Xu hướng cải tạo văn phòng mang lại hy vọng hồi sinh cho nhiều đô thị ở Mỹ. |
Trên tầng 31 của nơi từng là tòa nhà văn phòng cao chót vót ở trung tâm thành phố Manhattan (New York, Mỹ), các công nhân xây dựng đang lắp đặt thanh giằng thép để thay thế bằng loạt tiện nghi dân cư: trạm phục vụ ăn uống, sảnh khách, hố lửa và lò nướng gas.
Cao ốc này bị bỏ trống từ năm 2021. Chủ đầu tư đang lên kế hoạch chuyển đổi nó thành 588 căn hộ cho thuê theo giá thị trường với sức chứa khoảng 1.000 người, theo Yahoo News.
“Chúng tôi sẽ thổi sức sống không chỉ vào tòa nhà mà còn cho toàn bộ khu phố”, Joey Chillelli, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản Vanbarton Group, cho biết.
Dẹp văn phòng trống
Trên khắp nước Mỹ, việc “thay áo mới” cho văn phòng là một giải pháp tiềm năng cho các khu thương mại đang gặp khó khăn khi trung tâm thành phố trở nên trống rỗng vì đại dịch.
Nhiều đô thị đang đưa ra chính sách giảm thuế cho các nhà phát triển để khuyến khích xu hướng chuyển đổi này - với điều kiện là một tỷ lệ phần trăm căn hộ nhất định phải được cung cấp với giá thấp hơn thị trường.
Vào tháng 1/2023, chính quyền Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania) tuyên bố sẽ chấp nhận các đề xuất để bổ sung nhà ở với giá cả phải chăng thông qua việc “thay thế không gian văn phòng bỏ hoang và không được sử dụng đúng mức”.
Boston (tiểu bang Massachusetts) đã đưa ra một kế hoạch vào tháng 10/2022 nhằm mục đích hồi sinh khu trung tâm, bao gồm việc thúc đẩy nhiều chỗ lưu trú hơn, một trong số đó sẽ đến từ việc sắp xếp lại các cao ốc.
Còn Seattle (tiểu bang Washington) thì phát động một cuộc thi vào tháng 4 dành cho những chủ sở hữu bất động sản và công ty thiết kế nhằm khuyến khích đóng góp sáng kiến.
Chính quyền của nhiều tiểu bang đang lên kế hoạch "cứu" các khu vực trung tâm rơi vào tình trạng ảm đạm. Ảnh: CNN. |
Tại thủ đô của xứ cờ hoa, Thị trưởng Muriel Bowser đã coi việc thay đổi văn phòng thành nhà ở là nền tảng trong phương án tái định cư và hồi sinh khu trung tâm.
“Kế hoạch trở lại” của bà cho Washington D.C, được công bố vào đầu năm nay, sẽ tìm cách tiếp nhận thêm 15.000 cư dân mới vào khu vực này, để sinh sống cùng khoảng 25.000 người đã ở đây.
“Công việc của chúng tôi là thu hút nhiều người đến trung tâm thành phố hơn. Chúng tôi mất nhiều cư dân vì Covid-19”, bà Bowser chia sẻ.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy sự thay đổi có thể khiến nhiều người lo ngại khi các yêu cầu về nhà ở giá rẻ bị giảm xuống. Ngay cả những người ủng hộ mô hình này cũng nói rằng quyết định giảm thuế cho các nhà đầu tư giàu có không phải là công cụ tốt nhất để đạt được mục tiêu.
Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp quay lại hình thức làm việc cũ, câu hỏi đặt ra là liệu mọi người có muốn chuyển đến đây không nếu không bắt buộc họ phải ở lâu dài.
“Bạn phải biến nơi đó thành một khu phố đáng sống, vui tươi và năng động. Làm thế nào để làm được điều đó?”, Thị trưởng Pittsburgh Ed Gainey phát biểu vào tháng 1/2022.
Tái tạo các khu trung tâm
Jordan Woods (33 tuổi), nhà thầu làm việc cho chính phủ liên bang, đã dọn đến một căn hộ ở Washington vào năm 2019 vì bị hấp dẫn bởi việc có thể đi bộ đến cơ quan mỗi ngày.
Woods cho hay anh tìm thấy các cửa hàng và quán ăn mở cửa cả ngày lẫn đêm. Nhưng khi đại dịch ập đến, cả thành phố trông không khác gì “thị trấn ma” trong hơn một năm.
“Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, nó vẫn thiếu những thứ cơ bản như sân chơi, công viên dành cho chó và tiệm tạp hóa bình thường không phải Whole Foods mà tôi có thể đi bộ tới. Tôi sẽ không nói rằng mình hối hận, nhưng nếu cần cân nhắc chuyển đi, đó sẽ là một quyết định khó”, Woods nói.
Tại New York, nơi có tỷ lệ nhà trống là 15,5%, Thị trưởng Eric Adams đã công bố vào tháng 1/2023 kế hoạch mang 500.000 ngôi nhà mới đến thành phố, bao gồm cả những căn hộ mà ông gọi là giới hạn tiền thuê.
Một phần quan trọng của giải pháp đó là phân vùng lại các phần của "phố tỷ phú" Manhattan hiện chỉ cho phép không gian văn phòng và sản xuất.
“Đây là một cách đôi bên cùng có lợi, bởi chúng tôi không chỉ hỗ trợ thị trường cho thuê mà còn giúp kích hoạt lại các khu kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Chúng ta cũng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang gặp phải”, Phó Thị trưởng Maria Torres-Springer nói, đồng thời lưu ý rằng hơn 70.000 người dân New York ngủ trong các nhà tạm trú mỗi đêm.
Kế hoạch chuyển đổi văn phòng thành chỗ ở đang được tiến hành trên khắp xứ cờ hoa. Ảnh: AP. |
Trong 2 thập kỷ qua, gần 80 tòa nhà ở “quả táo lớn” đã được chuyển đổi thành nơi ở, con số cao nhất trên toàn nước Mỹ, theo công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại CBRE.
John Sanchez, Giám đốc điều hành của 5 Borough Housing Movement, cho hay khoảng 200 ngôi nhà có thể được đưa vào sử dụng trong thập kỷ tới và tạo ra khoảng 20.000 đơn vị ở.
Điều đó có thể biến Manhattan từ một khu vực đóng cửa vào lúc hoàng hôn thành điểm đến được các gia đình và “tín đồ ẩm thực” yêu thích.
Nhưng chỉ riêng việc chuyển đổi tại New York và các nơi khác không có khả năng mang lại sức sống cho toàn bộ thành phố.
Trong một báo cáo vào tháng 3, CBRE đã phát hiện ra rằng xu hướng này chỉ chiếm khoảng 1% các dự án dành cho nhiều hộ gia đình mới. Mặc dù được quảng cáo rầm rộ, “không có bằng chứng” để thể hiện chúng đã tăng lên đáng kể.
“Việc cải tạo các cao ốc không hề dễ dàng. Rất nhiều tòa tháp có kết cấu không thuận lợi”, Luke Bronin, thị trưởng của Hartford (Connecticut), nhận xét.
Ngoài ra, nhiều công trình còn khó tiếp cận với ánh sáng, không khí tự nhiên, không có ban công và ít nhà vệ sinh. Vì thế, các kỹ sư phải lắp đặt hàng trăm phòng tắm, bếp và hệ thống ống nước đi kèm.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.