Bệnh nhân sỏi thận thường đau hố thắt lưng, có thể xuất hiện đái ra máu, đái buốt, đái rắt. Ảnh: Wexnermedical. |
Sỏi thận là một trong những căn bệnh đường tiểu - sinh dục khá phổ biến. Nguyên nhân gây sỏi thận là rối loạn trao đổi chất khoáng. Bệnh sỏi thận có thể diễn ra một cách âm thầm và chỉ thể hiện khi đã có sỏi trong thận. Khi cát hay sỏi bắt đầu di chuyển trong cơ thể, người bệnh bắt đầu thấy đau.
TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội, cho biết sỏi được tạo ra do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân như: Uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa, dị dạng đường tiết niệu, di truyền...
Bệnh thường có triệu chứng đau hố thắt lưng. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện đái ra máu, đái buốt, đái rắt...
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sỏi thận
Người mắc bệnh sỏi thận cần có chế độ ăn uống phù hợp để tránh làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Các vấn đề như sỏi thận nên hay kiêng ăn gì lúc này trở nên rất quan trọng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, việc người bệnh sỏi thận nên ăn gì sẽ được quyết định trên cơ sở nguyên tắc dinh dưỡng sau:
Bổ sung canxi
Nhiều người cho rằng bản chất của sỏi là canxi nên cần phải kiêng hoàn toàn canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày để tránh sỏi phát triển. Tuy nhiên, quá trình hình thành sỏi không hẳn là do canxi mà còn từ rất nhiều yếu tố khác tạo thành. Không ít người không ăn các thực phẩm chứa nhiều canxi nhưng vẫn bị sỏi thận. Ngược lại, những người ăn nhiều tôm, cua, sữa... nhưng không bị mắc bệnh.
Ăn thực phẩm chứa canxi có hàm lượng đúng quy định có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Ảnh: Bengreenfieldlife. |
Thực chất, việc sử dụng nhiều thực phẩm chứa canxi có hàm lượng đúng quy định có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Việc kiêng quá mức các thực phẩm chứa canxi còn gây mất cân bằng trong cơ thể, dẫn đến loãng xương và khiến cơ thể hấp thụ nhiều oxalat hơn, tăng khả năng tạo sỏi thận. Do đó, người bị sỏi thận vẫn nên đưa vào thực đơn sữa, sữa chua, phô mai. Đây là những thực phẩm giúp bổ sung canxi.
Uống nhiều nước
Người bị sỏi thận nên uống nhiều nước mỗi ngày, sao cho lượng nước tiểu một ngày lớn hơn 2,5 lít. Đi tiểu nhiều sẽ khiến sỏi ít có khả năng tái phát. Bất kể bị sỏi thận loại nào cũng cần uống nhiều nước. Bạn có thể uống nước lọc, nước hoa quả và nước canh trong bữa ăn.
Các loại thực phẩm giàu vitamin B6 và vitamin A
Đây là hai loại vitamin rất tốt cho người bị sỏi thận. Vitamin B6 có thể làm giảm khả năng kết tủa sỏi oxalat, còn vitamin A giúp điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu, chống lại sự hình thành sỏi thận.
Người bị sỏi thận kiêng ăn gì?
- Chất đạm: Theo các bác sĩ, việc ăn nhiều protein và bệnh sỏi thận có mối liên hệ mật thiết do làm gia tăng lượng axit, canxi và phốt pho trong nước tiểu. Vì thế, người bị sỏi thận chỉ nên ăn hạn chế mỗi ngày khoảng 200 g protein.
- Muối: Một ngày, người bệnh chỉ được ăn tối đa 3 g muối. Bạn nên ăn càng nhạt càng tốt. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp vì chúng chứa rất nhiều muối.
Một ngày người bệnh chỉ được ăn tối đa 3 g muối. Ảnh: Gustarte. |
- Đường, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế đồ uống có ga, nước ngọt, trà, cà phê, bia, rượu...
- Bạn không nên tự ý bổ sung các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả điều trị bệnh sỏi thận. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt những lưu ý về dinh dưỡng để trị dứt điểm bệnh, tránh để sỏi thận kéo dài, tái đi tái lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
Thói quen giúp phòng sỏi thận
Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện, cho biết bệnh nhân mắc sỏi thận chiếm khoảng 10% dân số. Việc phòng tránh sỏi thận cũng rất khó khăn, chúng ta chỉ có thể tìm cách hạn chế sự phát triển của bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn hàng ngày có thể giúp hạn chế tình trạng này rất hiệu quả.
Uống đủ nước: Theo TS Dương Văn Trung, chỉ cần uống đủ nước, người dân đã phòng tránh được 50% căn bệnh này tái phát. Ngoài nước lọc, bạn có thể nước chanh, giúp nâng cao mức citrate trong nước tiểu, phòng ngừa sỏi oxalat canxi, sỏi axit uric.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalat: Oxalat là loại axit có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận oxalat canxi. Nếu đã bị sỏi thận, bạn có thể sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn oxalat khỏi thực đơn của mình. Các thực phẩm giàu oxalat bạn cần lưu ý bao gồm chocolate, rau lang, nước trà, củ cải đường, đậu phộng, hoa quả bóc vỏ.
Chocolate là thực phẩm chứa nhiều oxalat. Ảnh: Perfectdailygrind. |
Giảm muối: Nồng độ natri cao có thể kích thích sự tích tụ canxi trong nước tiểu. Vì vậy, TS Trung khuyến cáo người dân cần hạn chế sử dụng quá nhiều muối khi chế biến thực phẩm. Ngoài ra, trước khi mua các thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên kiểm tra định lượng natri để có lựa chọn phù hợp hơn.
Hạn chế ăn thịt đỏ: Thịt đỏ, nội tạng động vật, cá khô làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Hàm lượng axit uric cao cũng là nguyên nhân gây sỏi thận. Bạn hãy tránh nguy cơ này bằng cách hạn chế ăn thịt đỏ và uống nhiều nước.
Không uống nhiều rượu: Rượu có đặc tính lợi tiểu khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Điều này dẫn đến mất nước, đặc biệt là khi bạn uống quá nhiều rượu. Rượu cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nước và chất điện giải trong thận. Điều này dẫn đến suy giảm chức năng của thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Không lạm dụng vitamin C: TS Dương Văn Trung cho hay bổ sung vitamin C hàng ngày, suốt thời gian dài có thể dẫn đến thừa chất này, làm tăng hấp thu canxi từ ruột, canxi trong máu cao gây sỏi thận. Bổ sung vitamin C từ thức ăn là tốt nhất, chúng có nhiều trong rau quả tươi. Người dân nên ăn lượng đầy đủ theo khuyến cáo, không cần uống bổ sung thêm.