạt động chung lúc tháo khẩu trang.