Vừa qua, truyền thông chấn động khi hai vụ gian lận tuyển sinh liên tiếp bị cơ quan điều tra ở Mỹ phanh phui. Khi người dân nước này còn chưa hết bất ngờ sau vụ khởi tố gần 50 người dính líu đến đường dây nhà giàu mua suất học cho con của William “Rick” Singer, cảnh sát lại bắt giữ 5 người vì giúp người Trung Quốc gian lận visa.
Khi tiền, quyền can thiệp vào quá trình tuyển sinh
Không chỉ riêng Mỹ, gian lận tuyển sinh xảy ra tại nhiều nước trên thế giới với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Tháng 7/2018, Japan Times đưa tin Futoshi Sano, 58 tuổi, lúc đó là Cục trưởng Chính sách Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức quyền để đưa con trai vào học ĐH Y Tokyo.
Con đường Futoshi Sano móc nối với lãnh đạo ĐH Y Tokyo để giúp con giành suất vào ngôi trường danh tiếng. Ảnh: Japan Times. |
Cụ thể, Sano thỏa thuận với hiệu trưởng và chủ tịch HĐQT trường về quyết định hỗ trợ tài chính để đổi lại suất học cho con trai vào ngôi trường danh giá này. ĐH Y Tokyo nhận 35 triệu yên cho các dự án nghiên cứu trong năm 2017, dù một năm trước đó, trường không được chọn.
Về phía Sano, “quyền năng” của ông giúp con trai trúng tuyển sau khi được nâng khá nhiều điểm trong kỳ tuyển sinh vào tháng 2 cùng năm. Bê bối này dẫn tới cuộc điều tra đối với ĐH Y Tokyo. Cảnh sát phát hiện thêm vụ việc gây chấn động truyền thông nước này - trường hạ điểm hàng loạt thí sinh nữ để hạn chế số nữ sinh theo học ở đây.
Tháng 5 năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc cũng phát hiện hàng loạt tổ chức tội phạm chuyên cung cấp thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao cho các phụ huynh giàu có.
Theo People Daily, cuộc truy quét ở Liêu Ninh, Sơn Đông, Hồ Bắc, Quảng Đông, Tứ Xuyên và khu tự trị Nội Mông đã loại bỏ 12 băng nhóm, phá hủy 6 đường dây sản xuất thiết bị gian lận cùng 100.000 thiết bị. Tổng giá trị của các thiết bị trái phép này lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Thủ đoạn gian lận trên không dành cho con nhà nghèo, trừ khi bố mẹ của họ sẵn sàng dồn hết tiền để con có lợi thế cạnh tranh bất chính trên đường đua vào đại học danh tiếng.
Không chỉ liên tục xuất hiện các thủ đoạn đối phó biện pháp an ninh để ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi đại học (gaokao), con nhà giàu Trung Quốc còn dính hàng loạt bê bối liên quan du học Mỹ.
Gần đây nhất, Liu Cai cùng 4 đồng bọn bị bắt, một người khác trong diện tình nghi vì tổ chức thi hộ tiếng Anh để thí sinh Trung Quốc được cấp thị thực theo học tại các trường hàng đầu ở Mỹ như ĐH California ở Los Angeles, ĐH Columbia, ĐH New York.
Tháng 10/2017, nữ sinh người Trung Quốc Shikun Zhang bị phát hiện gian lận trong kỳ thi lấy chứng chỉ TOEFL. Hai tháng trước đó, 3 nữ sinh nước này phạm tội tương tự. Tháng 4 cùng năm, 4 người khác bị bắt vì thi hộ và thuê người thi hộ kỳ thi này.
Cái giá cho cuộc đua không lành mạnh
Trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh, không ít phụ huynh giàu có, quyền cao chức trọng dùng tiền, quyền để trải hoa hồng cho con đường tiến vào đại học của con.
Họ mạnh tay chi tiền để sắm thiết bị gian lận, mua chuộc cán bộ quản lý thi, thuê người thi hộ hoặc hối lộ nhân viên trường. Họ sẵn sàng vi phạm pháp luật để con họ có được tấm bằng danh giá từ trường nổi tiếng hay danh xưng “rùa biển” - cách người Trung Quốc gọi du học sinh trở về nước. Hàng loạt người khác tổ chức đường dây gian lận, tiếp tay cho gian lận tuyển sinh vì tiền.
Thiết bị gian lận thi cử ở Trung Quốc liên tục được đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thí sinh con nhà giàu. Ảnh: SCMP. |
Nhưng có thể nói đây là cuộc “đầu tư” liều lĩnh vì nếu bị phát hiện, họ mất cả chì lẫn chài, từ tiền bạc, suất học của con trong trường đến sự nghiệp và tự do của chính mình.
Trong vụ lợi dụng chức quyền để con được nâng điểm, Futoshi Sano mất chức và vướng vòng lao lý. Một người khác cũng chịu sự trừng phạt từ pháp luật vì tiếp tay cho hành vi tham nhũng này.
Hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Y Tokyo công khai xin lỗi và từ chức sau khi vụ nâng điểm cho con quan chức và hạ điểm hàng loạt thí sinh nữ bị phanh phui.
5 người tổ chức thi hộ học sinh Trung Quốc trong kỳ thi TOEFL để lấy visa du học bị khởi tố với ít nhất hai tội danh. Trong đó, hình phạt tối đa cho tội gian lận là 5 năm, tội sử dụng hộ chiếu giả là 10 năm. Việc sử dụng tính danh của người khác là tình tiết tăng nặng, có thể tăng án tù dành cho các đối tượng trên thêm 2 năm.
Trong vụ việc này, phía cơ quan điều tra đang làm việc với các trường đại học, nơi có 40 sinh viên người Trung Quốc theo học nhờ lấy được visa bằng con đường bất chính.
Dù chưa có kết quả cuối cùng, họ dường như không thể tránh khỏi kết cục bị trục xuất về nước, thậm chí phạt tù, như hình phạt Shikun Zhang cùng các du học sinh vi phạm điều tương tự phải nhận.
Từ năm 2015, gian lận thi cử được coi là tội hình sự ở Trung Quốc. Người vi phạm sẽ lĩnh án từ 3 đến 7 năm tù, tùy mức độ nghiêm trọng của sự việc đồng thời bị cấm thi từ 1 đến 3 năm.
Trong đại án gian lận thi cử ở Mỹ, dù tòa án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, 50 người liên quan đã phải hầu tòa. Hàng loạt nhân viên các trường dính líu bê bối này bị sa thải. Các trường xem xét lại quá trình tuyển sinh, đuổi học những thí sinh trúng tuyển nhờ tiền, quyền của cha mẹ.
Andrew Lelling, luật sư tại Massachusetts, người đứng đầu đoàn công tố của vụ đường dây nhà giàu chạy suất học cho con, cho biết các cá nhân tiếp tay cho gian lận thi cử sẽ bị xử lý nghiêm minh.
“Chúng ta không thể có hệ thống tuyển sinh riêng cho người giàu, cũng không thể có hệ thống tư pháp riêng cho những người dính vào vụ gian lận chấn động cả nước này”, luật sư Lelling khẳng định.